Không lơ là với sốt xuất huyết

Những ngày qua, ngành y tế TP.HCM liên tục thông tin số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, kéo theo nhiều ca bệnh nặng và tử vong tăng. Đội ngũ y, bác sĩ các bệnh viện tuyến cuối cũng đang tích cực cứu chữa người bệnh.

Không lơ là với sốt xuất huyết - Ảnh 1.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca sốt xuất huyết thăm khám và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tăng rất nhiều. Điều này đã nằm trong dự báo của bệnh viện nên đã có chiến lược ứng phó - Ảnh: THANH HIỆP

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), số ca mắc sốt xuất huyết tại TP đã tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái - đây là thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh, đồng thời khuyến cáo người dân không được lơ là.

Sốt xuất huyết "tấn công" người trẻ khỏe

Ghi nhận của Tuổi Trẻ ngày 25-7 tại khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), đội ngũ y, bác sĩ đang tích cực điều trị nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có nhiều người ở độ tuổi trên 20, hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh nền trước khi mắc bệnh.

Từng bị suy đa cơ quan và được đánh giá nguy cơ tử vong rất cao, bệnh nhân H.T.M. (nữ, 21 tuổi) đã hồi phục ngoạn mục, biết trả lời bác sĩ sau hơn ba tuần điều trị tích cực. Các bác sĩ đã áp dụng tất cả biện pháp hồi sức nâng cao như lọc máu, thay huyết tương, thở máy... cho bệnh nhân này với tổng chi phí lên đến 300 triệu đồng.

Nằm cạnh bên là bệnh nhân V.T.C. (nam, 22 tuổi, ngụ Đồng Tháp) cũng mắc sốt xuất huyết Dengue nặng. Bệnh nhân nhập viện vào ngày thứ tư của bệnh trong tình trạng suy đa cơ quan, phải lọc máu, chống sốc, thở máy, hỗ trợ các tạng. Sau hai tuần điều trị tích cực, sinh hiệu của bệnh nhân tạm ổn, cai máy thở, còn lọc máu. Tổng chi phí điều trị của bệnh nhân C. là hơn 100 triệu đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Ngọc Trung, trưởng khoa cấp cứu - hồi sức tích cực chống độc người lớn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết hiện nay khoa đang tiếp nhận điều trị sáu ca sốt xuất huyết Dengue nặng, trong đó có ba ca phải thở máy và lọc máu, ba ca còn lại được hỗ trợ hô hấp không xâm lấn và các biện pháp hỗ trợ tạng khác.

So với cùng kỳ năm ngoái, số ca sốt xuất huyết thăm khám và điều trị tại bệnh viện tăng nhanh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 6.146 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (cùng kỳ năm ngoái khoảng 700 ca), trong đó 3.114 bệnh nhân nhập viện điều trị (chiếm hơn 50%). Đáng chú ý từ đầu năm đến nay đã có 321 bệnh nhân mắc sốt xuất nặng (cùng kỳ năm ngoái 110 ca), sáu ca rất nặng được người nhà xin về và tử vong sau đó.

"Hiện chỉ mới đầu mùa dịch nhưng số ca mắc sốt xuất gia tăng nhanh, kéo theo đó là số ca nặng tăng theo, từ đó có thể gây quá tải hệ thống y tế, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối. Đây là nỗi lo lớn nhất của chúng tôi", bác sĩ Trung nói.

Ngoài Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP đã tiếp nhận điều trị nhiều trẻ sốc sốt xuất huyết nặng, phải điều trị tích cực.

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc bệnh viện - cho hay trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị khoảng 10-15 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó có vài trường hợp sốc sốt xuất huyết dẫn đến rối loạn đông máu, tổn thương một số cơ quan phải điều trị tích cực.

Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 1, khoa hồi sức tích cực cũng đang điều trị nhiều trẻ trong tình trạng sốc sốt xuất huyết nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Thống kê cho thấy bệnh viện ghi nhận 108 ca sốc sốt xuất huyết trong sáu tháng đầu năm 2025, tăng 94,74% so với năm 2024.

