15/07/2025 13:52 GMT+7

Đòn cắt kéo - tuyệt kỹ thất truyền từng khiến làng võ Trung Quốc run sợ

Trận đấu diễn ra giữa Cung Lê và đối thủ Trung Quốc Na Shun không chỉ là cột mốc đáng tự hào của võ sĩ gốc Việt, mà còn giúp người hâm mộ được chứng kiến một trong những tuyệt kỹ thất truyền của làng võ - đòn cắt kéo.

Trung Quốc - Ảnh 1.

Cung Lê nổi tiếng với những đòn đá mạnh mẽ - Ảnh: XN

Đòn đá nổi tiếng của Cung Lê

Năm 1999, Cung Lê gây xôn xao làng võ khi đánh bại đối thủ người Trung Quốc Na Shun trong trận so tài ở Honolulu (Mỹ). Trận đấu diễn ra trên võ đài San Shou Kickboxing.

Không chỉ thi đấu áp đảo, Cung Lê tạo ra hình ảnh tuyệt đẹp bằng đòn "kết liễu" đối thủ. Một cú đá bay người, hai chân cắt qua như lưỡi kéo, đánh bật Na Shun xuống sàn trong tiếng hò reo vang dội.

Không giống như những cú đá vòng, đá thấp hay đá thẳng quen thuộc trong muay Thái hay kickboxing, đòn cắt kéo (scissor kick hoặc scissor takedown) thuộc về kho tàng kỹ thuật hiếm có trong sanda - môn võ Trung Hoa kết hợp quyền cước và vật ngã. 

Cung Lê, với nền tảng từ sanshou (phiên bản đối kháng thể thao của sanda), đã luyện thành thục kỹ thuật này từ nhiều năm trước khi mang nó lên võ đài quốc tế. 

Trong pha ra đòn nổi tiếng ấy, anh tung người về phía đối thủ với một chân móc lên thân trên, chân còn lại quét xuống dưới hông. Sức bật và độ chính xác khiến đối thủ không kịp trở tay. Ngay sau cú quật, Cung Lê lao vào tung thêm loạt đòn tay khiến trọng tài phải cho dừng trận đấu.

Trung Quốc - Ảnh 2.

Khoảnh khắc Cung Lê đốn ngã Na Shun - Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Khoảnh khắc đó không chỉ là chiến thắng cho riêng Cung Lê, mà còn là minh chứng hiếm hoi về hiệu quả của một tuyệt kỹ gần như đã thất truyền trong võ đài hiện đại. 

Đòn đá cắt kéo vốn xuất thân từ các hệ phái cổ truyền như Trung Hoa công phu, một số bài quyền cổ của Nhật Bản (cụ thể là judo và jiu-jitsu với đòn kani basami), và sau này được phát triển trong tán thủ hiện đại. 

Tuyệt kỹ thất truyền

Tuy nhiên đòn thế này đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cực cao - võ sĩ phải có khả năng nhảy bật mạnh, kiểm soát trọng tâm và kết hợp cả hai chân đúng thời điểm để tạo lực "kéo" khiến đối phương mất thăng bằng.

Dù từng giúp nhiều võ sĩ như Cung Lê tạo nên dấu ấn, đòn đá cắt kéo ngày nay gần như biến mất khỏi các võ đài chuyên nghiệp. 

Một trong những lý do chính là độ nguy hiểm quá lớn - không chỉ cho người bị dính đòn mà cả người ra đòn. 

Trong các trận grappling hoặc jiu-jitsu hiện đại, kỹ thuật tương tự được gọi là kani basami đã bị cấm tại nhiều giải đấu uy tín như IBJJF do gây chấn thương nghiêm trọng, bao gồm gãy xương mác, rách dây chằng gối, thậm chí là tổn thương cột sống. 

Trong một vụ tai nạn nổi tiếng năm 2011, đô vật Takashi Sugiura bị gãy chân hoàn toàn sau khi lĩnh trọn một đòn tương tự từ đối thủ, khiến cộng đồng võ thuật bắt đầu đặt câu hỏi về tính an toàn của tuyệt kỹ này.

Ngay cả với người sử dụng, đòn cắt kéo cũng tiềm ẩn rủi ro. Một cú bật sai thời điểm hoặc mất kiểm soát giữa không trung có thể khiến võ sĩ rơi vào tư thế bất lợi, bị khóa ngược hoặc chấn thương tự thân. 

Trên võ đài MMA hiện đại, nơi lối đánh thực dụng và kiểm soát rủi ro được ưu tiên, rất hiếm võ sĩ mạo hiểm tung đòn này. Những chiến binh như Cung Lê - người dám đưa kỹ thuật đó lên sàn thực chiến - là ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử.

Đòn cắt kéo - tuyệt kỹ thất truyền từng khiến làng võ Trung Quốc run sợ - Ảnh 4.

Kỹ thuật đá này gần như thất truyền - Ảnh: P.N.

Tính hiệu quả của đòn đá cắt kéo, nếu thực hiện đúng, là không thể phủ nhận. Theo các tài liệu phân tích động học, đây là đòn có khả năng đánh ngã đối thủ ngay lập tức, gần như không có cách phòng thủ hiệu quả khi đã rơi vào tầm "kéo". 

Tuy nhiên độ khó khi triển khai và nguy cơ chấn thương khiến nó trở thành con dao hai lưỡi. Vì thế, trong khi các đòn đá như low kick, roundhouse hay front kick ngày càng được cải tiến và sử dụng phổ biến trong MMA và kickboxing, scissor kick dần bị đưa vào nhóm kỹ thuật "hiểm hóc nhưng không khuyến khích".

Từ góc độ lịch sử, đòn đá cắt kéo từng xuất hiện ở nhiều nền võ học Á Đông, nhưng mãi đến thời kỳ giao lưu võ thuật hiện đại cuối thế kỷ 20, nó mới xuất hiện trên các võ đài quốc tế.

Những người như Cung Lê đã đưa kỹ thuật này vượt khỏi giới hạn biểu diễn, chứng minh rằng nó đủ sức hạ gục các đối thủ mạnh trong thực chiến. 

Dẫu vậy thời thế thay đổi, luật thi đấu siết chặt, giới huấn luyện cũng có xu hướng tập trung vào kỹ thuật có tỉ lệ thành công cao hơn - tất cả những yếu tố đó khiến tuyệt kỹ này trở nên lạc lõng trên võ đài hiện đại.

Đòn cắt kéo - tuyệt kỹ thất truyền từng khiến làng võ Trung Quốc run sợ - Ảnh 5.Xếp hạng các môn võ ở MMA: kung fu chót bảng

Các chuyên trang võ thuật tạo ra bảng xếp hạng những môn võ mạnh nhất, giàu tính thực chiến nhất hệ thống võ đài MMA. Và vị trí của kung fu khiến nhiều người hâm mộ Trung Quốc phải thất vọng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0