17/07/2025 15:36 GMT+7

Đề xuất giao quyền tuyển dụng, điều động giáo viên về Sở Giáo dục và Đào tạo

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM bày tỏ lo ngại có nhiều vướng mắc nếu giao cấp xã thực hiện tuyển dụng giáo viên, điều động cán bộ quản lý.

điều động giáo viên - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 - Ảnh: NAM TRẦN

Ngày 17-7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phong, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho rằng khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm tuyển dụng của Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND cấp xã vẫn chưa có sự đồng nhất.

Theo nghị định 142 ban hành ngày 12-6 quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp, Sở Giáo dục và Đào tạo được quyền tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bổ nhiệm đối với đội ngũ nhà giáo, viên chức, người lao động trong cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Còn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật 72/2025) ban hành ngày 16-6, chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý công chức, viên chức trên địa bàn.

Ông Phong thông tin khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, TP.HCM có 168 xã/phường. Theo thống kê, có nhiều xã/phường chỉ có duy nhất trường tiểu học, một trường THCS. Cụ thể có 4 xã/phường chỉ có một trường tiểu học, 19 xã/phường chỉ có một trường THCS.

"Nếu giao trách nhiệm luân chuyển cán bộ quản lý, điều động, bổ nhiệm cho UBND cấp xã sẽ rất khó khăn, bởi nhiều xã/phường chỉ có một trường, không có nơi để luân chuyển. Trong khi đó quy định luân chuyển cán bộ quản lý một nhiệm kỳ là 5 năm và không quá hai nhiệm kỳ tại một đơn vị công tác", ông Phong nói.

Về việc tuyển dụng viên chức giáo viên, theo ông, trong thời gian đầu thực hiện chính quyền địa phương hai cấp, có nhiều xã/phường không có công chức trong ngành giáo dục, phòng văn hóa xã hội của xã/phường cũng không có công chức trong ngành giáo dục. 

Do vậy nếu giao việc bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên cho cấp xã sẽ rất khó khăn.

Tương tự, ông Đinh Ngọc Sơn, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, cho biết khi chuyển sang chính quyền hai cấp, tỉnh Quảng Ninh cũng gặp khó khăn trong việc điều động, luân chuyển giáo viên.

Bên cạnh đó theo ông Sơn, tỉnh Quảng Ninh khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp có 54 đơn vị cấp xã mới, nhưng quá một nửa phòng văn hóa xã hội của các xã không có người thuộc về lĩnh vực giáo dục để tham mưu ý kiến về giáo dục trên địa bàn.

Từ những vướng mắc trên, ông Nguyễn Văn Phong đề xuất hai nội dung:

Thứ nhất, với công tác bổ nhiệm, đối với các trường trực thuộc UBND cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã bổ nhiệm nhưng phải có ý kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo có thể tham gia điều động viên chức quản lý theo liên khu, liên phường, tạo điều kiện thuận lợi cho các xã, phường có ít đơn vị trường học.

Thứ hai, trong công tác tuyển dụng, theo ông nên giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì tuyển dụng vào ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tuyển dụng hoặc có văn bản bàn giao, giao quyền tuyển dụng trực tiếp cho thủ trưởng các đơn vị trường học có đủ điều kiện tuyển dụng.

"Khi Sở Giáo dục và Đào tạo được giao quyền tuyển dụng, sở sẽ tổ chức tập huấn cho các đơn vị, phê duyệt kế hoạch tuyển dụng, công nhận kết quả, giám sát quy trình tuyển dụng của các đơn vị đúng quy định của Chính phủ", ông nói.

Theo quy định của Luật Nhà giáo, người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập không phân biệt mức độ được giao quyền tự chủ, đều có quyền chủ động trong công tác tuyển dụng nhà giáo.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng thông tư quy định thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm mon, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trình Chính phủ trong tháng 11-2025.

Đề xuất giao quyền tuyển dụng, điều động giáo viên về Sở Giáo dục và Đào tạo - Ảnh 2.Cả nước thiếu gần 120.000 giáo viên: Gỡ ngay nút thắt tuyển dụng

Tính đến tháng 5-2025, cả nước vẫn thiếu gần 120.000 giáo viên các cấp, trong đó có gần 45.000 giáo viên mầm non. Đặc biệt, trong số 66.000 chỉ tiêu biên chế được giao, các địa phương mới chỉ tuyển được gần 6.000 giáo viên trong suốt ba năm qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0