Không chừa một ai, kể cả người khỏe mạnh

Lý giải vì sao số ca mắc sốt xuất tăng nhanh, bác sĩ Trương Ngọc Trung cho biết hiện sốt xuất huyết là bệnh lưu hành quanh năm tại nước ta và thường tăng vào mùa mưa, đặc biệt từ khoảng tháng 6. Bệnh có chu kỳ khoảng 3-4 năm sẽ có một đợt dịch lớn hơn bình thường.

Đợt dịch gần nhất là năm 2022 nên năm nay 2025 có thể rơi đúng vào đợt dịch này.

Đáng chú ý, trong những năm gần đây sốt xuất huyết Dengue ở người lớn xuất hiện khá nhiều, với tỉ lệ xấp xỉ 50% so với trẻ em, thậm chí có thể nhiều hơn. Đặc biệt bệnh phức tạp và hình thái biểu hiện cũng phức tạp hơn so với trẻ em.

Việc điều trị sốt xuất huyết ở người lớn cũng gặp nhiều khó khăn hơn do bệnh cảnh phức tạp và thường có bệnh lý nền như béo phì, có thai hoặc các bệnh mạn tính khác... làm quá trình diễn tiến bệnh thêm phức tạp và khó tiên đoán.

Trước tình hình này, ngay từ đầu năm bệnh viện đã xác định khả năng dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ diễn tiến phức tạp với số ca mắc và ca nặng gia tăng. Do đó đã có chiến lược ứng phó, bao gồm thông báo khi số lượng ca gia tăng và điều chuyển bệnh nhân cùng các mặt bệnh khác giữa các khoa lâm sàng để tập trung nguồn lực điều trị sốt xuất huyết nặng người lớn.

Bác sĩ Trung khuyến cáo mỗi cá nhân cần tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp dự phòng. Khi có dấu hiệu sốt cao liên tục trên hai ngày và nghi ngờ mắc sốt xuất huyết nên đến cơ sở y tế sớm nhất, không nên chủ quan dù là người khỏe mạnh không có bệnh lý nền.

Hiện tại vắc xin phòng sốt xuất huyết chưa được tiêm ngừa rộng rãi trong cộng đồng và miễn dịch cộng đồng đối với chủng Dengue đang lưu hành chưa cao, nên số lượng ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục tăng. Do đó mỗi cá nhân cần tự bảo vệ bản thân bằng các biện pháp dự phòng theo khuyến cáo của ngành y tế.

"Sốt xuất huyết không chừa một ai, kể cả người khỏe mạnh, không có bệnh lý nền cũng có khả năng diễn tiến nặng. Lưu ý khi bệnh bước vào giai đoạn nặng, bệnh nhân thường hết sốt hoặc giảm sốt - đây là lúc bệnh trở nặng nhưng dễ khiến người bệnh chủ quan vì nghĩ rằng bệnh đã thuyên giảm. Giai đoạn này thường từ ngày thứ 3-7 của bệnh", bác sĩ Trung nhấn mạnh.

10 ca tử vong do sốt xuất huyết

Trên toàn địa bàn TP.HCM mới, ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc HCDC - cho hay tính từ đầu năm đến ngày 15-7 toàn TP.HCM ghi nhận 15.546 ca sốt xuất huyết, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (6.029 ca). Đã có 10 ca tử vong từ đầu năm đến nay. Ngành y tế đánh giá đây là thời điểm dịch bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh.

Không chủ quan, thực hiện nghiêm biện pháp chống dịch

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không chủ quan, tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại hộ gia đình, cộng đồng và các cơ sở công cộng, cụ thể:

* Diệt lăng quăng thông qua việc thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp với từng loại vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng.

* Diệt muỗi và phòng ngừa muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...

* Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

* Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

* Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết, người dân hãy nhanh chóng phản ảnh địa chỉ cụ thể trên ứng dụng "Y tế trực tuyến" để được xử lý.

Không lơ là với sốt xuất huyết - Ảnh 2.Ca sốt xuất huyết nặng tăng nhanh, nhiều bệnh nhân còn trẻ

Số ca mắc sốt xuất huyết nặng nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) tăng nhanh. Đội ngũ y bác sĩ đang tích cực điều trị, giành lại sự sống người bệnh, nhưng đáng lo hệ thống y tế sẽ quá tải nếu ca mắc tiếp tục tăng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0