
Khu vực điểm đầu của dự án cầu đường Phú Mỹ 2 đoạn giao với đường Nguyễn Hữu Thọ - Ảnh: PHƯƠNG NHI
Đây là tuyến đường chiến lược, mở ra hướng kết nối trực tiếp giữa TP.HCM và Đồng Nai, đồng thời liên thông khu đô thị Nam Sài Gòn với sân bay quốc tế Long Thành trong tương lai.
Làm đường 2 tầng
Ông Vương Quang Hưng - trưởng Phòng quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết dự án cầu đường Phú Mỹ 2 có chiều dài khoảng 16,7km, quy mô sáu làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ với tổng mức đầu tư 21.484 tỉ đồng.
Tuyến bắt đầu tại đường Nguyễn Hữu Thọ đi theo hướng đông, kết nối vào đường Hoàng Quốc Việt đến đường Đào Trí, vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Liên Cảng rồi nối vào đường 25C (Nhơn Trạch, Đồng Nai).
Đoạn tuyến dự án đi qua đường Hoàng Quốc Việt (quận 7) có lộ giới quy hoạch nhỏ, không đáp ứng đủ cho các giải pháp thiết kế đường đi dưới mặt đất như truyền thống.
Do đó giải pháp xây dựng đường nhiều tầng một số đoạn được xem là giải pháp khả thi, vừa đảm bảo tăng năng lực lưu thông, tiết kiệm chi phí giải tỏa mặt bằng vừa hạn chế phải di dời làm ảnh hưởng đời sống người dân.
"Đây là lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu giải pháp đường hai tầng. Trên thực tế, giải pháp đường nhiều tầng đã được nhiều quốc gia trên thế giới triển khai nhằm tối ưu hóa quỹ đất đô thị", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, tại buổi làm việc mới đây lãnh đạo TP.HCM và tỉnh Đồng Nai cũng đã thảo luận và thống nhất về các thủ tục tiếp theo để triển khai dự án cầu Cát Lái, cầu Đồng Nai 2, cầu Phú Mỹ 2.
Trong đó cầu đường Phú Mỹ 2 sẽ giao UBND TP.HCM làm cơ quan chủ quản tổ chức triển khai đầu tư dự án. Nhóm công việc này hoàn thành và trình UBND hai địa phương trong tháng 5-2025. Dự án được đặt mục tiêu thông qua chủ trương đầu tư trong quý 4-2025, khởi công năm 2027.

Phối cảnh đường hai tầng ở dự án cầu đường Phú Mỹ 2 - Ảnh: S.X.D.
Một trong 10 trục lưu thông nhanh
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, dự án cầu đường Phú Mỹ 2 nằm trong mạng lưới 10 tuyến đường trục chính tốc độ nhanh (ít gián đoạn, ít giao cắt) kết nối trung tâm với đường liên vùng đang được TP triển khai.
Tuyến tốc độ nhanh cầu đường Phú Mỹ 2 sẽ cùng với các tuyến trên cao trục đường Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) và đường 25C (Đồng Nai) tạo trục giao thông kết nối sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành.
Đường tốc độ nhanh là ý tưởng rất mới được TP nghiên cứu, đề xuất, hiện đã được Thủ tướng phê duyệt trong quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đưa vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung.
Mạng lưới này khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ là bước phát triển đột phá của giao thông TP, đặc biệt là nối dài đến các khu vực, trung tâm kinh tế của TP.HCM mở rộng.
Nhiều quốc gia áp dụng rất thành công
TS Phạm Viết Thuận - viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường TP.HCM - rất ủng hộ việc TP.HCM nghiên cứu phương án làm đường nhiều tầng và sẽ là lời giải cho bài toán chống ùn tắc. Đây là một xu hướng mới để hạ tầng giao thông TP phát triển đồng bộ, hiện đại.
"Trên thực tế phương án cầu cạn vượt tuyến, cầu cạn hai tầng đã được các quốc gia như Trung Quốc và một số nước trên thế giới áp dụng rất thành công.
Do đó ngoài nghiên cứu đường nhiều tầng ở dự án cầu đường Phú Mỹ 2, tôi cũng kỳ vọng TP sớm triển khai thêm các tuyến đường khác, đặc biệt là các trục nối từ đông sang tây, từ bắc sang nam.
Các tuyến đường này được ví như động mạch chủ, sẽ giúp tăng tốc độ lưu thông, kết nối thông suốt từ nội thành với tuyến đường liên vùng", ông Thuận nói.
BÌNH LUẬN HAY