19/05/2025 13:26 GMT+7

Đưa kiểu tính KPI của doanh nghiệp vào cơ quan công quyền: Đừng máy móc

Áp KPI - hình thức đánh giá nhân viên mà nhiều công ty đang thực hiện - cho công chức sao cho hiệu quả? Làm sao để hài lòng người dân, tránh chạy theo KPI để làm việc hình thức đối phó?

KPI - Ảnh 1.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc áp dụng KPI như một công cụ quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Liên quan đến chủ đề KPI cho công chức, tính sao cho hiệu quả?, nhiều bạn đọc đã có ý kiến tranh luận sôi nổi.

Công chức làm việc không tên, tính KPI làm sao?

Đa số bạn đọc cho rằng việc áp dụng KPI vào khu vực hành chính công là một trong những bước tiến hiện đại, tiếp cận mô hình làm việc hiệu quả, hiệu suất. 

KPI như một công cụ quản trị hiện đại để nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức, tránh tình trạng "biên chế trọn đời", "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về"…

"Dùng KPI để đánh giá là hướng đi phù hợp với xu thế mới" -  tài khoản Hai Lúa nhận định.

Độc giả Nhung viết: "Doanh nghiệp bên ngoài cũng vậy thôi. Phải áp KPI thì cán bộ công chức mới sợ trễ công việc, bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ mà hối thúc các đơn vị, công chức khác làm việc mau lẹ cho dân nhờ".

Tuy nhiên không ít người trong cuộc lại cho rằng cần thận trọng, vì môi trường công quyền có những đặc thù riêng biệt, không thể bê nguyên xi mô hình doanh nghiệp sang.

"KPI là một công cụ xơ cứng, hoàn toàn không phù hợp với công việc đặc thù của công việc công chức. Có tỉnh, thành đang triển khai và hoàn toàn không phù hợp. Xin hãy dừng KPI lại" - một bạn đọc cho biết.

Theo tài khoản thuo****@gmail.com: "Không thể làm cứng nhắc được. Ví như doanh nghiệp, họ chỉ đánh giá KPI của phòng kinh doanh, chứ bộ phận bảo trì, chăm sóc khách hàng thì tiêu chí đánh giá làm sao? Ngoài ra đã áp KPI thì có thưởng có phạt rõ ràng".

Nhiều công chức khẳng định công việc của họ không thể đo đếm bằng những công thức định lượng cứng nhắc như trong doanh nghiệp.

"Công chức không làm việc kiểu 1+1=2", một cán bộ nhận định. Công việc ở cấp cơ sở nhiều khi phát sinh bất ngờ, mang tính sự vụ, phụ thuộc vào người dân và tình huống thực tế, nên khó mà đo lường chính xác bằng chỉ số.

Bạn đọc tên Quân cho biết anh có gần 30 năm làm việc trong khối nhà nước. Với đặc thù nghề nghiệp, có những nhiệm vụ không có sản phẩm cụ thể, không thể lên lịch cố định, khiến việc áp KPI dễ rơi vào hình thức. 

"Tôi làm bất cứ việc gì, giờ nào lãnh đạo gọi là làm, vậy chấm KPI sao đây?" - anh Quân băn khoăn.

Bên cạnh đó nhiều bạn đọc lo ngại nếu thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ như phần mềm thống kê, ghi nhận dữ liệu thực, việc đánh giá bằng KPI còn dễ bị chi phối bởi cảm tính từ cấp trên, thay vì phản ánh khách quan hiệu quả làm việc.

Đừng để chấm điểm KPI máy móc

Nhiều bạn đọc cho rằng hành chính nhà nước là phục vụ người dân phụng sự đất nước theo quy định pháp luật. Có những việc khó có công thức KPI nào tính toán được. Vì thế cái cần làm là giảm bớt các thủ tục rườm rà.

"Mọi chuyện làm hành chính cần đơn giản hóa đi, tự khắc KPI sẽ dễ dàng định hình" - bạn đọc Đức Nguyễn viết.

Bạn đọc An đề xuất cụ thể hóa các tiêu chí KPI: "KPI sẽ đánh giá trên việc bao nhiêu hồ sơ không hoàn tất. Có thể xuất văn bản hướng dẫn từng trường hợp cụ thể làm thế nào, cầm theo hướng dẫn đó hoàn thiện hồ sơ.

Nếu cán bộ có hướng dẫn cụ thể cách hoàn thiện hồ sơ dù là trễ hạn nhưng sẽ không bị trừ điểm. 

Bản hướng dẫn đó phải phù hợp và rõ ràng cụ thể. Nếu chung chung cho có và đối phó thì vẫn trừ điểm".

Một số bạn đọc gợi ý thay vì áp đặt chỉ số, nên xây dựng một hệ thống đánh giá dựa trên mức độ hài lòng thực tế của người dân.

Ví dụ với mỗi hồ sơ xử lý, người dân có thể đánh giá mức độ hài lòng ngay tại quầy hoặc thông qua tin nhắn, ứng dụng. 

Bình quân số điểm này sẽ phản ánh chính xác chất lượng phục vụ của công chức hơn bất kỳ bảng KPI nào.

Bạn đọc Phạm, từng làm việc với chuyên gia Nhật Bản, đề xuất mô hình đánh giá 5 yếu tố: an toàn - chất lượng - chi phí - tiến độ - đạo đức nghề nghiệp

Theo đó một đánh giá toàn diện không thể thiếu yếu tố đạo đức, trách nhiệm và sự tận tụy, thay vì chỉ chăm chăm xem được bao nhiêu hồ sơ, trễ bao nhiêu phần trăm.

Bạn đọc Hải Yến cảnh báo nếu không thiết kế kỹ lưỡng, KPI có thể khiến công chức rơi vào trạng thái đối phó, lo làm đẹp số liệu để kiếm điểm cuối năm, thay vì thật sự phục vụ nhân dân.

Khi đó vai trò lãnh đạo cũng bị lu mờ vì tất cả dồn vào "chấm điểm máy móc", thay vì quản lý bằng con người và giá trị.

Đưa kiểu tính KPI của doanh nghiệp vào cơ quan công quyền, có thích hợp chưa? - Ảnh 1.Đánh giá cán bộ, công chức theo KPI, bỏ tư duy biên chế suốt đời

Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức công khai, minh bạch, chính xác theo kết quả định lượng theo vị trí việc làm và đảm bảo nguyên lý không có tư duy biên chế suốt đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0