22/07/2025 10:19 GMT+7

Expo Osaka 2025 - Những tương lai nhân loại - Kỳ cuối: Việt Nam, ngôi nhà hội nhập

Với hình tượng trống đồng và con rồng vươn lên cùng hệ thống metro và cơ sở hạ tầng hiện đại ở cổng vào, nhà triển lãm Việt Nam (Vietnam Pavilion) mong muốn gửi thông điệp cho thế giới về một đất nước vừa truyền thống vừa hiện đại.

Expo Osaka - Ảnh 1.

Du khách xếp hàng dài tham quan nhà triển lãm Việt Nam tại Expo Osaka hôm 26-6 - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Chủ đề "Xã hội toàn diện lấy con người làm trung tâm", nhà triển lãm Việt Nam đóng vai trò như điểm hội tụ và lan tỏa các "câu chuyện tự hào về Việt Nam" được kể với bạn bè quốc tế.

Gian hàng với diện tích 300m2 nằm ở khu vực đắc địa: gần nhà triển lãm Nhật Bản và là điểm kết nối các luồng giao thông chính của phía đông khuôn viên triển lãm.

Đậm đà bản sắc dân tộc ở Expo Osaka

Trong thời gian dự triển lãm thế giới Expo Osaka, các phóng viên đến từ các nước ASEAN được ban tổ chức sắp xếp tham quan và phỏng vấn gian hàng mỗi nước thành viên.

Cô Fujimoto Yuki, nhân viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản, hẹn tôi đi chung đến nhà triển lãm Việt Nam vì cô rất thích múa rối nước (water puppetry) truyền thống Việt Nam và chưa từng đến Việt Nam.

Lúc chúng tôi đến, hàng dài người đang xếp hàng tham quan gian hàng Việt Nam. Nhân viên, hướng dẫn viên Việt Nam trang phục áo dài truyền thống tươi cười đón khách. Trần nhà khu vực chính triển lãm được trang trí bằng đèn lồng truyền thống. Bên dưới, không gian nhỏ trước sân khấu múa rối nước đã chật kín khách tham quan, phần lớn là người Nhật.

Khi hai con rồng bắt đầu xuất hiện sau bức rèm khởi đầu biểu diễn múa rối nước, khán phòng bắt đầu im ắng, chăm chú theo dõi màn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam kéo dài khoảng 20 phút.

Tiếp nối là màn trình diễn nhạc cụ dân tộc truyền thống: hòa tấu đàn tranh, đàn bầu, đàn t'rưng giới thiệu nét đẹp văn hóa dân tộc đến bạn bè quốc tế. Màn biểu diễn nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam đã níu chân du khách đến cuối chương trình.

Ngay khi các nghệ sĩ Việt kết thúc trình diễn hòa tấu, ông Yanagi Motto Seiichi (nha sĩ ở Osaka) tiến về sân khấu tìm hiểu đàn t'rưng được chế tác từ các ống nứa hoặc tre. Ông tỏ ra thích thú khi được nghệ sĩ Việt hướng dẫn cách chơi đàn.

"Múa rối nước đều có mặt tại các kỳ Expo Việt Nam tham gia. Người Nhật cực kỳ thích. Ví dụ 14h bắt đầu diễn, khách Nhật đã có mặt ở khán phòng từ 13h30. Mỗi ngày có bốn buổi biểu diễn múa rối nước kéo dài 20 phút mỗi buổi và sau đó trình diễn nhạc cụ dân tộc" - bà Đỗ Lan Phương, giám đốc nhà triển lãm Việt Nam ở Expo Osaka, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

Điểm đặc biệt của gian hàng Việt Nam tại Expo Osaka 2025 là có nhiều màn biểu diễn kết hợp (collab) giữa nghệ sĩ Việt và nghệ sĩ các nước. "Các kỳ Expo trước đây cũng có collab nhưng rất ít, ở Osaka lần này thì collab nhiều hơn. Ban tổ chức cố gắng mỗi tháng có ít nhất 1-2 hoạt động collab với các nước" - bà Phương nói.

