20/07/2025 09:12 GMT+7

Góp ý sếp sao để không bị... ghét?

Góp ý cho sếp thường khiến nhiều người e dè, nhất là khi họ không chủ động hỏi ý kiến và trong bối cảnh nhiều công ty đang cắt giảm nhân sự.

góp ý - Ảnh 1.

Đối thoại hay tránh né góp ý sếp là chọn lựa của mỗi nhân viên song cần trên tinh thần xây dựng - Ảnh minh họa AI

Trong môi trường mà lãnh đạo trân trọng, họ sẽ lắng nghe ý kiến nhân viên để nắm bắt mức độ gắn kết và hiệu quả làm việc của tập thể. Cần chia sẻ khéo léo và đừng tự biến mình thành cái gai trong mắt cấp trên.

Với người chưa từng yêu cầu phản hồi. Không ít nhân viên, kể cả lãnh đạo cấp trung vẫn né tránh đối thoại hay đề cập những điều nhạy cảm với cấp trên vì lo bị đánh giá "không biết điều". Nên muốn góp ý sếp, bạn phải chuẩn bị kỹ, gạt bỏ cảm xúc cá nhân và vận dụng khả năng quan sát tình huống cũng như trí tuệ cảm xúc để truyền đạt thông điệp hiệu quả.

Góp ý với sự quan tâm chân thành

Nên tránh kiểu "kẹp bánh mì" (nói tốt - góp ý - khen lại) sáo rỗng. Hãy bắt đầu nói điều tích cực một cách chân thành như nhắc đến một thành công cụ thể của sếp hoặc ảnh hưởng tích cực đã tạo ra trước khi nói việc cần cải thiện.

Cân nhắc đối tượng và hoàn cảnh

Trước khi góp ý hãy đảm bảo nội dung đó phù hợp và hữu ích với người nhận. Cần cân nhắc bối cảnh rộng hơn, cả hậu quả tiềm ẩn. Nếu góp ý cho lãnh đạo cấp cao, nội dung cần liên quan đến công việc của họ. Điều bạn nghĩ nên nói với người này đôi khi phù hợp để nói với người khác. Nếu thấy việc góp ý chưa mang lại giá trị, bạn hãy hoãn lại, chờ thời điểm khác.

Cá nhân hóa theo mối quan hệ

Khi bạn đủ thân, đủ tích lũy uy tín với người đó mới có thể đối thoại thẳng thắn. Còn nếu quan hệ hạn chế nên thận trọng, tự hỏi liệu người nào sẽ phù hợp để truyền đạt hơn vì giúp hạn chế rủi ro và tăng hiệu quả của thông điệp.

Chọn thời điểm phù hợp

Góp ý nên diễn ra càng gần thời điểm sự việc càng tốt, khi người nghe sẵn sàng tiếp nhận và không bị phân tâm. Để quá lâu có thể họ không còn nhớ hoặc vấn đề không còn ý nghĩa. Tuyệt đối tránh góp ý nơi công cộng. Chưa kể việc chỉ trích công khai trong cuộc họp không chỉ phản tác dụng mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chính người đó.

Thừa nhận nỗ lực khiến mối quan hệ tốt hơn và góp ý dễ được đón nhận hơn. Góp ý vì lợi ích chung, lời nói sẽ có sức nặng. Ngược lại, mở đầu bằng phê phán sẽ khiến sếp phòng thủ, bỏ ngoài tai khiến quan hệ rạn nứt.

Ngắn gọn và rõ ràng

Nên diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, vào thẳng trọng tâm. Có thể tập dượt trước để đảm bảo thông điệp mạch lạc, không bị nhiễu bởi chi tiết không cần thiết. Cũng có thể áp dụng "đánh giá ngược", tức nhân viên phản hồi lại với sếp. Cách này sẽ hiệu quả hơn trên tinh thần xây dựng, trình bày hợp lý cùng phong cách tương đồng như sếp từng góp ý cho bạn. Họ dễ tiếp nhận hơn vì cảm thấy quen thuộc và an toàn.

Góp ý sếp sao để không bị... ghét? - Ảnh 2.Mẹo góp ý cho sếp

TTO - Ai cũng có lúc mắc sai lầm và sếp cũng không phải ngoại lệ. Nhưng khi sai lầm của sếp ảnh hưởng tới công việc của bạn, bạn phân vân không biết có nên góp ý thẳng thắn với sếp hay không.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0