
AI đang rà quét và xóa bình luận trên mạng xã hội
Khi người dùng để lại một dòng bình luận dưới video YouTube, một bài viết trên Facebook hay một bài báo trực tuyến, họ không biết chắc liệu dòng chữ ấy có đến được người khác hay không. Không phải vì nó không đúng chính tả, cũng chẳng vì vi phạm pháp luật, mà đơn giản nó bị chặn lại bởi một thuật toán lọc tự động.
Các nền tảng công nghệ hiện nay đều áp dụng hệ thống lọc bình luận nhằm loại bỏ ngôn từ kích động thù hận, nội dung khiêu dâm, bạo lực hay phát ngôn gây chia rẽ. Mục tiêu là để "giữ cho cộng đồng an toàn" nhưng liệu có khi nào những công cụ ấy đang làm sạch đến mức vô cảm?
Khi AI trở thành người gác cổng lời nói
Khác với giai đoạn đầu của Internet, nơi bình luận "thô" được tự do xuất hiện, nay hầu hết các nền tảng lớn đều giao trách nhiệm lọc nội dung cho trí tuệ nhân tạo. Nhờ học máy (machine learning), hệ thống có thể quét hàng triệu dòng văn bản mỗi ngày, đánh giá dựa trên ngôn ngữ, tông giọng, thậm chí cả "ngữ cảnh" để quyết định: giữ lại hay xóa bỏ.
Tuy nhiên, hệ thống này không phải lúc nào cũng chính xác.
Chị Ngọc Vy (TP.HCM) chia sẻ: "Bình luận góp ý của tôi về một sản phẩm bị ẩn mà không hiểu vì sao. Không có chửi bới, không spam, chỉ nêu nhận xét nhưng biến mất sau vài giây".
Không ít nội dung chỉ vì dùng từ nhạy cảm trong một ngữ cảnh hoàn toàn bình thường cũng bị loại bỏ. Những cụm từ như "nghèo", "đói", "chính sách", hay "hệ thống" đôi khi lại bị hiểu nhầm là tiêu cực nếu máy không "đọc" được tinh thần của câu.
Lọc sạch hay triệt tiêu phản biện?
Theo cảnh báo từ tổ chức AlgorithmWatch (Đức), hệ thống kiểm duyệt tự động có thể vô tình loại bỏ tiếng nói phản biện, nhất là từ các nhóm yếu thế hoặc thiểu số bởi những hệ thống này học từ hành vi số đông, vốn chưa đủ đa dạng về văn hóa và quan điểm.
Tại Việt Nam, việc các nền tảng mạng xã hội kiểm soát gắt gao nội dung đang trở nên phổ biến hơn, nhất là với các trang tin tức có tương tác cao. Bình luận về các vấn đề thời sự, xã hội thường bị hạn chế hiển thị, hoặc phải qua "duyệt trước" khiến nhiều người đặt câu hỏi: Có còn tự do ngôn luận trên không gian mạng?
Điểm đáng lo là người dùng hiếm khi biết vì sao bình luận bị ẩn hoặc xóa. Không có thông báo, không có cơ chế phản hồi minh bạch. Mọi thứ diễn ra âm thầm và trong thế giới vận hành bằng thuật toán, sự im lặng có thể là hình thức kiểm duyệt tinh vi nhất.
Giữ sạch mạng nhưng đừng tẩy trắng đối thoại
Không gian mạng sạch không nên đồng nghĩa với không gian "vô khuẩn". Xã hội là tập hợp những ý kiến khác biệt, có xây dựng, có phản biện và có tranh luận. Chúng ta cần thuật toán lọc những lời độc hại, nhưng cũng cần bảo vệ quyền được nói khác, quyền được chất vấn, quyền được nêu lên bất tiện.
Khi mọi dòng bình luận đều phải "qua máy duyệt", chúng ta phải hỏi lại: Liệu công nghệ đang bảo vệ cộng đồng hay đang chọn lọc điều mà cộng đồng được phép nghe?
Công nghệ không thể thay con người trong những quyết định giá trị. Và trong thời đại của AI, sự minh bạch và quyền phản hồi chính là "thuật toán" công bằng nhất cho cả hệ thống.
Công nghệ nên giúp con người nói lên tiếng nói của mình, không phải quyết định thay họ nên nói gì.
BÌNH LUẬN HAY