24/05/2025 14:53 GMT+7

Khi ngồi thiền, bạn là một người bình thường và cũng là Phật

Thiền sư Shunryu Suzuki, người gieo hạt mầm thiền Tào Động tại phương Tây, đã giảng rằng khi ta có được một sự yên bình trọn vẹn trong thực hành thiền, ta không chỉ là ta nữa mà là cả thế giới, toàn thể vũ trụ và là một vị Phật.

Phật - Ảnh 1.

Dịch giả Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên (giữa) và nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (phải) chia sẻ với độc giả - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 24-5, tại Nam Thi House diễn ra buổi giao lưu ra mắt sách Không phải bao giờ cũng vậy với dịch giả Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên và khách mời là nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu. 

Cuộc trò chuyện xoay quanh tinh thần, trường phái thiền của thiền sư Shunryu Suzuki, gợi mở những giá trị thiết thực cho việc thiền tập, nuôi dưỡng sự vững chãi và an lạc giữa một thế giới hiện đại đầy biến động. 

Bạn là Phật và bạn là tâm bình thường

Theo các diễn giả, thiền sư Shunryu Suzuki là thiền sư Nhật Bản theo phái Tào Động. Ông đến Mỹ vào năm 1959, là người Nhật Bản đầu tiên phổ biến thiền và mở thiền viện tại nước này.

Thiền sư Shunryu Suzuki để lại nhiều di sản trong việc mở rộng Thiền tông với những cuốn sách, bài giảng gần gũi và dung dị về thiền. 

Cũng như nhiều bậc đại sư, ông không trực tiếp viết sách, nhưng các pháp thoại của ông về sau được tập hợp xuất bản và trở nên phổ biến.

Không phải bao giờ cũng vậy cũng là một quyển sách tập hợp những bài pháp thoại của vị thiền sư này, được ghi lại trong những năm cuối đời của ông tại Trung tâm Thiền San Francisco. 

Mỗi bài giảng xoay quanh một chủ đề khác nhau trong thực hành thiền và không trình bày theo một trình tự nghiêm ngặt nào. Mỗi chương là một bài pháp ngắn, có thể đọc riêng lẻ như những ghi chú trong một cuốn sổ tay hành trì. 

Có bài là lời khuyên về cách thở khi ngồi, có bài nói về sự vô ích của việc mong cầu "trở nên giác ngộ", có bài bàn đến việc quan sát tâm mình khi bực dọc, buồn bã hoặc có bài nhắc nhở ta về việc thanh lọc trải nghiệm để hướng đến một kết quả thuần khiết. 

Như ở trong bài Tâm bình thường, tâm Phật, khi nói về ý nghĩa đích thực của thực hành thiền tọa (zazen), thiền sư Shunryu Suzuki giảng: 

"Tôi là một cái cây và mỗi người trong các bạn cũng là một cái cây. Bạn nên tự mình đứng vững. Khi một cái cây tự đứng vững, chúng ta gọi cây đó là Phật. Nói cách khác, khi bạn thực hành zazen theo đúng nghĩa, bạn thực sự là Phật. Đôi khi chúng ta gọi nó là cái cây và đôi khi gọi nó là vị Phật. "Phật", "cây" hay "bạn" đều là những tên gọi khác nhau của một vị Phật".

Phật - Ảnh 2.

Sách Không phải bao giờ cũng vậy - Ảnh: HỒ LAM

Không phải bao giờ cũng vậy

Tựa bản tiếng Anh của sách Không phải bao giờ cũng vậynot always so. Đây là bí quyết của thiền Tào Động, theo thiền sư Shunryu Suzuki: 

"Có thể là như vậy, nhưng không phải lúc nào cũng như vậy. Không bị ràng buộc bởi ngôn từ hay quy tắc, không có quá nhiều định kiến. Chúng ta thực sự làm điều gì đó và trong khi làm điều ấy, chúng ta ứng dụng giáo pháp của mình". 

Để giải nghĩa rõ hơn, thiền sư Shunryu Suzuki đưa ra ví dụ một đoạn nổi tiếng giải thích rằng nước không chỉ đơn thuần là nước trong kinh Phật:

"Đối với con người nước là nước, nhưng đối với chư thiên nước là một viên ngọc quý. 

Đối với cá, đó là nhà của chúng, còn đối với chúng sinh ở địa ngục hay ngạ quỷ thì nó là máu, hoặc có thể là lửa. Khi họ muốn uống, nước biến thành lửa, và họ không thể uống được. Cùng một loại nước nhưng lại rất khác biệt đối với những chúng sinh khác nhau".

Suy ra từ ý của thiền sư Shunryu Suzuki, theo dịch giả Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên, với cuộc sống này, ta không nên có định kiến với bất kỳ vấn đề gì: 

"Có những khổ đau trong cuộc sống, ta cứ nghĩ nó có nguyên do như vậy. Nhưng có khi chưa chắc đã là vậy. Cuốn sách sẽ không đem đến cho độc giả một câu trả lời chính xác, mà chỉ giúp họ có một cái tâm rộng mở để nhìn cuộc sống này". 

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu nói ông rất thích tiêu đề Không phải bao giờ cũng vậy bởi nó mang tính thiền, tự do, không có sự bó buộc:

"Thường thường, khi mới tiếp cận một vấn đề, chúng ta hay nói và tin là hoàn toàn như vậy. Nhưng người Nam Bộ có câu nói: 'Nói vậy mà không phải vậy'. Điều này có nghĩa là không có sự khẳng định vì cuộc sống là vô số và luôn diễn ra theo nhiều chiều khác nhau".

Khi ngồi thiền, bạn là một người bình thường và cũng là Phật - Ảnh 3.Phật hoàng Trần Nhân Tông: Ở đời vui đạo hãy tùy duyên

Mang nhiều ảnh hưởng từ ông nội và cha cũng là hai vị thiền sư lỗi lạc, Phật hoàng Trần Nhân Tông đi theo triết lý tu tập cân bằng giữa đạo và đời, biết rõ tâm, đạo ngay trong đời sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0