
Lúa trổ bông nhưng tỉ lệ lép hạt cao khiến người dân ở Nghệ An điêu đứng vì một vụ mùa thất thu - Ảnh: DOÃN HÒA
Sáng 22-5, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết sở đã có báo cáo về tình hình sản xuất vụ xuân 2025, trong đó có vụ việc gần 2.000 héc ta lúa tỉ lệ lép xanh, không kết hạt cao.
Hiện tượng này xuất hiện nhiều trên diện tích lúa trổ trước 15-4, đặc biệt trên những diện tích trổ sớm trước ngày 10-4. Những diện tích trổ sau ngày 20-4 cơ bản lúa trổ thoát nhanh, tỉ lệ hạt lép thấp, ít bị ảnh hưởng năng suất. Tổng diện tích có tỉ lệ lép cao gần 1.900 héc ta.
Tại các huyện như Anh Sơn và Tân Kỳ, hiện tượng này trên nhiều giống khác nhau, trong đó các giống có mức độ lép cao như Hà Xuyên 1425, An Nông 1424, VT 404... với tỉ lệ lép khoảng 40-60%, một số diện tích tỉ lệ bị lép lửng, không kết hạt trên 70%.
Kết quả tổng hợp từ các địa phương, vụ xuân 2025 có 34 giống lúa có một số diện tích, vùng bị ảnh hưởng dẫn đến thoái hóa đầu bông nhiều, tỉ lệ hạt lép cao hoặc không kết hạt thì có 10 giống lúa ngoài cơ cấu của đề án tổ chức sản xuất trồng trọt của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, nguyên nhân tỉ lệ lép cao, không kết hạt do chịu ảnh hưởng dị thường của thời tiết, đặc biệt trong thời gian lúa làm đòng - trổ có nhiệt độ trung bình thấp hơn 7-10 độ C so với yêu cầu nhiệt độ tối ưu, đặc biệt có thời điểm 5 ngày liên tiếp có số giờ nắng bằng 0.
Công tác chỉ đạo sản xuất, thực hiện lịch thời vụ gieo cấy tại một số địa phương cơ sở chưa quyết liệt, không đúng theo lịch thời vụ của đề án tổ chức sản xuất trồng trọt vụ xuân 2025.
Nhiều vùng bị thiệt hại nông dân chưa tuân thủ khung thời vụ gieo cấy theo đề án sản xuất của tỉnh, huyện; gieo cấy sớm hoặc rất sớm. Một số vùng nông dân chưa tuân thủ cơ cấu giống của địa phương, tỉnh. Đưa các giống chưa được theo dõi, đánh giá kỹ tính thích ứng vào sản xuất.
Ông Nguyễn Tiến Đức - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An - cho biết để hạn chế thiệt hại cho nông dân, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương đang xem xét có chính sách hỗ trợ cho nông dân có diện tích bị thiệt hại nặng để khắc phục khó khăn; đồng thời, vận động các công ty giống hỗ trợ cho người nông dân.
Đến thời điểm hiện tại đã có một công ty giống thống nhất hỗ trợ 1 triệu đồng/sào đối với các giống lúa của công ty bị hóa đầu bông, gié; trổ không thoát, lép xanh, không kết hạt.
Bên cạnh đó những giống có biểu hiện bị lép cao trong vụ xuân 2025 cần được tiếp tục rà soát, theo dõi đánh giá kỹ lưỡng hơn trong điều kiện sản xuất vụ xuân tiếp theo để tránh rủi ro khi đưa vào sản xuất.
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cũng cần tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc tuân thủ khung thời vụ và cơ cấu giống của tỉnh, huyện, xã; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống, ngăn chặn việc đưa các giống chưa được đánh giá tính thích nghi với điều kiện sinh thái đặc thù của địa phương vào sản xuất trên diện rộng.
Vụ xuân 2025 toàn tỉnh Nghệ An gieo cấy trên 91.000 héc ta lúa, trong đó có trên 40.000 héc ta được người dân gieo, cấy trước khung thời vụ đề án, nhiều diện tích sớm hơn khung thời vụ từ 10-15 ngày, thậm chí một số vùng sớm hơn đến 25-30 ngày.
BÌNH LUẬN HAY