
Nhà ở xã hội Bình Trưng Đông, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tuy nhiên nhà ở không giống như một suất khám sức khỏe hay miễn học phí, đó là tài sản lớn nên các chính sách phát triển nhà ở xã hội phải đột phá, thực hiện đồng loạt giải pháp mạnh mẽ từ thể chế đến tổ chức thực thi.
Bộ Chính trị vừa yêu cầu Đảng ủy Chính phủ nghiên cứu, tham mưu thể chế hóa nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội theo hướng mở rộng diện đối tượng được mua, thuê.
Bước đi này được kỳ vọng mang lại đột phá và phải thành công, vì vậy cần những "cú hích" về thể chế và đột phá trong thực hiện.
Nhiều năm qua, các chủ trương về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động luôn được quan tâm đẩy mạnh.
Từ các chương trình 30.000 tỉ đồng, chính sách gói tín dụng ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội, chương trình xây dựng nhà ở công nhân khu công nghiệp, hay mới đây là mục tiêu xây 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 theo chỉ đạo của Chính phủ…
Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của các chương trình này vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cuối năm 2024 cho thấy cả nước mới hoàn thành được khoảng 155.800 căn nhà ở xã hội (tức chỉ đạt hơn 15% mục tiêu 1 triệu căn).
Thị trường nhà ở xã hội vẫn trong tình trạng nguồn cung khan hiếm, thủ tục rườm rà, thiếu đất sạch và vắng bóng doanh nghiệp mặn mà tham gia.
Trong khi đó giá nhà thương mại tăng không ngừng. Tại TP.HCM, giá căn hộ bình quân đã chạm ngưỡng 65-70 triệu đồng/m². Với thu nhập trung bình của người lao động chỉ khoảng 8-10 triệu đồng/tháng, giấc mơ an cư ngày càng trở nên xa vời.
Vậy đường chạy riêng cho nhà ở xã hội cần gì? Một loạt rào cản đã từng khiến hàng loạt dự án nhà ở xã hội "chết yểu" từ thủ tục hành chính nhiêu khê, giải phóng mặt bằng chậm, thiếu quỹ đất sạch, đến sự thiếu mặn mà của doanh nghiệp vì biên lợi nhuận thấp và cơ chế ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn phải được mổ xẻ, xóa bỏ.
Một dự án nhà ở xã hội không thể mất đến 2-3 năm chỉ để hoàn tất các thủ tục đầu tư. Đường riêng cho thủ tục pháp lý này là gì, cơ quan thực thi phải tính đến.
Chẳng hạn muốn có nhà ở xã hội, quỹ đất phải đi trước mới kêu gọi được doanh nghiệp làm.
Các địa phương đã dành quỹ đất sạch để tạo lập "quỹ đất chiến lược" kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội thay vì để doanh nghiệp tự xoay xở… Chính sách thuế khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia làm nhà ở xã hội cụ thể là gì…?
Hãy mạnh dạn thí điểm mô hình doanh nghiệp (Nhà nước hoặc tư nhân) chuyên xây nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua với sự hỗ trợ từ Nhà nước và chia sẻ lợi nhuận hợp lý.
Không thể thị trường bất động sản chỉ có bán đứt đọan mà thiếu sản phẩm thuê. Phải đầu tư và có đường chạy riêng về cơ chế cho loại hình này để mọi người dân có thể lựa chọn…
Người dân từng hào hứng trước chính sách miễn học phí, khám sức khỏe miễn phí... Việc triển khai chủ trương này cần có sự cố gắng từ nhiều phía.
Tương tự thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà cho thuê cũng cần sự cố gắng từ nhiều phía và đó chính là con đường riêng về cơ chế để thực hiện.
Hàng triệu người có nhu cầu về nhà ở đang chờ và chắc chắn lần này phải khác những năm qua.
BÌNH LUẬN HAY