18/07/2025 07:56 GMT+7

Kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, ùn ứ lan rộng

Những ngày qua, các đơn vị thực hiện sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành thuộc cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cùng lúc đóng nút giao DT743 - quốc lộ 1 để thi công nút giao Tân Vạn (dự án đường vành đai 3) khiến ùn ứ giao thông lan rộng.

cao tốc - Ảnh 1.

Đơn vị thi công phong tỏa một phần đường để sửa chữa khe co giãn trên cầu Long Thành khiến phương tiện di chuyển qua đoạn này bị “nghẽn” - Ảnh: MINH HÒA

Nhiều người đã chọn các lộ trình khác để đi nhưng trong bối cảnh các tuyến quốc lộ cũng trong tình trạng quá tải nên ùn ứ dắt dây. Qua đó cho thấy việc đầu tư mở rộng cao tốc là cấp thiết.

Ùn tắc kéo dài hàng cây số

Khi đơn vị thi công rào chắn một làn đường trên cầu Long Thành sửa chữa khe co giãn, nhiều tài xế chọn hướng đi qua phà Cát Lái để rút ngắn thời gian. Tuy nhiên khi hàng ngàn xe đổ dồn về đây, phà cũng nhanh chóng quá tải, dẫn đến ùn tắc kéo dài hàng cây số.

Ngày 16-7, khi cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ùn ứ, lực lượng chức năng phân luồng xe đi quốc lộ 51 ra quốc lộ 1. Tuy nhiên khi xe cộ đi được một đoạn lại gặp tiếp cảnh "thắt cổ chai" nút giao quốc lộ 1 và đường ĐT743 được đóng để làm nút giao Tân Vạn khiến quốc lộ 1 hướng về TP.HCM ùn tắc nghiêm trọng.

Để giải quyết tình trạng giao thông ùn ứ trên cao tốc cũng như các quốc lộ, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6 thuộc Phòng 6 Cục Cảnh sát giao thông - phân luồng "nhỏ giọt" tại các nút giao, cho xe vào cao tốc phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo giao thông trên tuyến thông suốt. 

Đội 6 cũng đưa ra khuyến cáo các tài xế cần kiểm tra tình trạng kẹt xe trên Google Maps, VOV Giao thông hoặc các ứng dụng dẫn đường. Lựa chọn lộ trình thay thế nếu thấy cao tốc đang ùn tắc. Không dừng, đỗ xe trên cao tốc trừ trường hợp khẩn cấp.

Nhưng kẹt xe vẫn diễn ra.

cao tốc - Ảnh 2.

Dòng xe ùn ứ kéo dài khoảng 2km trên đường Lý Thái Tổ đến phà Cát Lái sáng 17-7 - Ảnh: M.HÒA

Khẩn cấp mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Ghi nhận thời gian qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây luôn xảy ra kẹt xe kéo dài khi có sự cố tai nạn, xe chết máy trên cầu Long Thành. 

Theo các chuyên gia giao thông, nguyên nhân chính do tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây hiện đã vượt công suất thiết kế do mật độ xe tăng nhanh, trong khi việc mở rộng đường, cải tạo nút giao vẫn đang trong giai đoạn triển khai chậm.

Phà Cát Lái vốn chỉ là giải pháp tạm thời kết nối TP.HCM và Đồng Nai, cũng không đủ sức gánh lượng xe lớn, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Cơ sở hạ tầng tại hai đầu phà không được thiết kế để xử lý tình trạng dồn xe lớn như hiện tại. 

Bên cạnh đó việc thiếu hệ thống cảnh báo kẹt xe theo thời gian thực khiến tài xế không được cập nhật thông tin kịp thời, dẫn đến việc dồn về phà một cách tự phát, càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.

Trước tình trạng này, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng việc sớm mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là điều bắt buộc. 

Tình trạng "kẹt xe chồng kẹt xe" tại cả cao tốc lẫn quốc lộ 1 và phà Cát Lái không chỉ là một hiện tượng giao thông, mà phản ánh rõ ràng bài toán hạ tầng đang thiếu đồng bộ và đi sau tốc độ phát triển của vùng đô thị trọng điểm phía Nam. Nếu không có những bước đi quyết liệt trong đầu tư, thì câu chuyện "kẹt xe liên hoàn" sẽ tiếp tục tái diễn.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được khai thác từ năm 2015 có chiều dài 55km. Trong đó có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với vai trò kết nối giao thông TP.HCM và Đồng Nai, các tỉnh Đông Nam Bộ. Qua hàng chục năm khai thác, tuyến đường giữ vai trò huyết mạch kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, vùng kinh tế Đông Nam Bộ.

Hai ngày qua, khi các đơn vị ngăn một làn đường trên cầu Long Thành sửa khe co giãn khiến dòng xe trên cao tốc ùn ứ, dòng xe đổ ra quốc lộ 51, quốc lộ 1 cũng đang quá tải, điều này cho thấy sự cấp bách phải mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. 

Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại, mà còn đồng bộ với giao thông xung quanh, nhất là khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động vào năm 2026.

Về việc mở rộng tuyến cao tốc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đồng ý đề xuất thực hiện dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo thủ tục đối với công trình khẩn cấp để kịp khởi công ngày 19-8.

Mới đây Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm rõ sự cấp thiết của dự án này và thời gian xây dựng cũng như cam kết hoàn thành đúng tiến độ...

Trong công văn gửi Bộ Tài chính về đề xuất của VEC, Bộ Xây dựng thống nhất với đề xuất việc đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là công trình xây dựng khẩn cấp.

Theo Bộ Xây dựng, việc khởi công và hoàn thành dự án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đáp ứng nhu cầu đi lại khi đưa vào khai thác sân bay Long Thành tới đường vành đai 3, đường vành đai 2 và trung tâm TP.HCM.

VEC đề xuất triển khai dự án mở rộng gần 22km đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao đường vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức công trình xây dựng khẩn cấp, và áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện mục tiêu khởi công vào ngày 19-8.

Về quy mô, đoạn cầu cạn đường vành đai 2 - đường vành đai 3 sẽ mở rộng mỗi bên 7,75m để đạt quy mô 8 làn xe. Đoạn từ đường vành đai 3 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mở rộng quy mô 10 làn xe.

Nếu được chấp thuận theo hình thức trên, dự án cơ bản hoàn thành năm 2026 rút ngắn được khoảng 3 tháng so với đầu tư theo trình tự thông thường.

Kẹt trên cao tốc, kẹt luôn xung quanh - Ảnh 3.Đừng làm cao tốc mỗi bên chỉ 2 làn đường

Các tuyến cao tốc được xem là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên việc xây dựng một số tuyến cao tốc chỉ với hai làn đường mỗi chiều đang gây ra nhiều tranh cãi không chỉ về vấn đề an toàn mà còn về yếu tố hiệu quả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0