Cách đó mấy tuần, các nghệ sĩ nhà Việt Nam collab với ba chàng trai nghệ sĩ của nhà Saudi Arabia. Hai bên cùng hòa tấu dưới sự chứng kiến của thứ trưởng Saudi Arabia và đại sứ Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU).

Trước đó hai nghệ sĩ Mỹ với điệu múa thổ dân đặc sắc collab với nghệ sĩ Việt trên nền nhạc Chiếc khăn Piêu với những điệu nhảy rất sôi động. Ngoài ra nhà Việt Nam và nhà Thái Lan còn kết hợp múa rối với nhau, Thái Lan múa rối trên cạn và Việt Nam múa rối dưới nước.

"Nhược điểm là không gian sân khấu nhà Việt Nam khá nhỏ. Dù vậy các bên cũng cố gắng biểu diễn để tương tác tốt nhất với khách tham quan" - bà Phương bộc bạch.

Một điểm mới nữa của nhà triển lãm Việt Nam, theo bà Đỗ Lan Phương, chính là ở các kỳ Expo trước các nghệ sĩ Việt chỉ biểu diễn các nhạc cụ truyền thống thì lần này tại Expo Osaka, Việt Nam trình diễn thêm các thể loại nhạc đương đại.

"Chúng tôi phối hợp với Vietnam Music Industry Network để đưa nghệ sĩ từ Việt Nam sang biểu diễn tại nhà triển lãm Việt Nam và tại một số sân khấu ngoài trời ở Expo Osaka.

Đây cũng là cơ hội cho các nghệ sĩ tài năng Việt tham gia các buổi trình diễn quốc tế. Gần đây nhất nghệ sĩ saxophone Nguyễn Bảo Anh trình diễn ở đây ba lần: một buổi ở nhà triển lãm Việt Nam, một buổi ở sân khấu ngoài trời và một buổi collab với nghệ sĩ Bồ Đào Nha" - giám đốc nhà triển lãm Việt Nam thông tin.

Expo Osaka - Ảnh 2.

Ông Yanagi Motto Seiichi, người Osaka, thích thú khi được hướng dẫn chơi đàn T’rưng bên trong Nhà triển lãm Việt Nam ngày 27-6 - Ảnh: QUỲNH TRUNG

Các điểm nhấn của gian hàng Việt Nam

Ngoài các hoạt động văn hóa nghệ thuật, gian hàng Việt Nam thể hiện sự phát triển song hành giữa truyền thống và hiện đại qua các khu vực trưng bày đa dạng: giới thiệu di sản văn hóa, nghệ thuật dân gian, các làng nghề truyền thống, đồng thời trình bày các thành tựu đổi mới công nghệ trong y tế, nông nghiệp thông minh, giáo dục và các sáng kiến phát triển bền vững như mô hình kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo.

Nhà triển lãm Việt Nam còn sử dụng công nghệ trình chiếu mapping, hiệu ứng 3D, hologram và thực tế ảo để giới thiệu truyền thống lịch sử và văn hóa Việt Nam. Du khách có thể tương tác với tranh 3D, nhạc cụ dân tộc và các bản đồ số kể chuyện lịch sử - hiện đại Việt Nam.

Ngoài ra, gian hàng Việt Nam còn sử dụng công nghệ số như triển lãm ảo trên ứng dụng Virtual EXPO 2025, giúp mở rộng khả năng tiếp cận và giới thiệu văn hóa, con người Việt đến với đông đảo khách quốc tế.

Đây là gian hàng trực tuyến giúp người xem từ xa trải nghiệm triển lãm, tour tham quan ảo, tạo avatar và thưởng thức nghệ thuật như nghệ sĩ ưu tú Lê Giang chơi đàn bầu, trình diễn di sản áo dài và danh thắng đất nước.

Bên trong gian hàng còn có không gian thủ công giới thiệu trang sức, sản phẩm thủ công cùng khu ẩm thực phục vụ món Việt chuẩn vị và khu bán quà lưu niệm cho khách trải nghiệm trọn vẹn.

