21/05/2025 09:50 GMT+7

Giải cứu xoài Úc chỉ là tình thế, chuyên gia hiến kế cách ổn định đầu ra

Các chuyên gia đều cho rằng việc giải cứu nông sản nói chung hay giải cứu xoài Úc đều là giải pháp tình thế. Nông dân trồng xoài phải thay đổi cách làm manh mún, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

xoài Úc - Ảnh 1.

Xoài Úc ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) rớt giá thê thảm, nông dân thất thu, chờ giải cứu - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Xoài Úc ở huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) vốn là sản vật địa phương giúp người dân phát triển kinh tế, nay đã vào mùa nhưng rớt giá mạnh khiến nhiều nhà vườn thất thu.

UBND huyện Cam Lâm cho biết toàn huyện hiện có khoảng 4.500ha xoài Úc, sản lượng mỗi năm khoảng 20.000 - 30.000 tấn. Trong đó phần lớn xoài Úc xuất khẩu tươi sang Trung Quốc, một lượng nhỏ được tiêu thu trong nước và sử dụng làm nguyên liệu xoài sấy, nước ép xoài.

Lại điệp khúc giải cứu nông sản

xoài Úc - Ảnh 2.

Nhiều nhà vườn rơi vào cảnh lao đao, thất thu khi giá xoài Úc rớt thảm, không tiêu thụ được - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Hiện nay sản lượng xoài nội địa của Trung Quốc tăng lên, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm rõ rệt. Thêm vào đó, thời điểm xoài Úc ở huyện Cam Lâm vào chính vụ lại trùng với mùa thu hoạch xoài của Trung Quốc, Campuchia nên áp lực cạnh tranh càng lớn, lượng xoài Cam Lâm xuất khẩu bị giảm sâu, người dân trồng xoài lao đao.

Trước việc này, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Hội Nông dân huyện Cam Lâm liên hệ trực tiếp với một số hệ thống nhà phân phối, siêu thị, cửa hàng bách hóa nhằm hỗ trợ thu mua xoài cho người dân trên địa bàn.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng - trưởng khoa kinh tế - quản trị, Trường đại học Thái Bình Dương - cho rằng việc giải cứu xoài Úc chỉ là giải pháp tình thế. Hiện nông dân trồng xoài Úc khá manh mún, trồng xen lẫn các loại xoài khác nhau.

Theo ông Hùng, trên địa bàn huyện Cam Lâm, những vườn xoài đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP đang chiếm tỉ lệ rất thấp. Để đảm bảo chất lượng xoài Úc, nông dân phải quy hoạch được vùng trồng, có mã số vùng trồng, truy xuất được nguồn gốc.

"Phải nâng cao chất lượng của xoài Úc mới nghĩ đến chuyện tiếp cận những thị trường khác và tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, từ đó cạnh tranh sòng phẳng với các giống xoài từ Thái Lan, Campuchia, Mexico" - ông Hùng cho hay.

Để nâng cao chất lượng và đầu ra cho xoài Úc, ông Hùng nhận định cần phải có quy hoạch đảm bảo vùng trồng bền vững. Như vậy mới đạt tiêu chuẩn xuất ra các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh...

Ông Hùng đưa ra vấn đề khi nhìn qua nước xuất khẩu nông sản nổi tiếng như Thái Lan, vận tải nông sản đa số là vận tải đông lạnh, xe tải có những thùng lạnh rất hiện đại, đảm bảo nông sản khi được thu mua ở vườn được đông lạnh lập tức, chuyển ngay đến cảng, đảm bảo nông sản tươi.

Thay vì nông sản chỉ bảo quản được từ 2 - 5 ngày, lúc này nông sản bảo quản được từ 2 - 4 tuần, dẫn đến nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường khác.

Huyện Cam Lâm là nơi tập trung các khu vực đường nối cao tốc Bắc - Nam, gần sân bay Cam Ranh, cảng Cam Ranh, nơi này hoàn toàn có thể phát triển, đầu tư kho lạnh, vận tải lạnh theo dạng hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.

Trồng xoài Úc tránh thụ động, phụ thuộc vào thương lái

xoài Úc - Ảnh 3.

Hiện nay giá xoài Úc ở huyện Cam Lâm chỉ được mua với giá bằng 1/5 những năm trước - Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Ông Hùng cũng cho rằng, khi quy hoạch lại vùng trồng xoài, người dân và chính quyền địa phương phải nhìn tổng thể diện tích xoài Úc đang có với những khả năng, đối tác, thị trường quốc tế hiện tại thì lượng xoài cung ứng đủ hay đã dư.

"Phải tăng ở những khu vực nào để đảm bảo mã số, chất lượng xoài Úc ở khu vực đó. Hoặc khu vực nào trồng quá nhiều phải giảm" - ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - chuyên gia nông nghiệp - cho rằng để xoài Úc có nhiều đầu ra, nông dân, các ban ngành phải mạnh dạn chào hàng, ngoại giao, giới thiệu giá cả...

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân chủ yếu khiến xoài Úc ở huyện Cam Lâm rớt giá và ùn ứ như hiện nay do không có đầu ra, không chào hàng.

Ông Nghĩa thẳng thắn nhìn nhận từ trước đến nay người dân trồng xoài hay thụ động, phụ thuộc vào thương lái và khi ùn ứ thì hy vọng đến việc giải cứu.

"Không thể tự nhiên có người mua. Ta phải đi chào hàng. Phải biết hàng của mình chất lượng, sản lượng như thế nào, giá cả ra sao" - ông Nghĩa nói.

Ông hiến kế nên thành lập nhà máy chế biến xoài Úc và các giống xoài khác, để vừa xuất khẩu xoài tươi, vừa xuất khẩu xoài chế biến, tuy nhiên đảm bảo hàng phải thật chất lượng.

"Sau khi có nhà máy, phải xây dựng catologue về xoài để giới thiệu: xoài sạch như thế nào, không có thuốc bảo vệ thực vật hay chất lượng, độ ngọt ra sao" - ông Nghĩa nói.

Huyện Cam Lâm được xem là thủ phủ xoài, có diện tích trồng xoài lớn nhất Nam Trung Bộ. Toàn huyện có gần 7.000ha xoài các loại, trong đó có khoảng 4.000ha trồng xoài Úc, còn lại là các giống Canh Nông, Đài Loan, Tứ Quý…

Giải cứu chỉ là tình thế, giải pháp nào giúp xoài Úc ổn định đầu ra? - Ảnh 4.Sáp nhập Khánh Hòa - Ninh Thuận: Rong nho, xoài, bưởi, chôm chôm, sản phẩm nông nghiệp 'bát ngát'

Tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đều có những thế mạnh riêng về nông nghiệp, khi sáp nhập thành tỉnh mới sẽ tạo ra sức bật, làn gió mới cho nông nghiệp.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0