08/05/2025 19:39 GMT+7

Dệt may 'bứt tốc' đầu năm 2025

Bất chấp tình hình kinh tế bất ổn, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 năm 2025.

dệt may - Ảnh 1.

Triển vọng ngành dệt may trong năm 2025 được đánh giá rất khả quan - Ảnh: HÀ QUÂN

Việc hàng hóa Trung Quốc bị siết chặt và tăng thuế khi vào thị trường Mỹ cũng đang tạo ra làn sóng dịch chuyển đơn hàng sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Tăng trưởng tích cực

Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (VGT) công bố doanh thu thuần hợp nhất đạt 4.268 tỉ đồng trong quý 1, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn đạt 172 tỉ đồng, tăng ấn tượng 372%.

Theo lãnh đạo Vinatex, phần lớn các doanh nghiệp thành viên đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2 năm 2025 và đang trong quá trình đàm phán đơn hàng cho quý 3.

Lý giải kết quả tích cực này, Vinatex cho biết hoạt động sản xuất và xuất khẩu may mặc đã phục hồi nhờ sự cải thiện đồng thời của giá bán và sản lượng đơn hàng. Sự gia tăng nhu cầu từ các thị trường giúp các đơn vị thành viên cải thiện biên lợi nhuận và tận dụng tối đa năng lực sản xuất.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế biến động bất ổn, đặc biệt là nguy cơ gia tăng hàng rào thuế quan từ Mỹ, Vinatex đã chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đơn hàng, tối ưu hóa doanh thu ngay trong những tháng đầu năm.

Không chỉ Vinatex, một số doanh nghiệp may mặc niêm yết khác cũng công bố kết quả tích cực. Công ty CP May Sông Hồng (MSH) đạt doanh thu thuần hơn 1.017 tỉ đồng trong quý 1, tăng 34,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 86,3 tỉ đồng, tăng 51,4%.

Trong khi đó, Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM) cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực với doanh thu quý 1 đạt 992,8 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2024, tương đương 22% kế hoạch doanh thu năm 2025. Lợi nhuận sau thuế đạt 77,4 tỉ đồng, tăng 23%.

Doanh thu của TCM đến từ ba nhóm ngành chính gồm sản phẩm may (77%), vải (15%) và sợi (7%). Hiện công ty đang xuất khẩu tới khoảng 40 quốc gia thuộc 4 châu lục, trong đó các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu đang được đẩy mạnh để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Theo kế hoạch năm 2025, TCM đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.525 tỉ đồng (tăng 19%) so với năm 2024 và lợi nhuận sau thuế đạt 278,7 tỉ đồng (tăng khoảng 5%).

Trong năm nay, ban lãnh đạo TCM cho biết tập đoàn tiếp tục đặt trọng tâm vào chiến lược phát triển sản phẩm thiết kế (ODM), đầu tư công nghệ phục vụ R&D và xây dựng đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm. 

Đồng thời, tập đoàn đẩy mạnh sản xuất theo quy trình khép kín nhằm rút ngắn thời gian sản xuất - yếu tố đang trở thành lợi thế cạnh tranh quan trọng trong ngành dệt may toàn cầu.

Cơ hội và thách thức song hành

Theo ông Vũ Đức Giang - chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), mặc dù chịu tác động từ các chính sách thuế quan ngày càng khắt khe của Mỹ và những bất định trong thương mại toàn cầu, xuất khẩu dệt may vẫn có nhiều dư địa tăng trưởng và hoàn toàn có thể cán mốc 48 tỉ USD trong năm nay.

Ông Giang nhận định năm 2025 đóng vai trò bản lề đối với ngành dệt may Việt Nam khi các doanh nghiệp đang từng bước khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi 17 FTA, và dự kiến sẽ nâng con số này lên 22 FTA trong giai đoạn 2025 - 2026 theo kế hoạch của Bộ Công Thương.

“Các FTA với thuế suất xuất khẩu bằng 0 chính là đòn bẩy chiến lược, giúp ngành dệt may phát triển dựa trên ba trụ cột: đa dạng hóa thị trường, khách hàng và sản phẩm”, ông Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Giang cũng cảnh báo nếu doanh nghiệp không kịp thời thích ứng và không tuân thủ đầy đủ quy tắc xuất xứ, rất dễ bị áp thuế bổ sung hoặc rơi vào diện điều tra phòng vệ thương mại.

Tương tự, ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT Công ty CP dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) - cho biết việc Chính phủ Mỹ quyết định tạm hoãn triển khai gói thuế bổ sung thêm 90 ngày là “khoảng thời gian vàng” để doanh nghiệp rà soát lại toàn bộ kế hoạch sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, việc hàng hóa Trung Quốc gặp rào cản vào thị trường Mỹ đang thúc đẩy dòng đơn hàng chuyển hướng sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam.

Theo tính toán của lãnh đạo TCM, nếu Việt Nam có thể thay thế từ 20-30% thị phần hàng dệt may mà Trung Quốc đang xuất khẩu sang Mỹ, ngành dệt may trong nước sẽ có cơ hội bứt phá mạnh.

Dẫu vậy, ông Tùng lưu ý rằng cơ hội chỉ trở thành hiện thực nếu doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và minh bạch chuỗi cung ứng, trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn hành vi “lẩn tránh thuế” qua hình thức gia công trung chuyển.

“Quan trọng hơn, doanh nghiệp nội địa phải chủ động nâng cao năng lực sản xuất, kiểm soát chất lượng và củng cố tính minh bạch trong toàn bộ chuỗi cung ứng”, ông Tùng khẳng định.

Dệt may "bứt tốc" đầu năm 2025 - Ảnh 2.Dệt may Việt có đủ sức bứt phá giữa bão thuế đối ứng Mỹ - Trung?

Mức thuế đối ứng 245% của Mỹ với hàng Trung Quốc có thể mở ra dư địa tăng trưởng cho dệt may Việt Nam.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0