Bên cạnh đó, gian hàng còn có khu giới thiệu thành tựu kinh tế, đổi mới khoa học và hình ảnh Việt Nam năng động, hội nhập quốc tế, khu hữu nghị song phương trưng bày kỷ niệm hơn 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, khu trưng bày các địa phương luân phiên giới thiệu tiềm năng kinh tế, du lịch giúp du khách khám phá thế mạnh vùng miền.

Các khu vực này tạo nên một tổng thể hiện đại, đậm đà bản sắc, truyền tải thông điệp hội nhập và phát triển của Việt Nam tại Expo Osaka 2025.

Lợi ích từ tổ chức Expo

Trao đổi với đoàn nhà báo ASEAN, bà Yoshimura Sachiko - đại diện ban tổ chức Expo Osaka 2025 - cho biết có đến 900 thành viên tham gia tổ chức triển lãm thế giới lần này.

Dù không tiết lộ cụ thể số tiền thực tế để tổ chức Expo, bà Sachiko thông tin nguồn tài trợ cho công trình đến từ ba nguồn chính: 1/3 từ chính phủ Nhật Bản, 1/3 từ chính quyền địa phương và 1/3 từ lĩnh vực tư nhân.

Theo ban tổ chức, sau khi Expo kết thúc, tất cả công trình phải được tháo dỡ và tái chế, không để lại công trình cố định. Bên cạnh đó, bà Sachiko ước tính Expo Osaka tạo tác động kinh tế 2.900 tỉ yen (19,5 tỉ USD) cho nước chủ nhà, bao gồm các nguồn thu từ du lịch và các cơ hội hợp tác kinh doanh.

"Expo được xem như phòng thí nghiệm cho xã hội tương lai. Nó không chỉ là sự kiện sáu tháng mà tạo ảnh hưởng lâu dài như kích thích đổi mới công nghệ, tạo liên kết doanh nghiệp quốc tế, trao đổi văn hóa" - bà Sachiko nói.

Ban tổ chức cho biết ban đầu gặp nhiều khó khăn và thách thức như việc trì hoãn xây dựng, quá tải khách tham quan nhưng sau đó đã liên tục điều chỉnh để cải thiện. "Thành công lớn nhất của chúng tôi là nhìn thấy người dân vui vẻ, đặc biệt là trẻ em được khám phá thế giới" - bà Sachiko trải lòng.

Mong ước Việt Nam là chủ nhà Expo

Cho đến nay Việt Nam đã tham gia tổng cộng tám kỳ triển lãm thế giới (Expo) và tất cả đều do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức và vận hành. Bà Đỗ Lan Phương cho biết Việt Nam được cấp nhà sẵn và chỉ tự trang trí bên trong, trong khi nhiều nhà triển lãm khác thì được cấp đất tự xây.

Do diện tích triển lãm tương đối nhỏ (300m2) so với các quốc gia khác, ban tổ chức cũng gặp khó khăn trong việc trưng bày và thực hiện các ý tưởng quảng bá đất nước.

Dù vậy ban tổ chức cũng đã nỗ lực tối ưu hóa không gian, sử dụng công nghệ hiện đại và kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật để thu hút khách tham quan. Mong ước một ngày nào đó Việt Nam sẽ là chủ nhà của Expo vì triển lãm thế giới là cơ hội rất tốt để Việt Nam quảng bá hình ảnh, văn hóa và thu hút khách du lịch.

Expo Osaka 2025 - Những tương lai nhân loại - Kỳ cuối: Việt Nam, ngôi nhà hội nhập - Ảnh 3.Expo Osaka 2025 - Những tương lai nhân loại - Kỳ 3: 'Ăn rác' - cuộc sống xanh từ rác thải

Nhà triển lãm Nhật Bản (Japan Pavilion) là điểm nhấn nổi bật trong số gần 200 gian hàng tại Expo Osaka 2025. Gian hàng đóng vai trò như một "nhà máy tái chế thu nhỏ" ở expo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0