Đại biểu Quốc hội đề xuất hợp pháp hóa làm việc từ xa trong khu vực công

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đề xuất làm việc từ xa, làm việc trực tuyến là phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, phù hợp vị trí việc làm.

làm việc từ xa - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Ảnh: GIA HÂN

Chiều 14-5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự Luật Cán bộ, công chức sửa đổi.

Làm việc từ xa: Cần cơ chế đánh giá kết quả công việc khách quan, khoa học

Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) cho biết trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, nhiều quốc gia đã và đang điều chỉnh hệ thống pháp luật để thích ứng với làm việc linh hoạt, từ xa, trực tuyến.

Bà dẫn chứng thực tế thời gian qua, đặc biệt trong và sau dịch COVID-19, nhiều cơ quan hành chính nhà nước từng bước thử nghiệm làm việc từ xa, làm việc trực tuyến.

"Dù chưa được luật hóa, nhưng hình thức làm việc này đã chứng minh tính khả thi, thậm chí trong nhiều trường hợp còn giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất công việc.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cán bộ, công chức nhất là ở miền núi, vùng sâu vùng xa sau sáp nhập đơn vị hành chính", đại biểu nhấn mạnh.

Trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia, hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, phần mềm quản lý công việc, hệ thống văn bản điện tử, trực tuyến... đã tạo nền tảng vững chắc để làm việc không phụ thuộc vào không gian địa lý.

Tuy nhiên theo bà, luật hiện hành chưa có quy định chính thức về chế độ làm việc từ xa, gây khó khăn thực hiện và dễ tạo tâm lý e ngại trong việc đổi mới phương thức làm việc.

Vì vậy đại biểu Yến Nhi đề xuất cần chính thức hóa làm việc từ xa, làm việc trực tuyến là phương thức làm việc hợp pháp trong khu vực công, phù hợp theo vị trí việc làm, điều kiện công tác, hệ thống hạ tầng của từng cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, để làm việc từ xa hiệu quả, phải có cơ chế đánh giá kết quả công việc khách quan, khoa học và dựa trên hiệu quả đầu ra.

Nữ đại biểu kiến nghị dự luật cần định hướng xây dựng hệ thống đánh giá dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ gắn với tiến độ, chất lượng công việc, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết thủ tục hành chính.

Trong đó cần sử dụng nhật ký công tác điện tử, phần mềm giao dịch, sự tuân thủ quy trình số, tương tác trực tuyến, báo cáo định kỳ minh bạch, lưu vết kiểm tra để đánh giá.

Nữ đại biểu cho rằng cũng cần có sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ, kể cả khi không làm việc trực tiếp tại trụ sở. Đồng thời ứng dụng công cụ số để giám sát, đánh giá công việc mà không cần giám sát trực tiếp.

"Cần phân rõ trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc quyết định cho phép làm việc từ xa, bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, kỷ luật và kiểm soát được tiến độ, chất lượng công việc", bà nêu.

Trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính, tinh giản biên chế, việc làm việc từ xa giúp tiết kiệm thời gian đi lại, chi phí hành chính. Cùng với đó góp phần giữ chân đội ngũ có năng lực nhưng gặp khó khăn về làm việc tập trung.

Tránh tình trạng khen thưởng "luân phiên", tâm lý nể nang

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho hay dự luật quy định việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm.

Để thực hiện được nguyên tắc này, bà Nga cho hay cần xây dựng riêng khung đánh giá cho các vị trí việc làm có tính chất khác nhau, không dùng chung một khung đánh giá như hiện nay đang áp dụng.

Mỗi vị trí việc làm của công chức sẽ có những nội dung công việc khác nhau, kết quả đầu ra, sản phẩm của công việc khác nhau.

Nếu dùng chung một khung tiêu chí đánh giá cho tất cả các vị trí việc làm, sẽ khó có thể đánh giá toàn diện và công bằng. Vì vậy cần xây dựng những tiêu chí riêng, rõ ràng, cụ thể và có tính định lượng để dễ dàng trong công tác đánh giá.

Ngoài ra cần chú trọng tới việc biểu dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng với các cán bộ, công chức có thành tích tốt, có sự đột phá, sáng tạo, cách làm hiệu quả để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ.

"Đặc biệt công tác khen thưởng phải thực chất, đảm bảo là sự động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân xứng đáng. Tránh tình trạng khen thưởng "luân phiên", tránh tâm lý "nể nang" khi bình xét, lựa chọn người được khen thưởng.

Có như vậy mới tạo động lực để cán bộ, công chức phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...", bà Nga nêu.

Đại biểu Quốc hội đề xuất hợp pháp hóa làm việc từ xa trong khu vực công - Ảnh 3.Đề xuất cán bộ dân sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc

Theo dự luật đề xuất cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước cũng có thể được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0