
Trưởng ban nghi lễ phụng vụ của giáo hoàng khi đó là Đức ông Guido Marini đóng cửa nhà nguyện Sistine, chính thức bắt đầu Mật nghị hồng y năm 2013 - Ảnh: AFP
Ngày 7-5, nhà nguyện Sistine ở Vatican một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới khi 133 vị hồng y bước vào Mật nghị hồng y để bầu chọn ra vị giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo.
Giáo hoàng Francis phá vỡ giới hạn Hồng y đoàn
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, số lượng hồng y cử tri vượt qua ngưỡng 120 vị được quy định trong Tông hiến "Romano Pontifici Eligendo" do Giáo hoàng Paul VI ban hành tháng 10-1975.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý không chỉ ở số lượng hồng y cử tri đông đảo mà còn là diện mạo mới lạ và đa dạng chưa từng thấy của Hồng y đoàn khi quy tụ rất nhiều vị hồng y đến từ những châu lục ngoài châu Âu. Điều này có thể mở ra khả năng xuất hiện một vị giáo hoàng đến từ những nơi trước đây chưa từng được nhắc đến như châu Á hoặc châu Phi.
Danh từ Hồng y (Cardinal trong tiếng Anh) xuất phát từ danh từ "cardo" trong tiếng Latin, có nghĩa là "bản lề", chỉ những người có vai trò then chốt trong Giáo hội giống như phần bản lề giúp cố định các cánh cửa và hỗ trợ đóng mở cửa dễ dàng.
Tước vị "Hồng y" xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 7, chỉ các nhóm tu sĩ phò tá Giáo hoàng trong việc quản lý các cộng đoàn, đại diện cho cộng đoàn trong nghi lễ, hội đồng hay công đồng.
Vào thế kỷ thứ 8, dưới thời Giáo hoàng Stephen V, ba phẩm trật (hay cấp bậc) trong Hồng y đoàn (College of Cardinals) như ngày nay bắt đầu được hình thành gồm hồng y giám mục, hồng y linh mục và hồng y phó tế.
Giai đoạn từ thế kỷ 13 đến 15, số lượng các hồng y trong Hồng y đoàn chưa khi nào vượt quá con số 30. Số lượng hồng y tăng dần trong những giai đoạn tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của Giáo hội và xã hội.
Đến thời Giáo hoàng Paul VI, số lượng hồng y được tấn phong qua sáu công nghị đã chạm mức 143 vị. Vào những năm 1970 và 1975, Ngài lần lượt đặt ra quy định chỉ hồng y dưới 80 tuổi trong Hồng y đoàn mới được tham gia bầu chọn giáo hoàng kế nhiệm và mỗi kỳ mật nghị chỉ cho phép tối đa 120 hồng y cử tri tham gia.
Thế nhưng cố Giáo hoàng Francis đã tấn phong 252 vị hồng y trong 12 năm tại vị. Trong đó, 133 vị của tổng số 135 vị hồng y dưới 80 tuổi đủ điều kiện sẽ tham gia Mật nghị hồng y năm 2025, theo Vatican News.
Một điểm đặc biệt khác ở các hồng y cử tri trong kỳ mật nghị năm 2025 bởi kỳ mật nghị này quy tụ các đại diện đến từ 71 quốc gia trên thế giới và các hồng y đến từ châu Âu không còn chiếm đa số - chỉ với 53 vị.
Những lựa chọn của Giáo hoàng Francis không chỉ mang tính biểu tượng mà còn thể hiện định hướng rõ rệt của Ngài là tạo ra một Giáo hội cởi mở, gần gũi với người nghèo và các vùng đất xa xôi.
Trong đó vị hồng y trẻ nhất đến từ Ukraine Mikola Bychok (45 tuổi) và vị cao tuổi nhất là hồng y Tây Ban Nha Carlos Osoro Sierra (79 tuổi). Độ tuổi trung bình của các hồng y tại kỳ mật nghị 2025 trẻ hơn so với một số kỳ mật nghị trước, hứa hẹn một lựa chọn năng động, dài hạn cho tương lai Giáo hội.

Một hồng y đặt tay lên Kinh Thánh tuyên thệ sẽ giữ bí mật và bầu chọn tân giáo hoàng một cách công minh, sáng suốt nhất tại nhà nguyện Sistine trước khi bước vào Mật nghị hồng y năm 2013 - Ảnh: AFP
Những "Papabile"
Với sự đa dạng từ độ tuổi đến quốc tịch, những "Papabile" (thuật ngữ mà các nhà nghiên cứu về Vatican dùng để gọi ứng viên sáng giá có thể trở thành tân giáo hoàng) được truyền thông nhắc đến nhiều trước thềm Mật nghị hồng y năm 2025 xuất hiện các hồng y đến từ những nơi chưa từng có giáo hoàng như châu Á hay châu Phi.
Trong số những ứng viên sáng giá đến từ Ý như Hồng y Matteo Zuppi hay Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, giới quan sát đã nhiều lần đề cập những cái tên nổi bật như Hồng y người Philippines Luis Antonio Tagle, Hồng y người Congo Fridolin Ambongo hay Hồng y người Ghana Peter Turkson, Hồng y người Hungary Peter Erdo.
Dù vậy thế giới cũng không loại trừ khả năng một "ẩn số" sẽ được bầu làm tân giáo hoàng, giống như trường hợp của cố Giáo hoàng Francis năm 2013.
Một giáo hoàng đến từ châu Phi hay châu Á sẽ không chỉ mang tính biểu tượng mà còn mở ra "cánh cửa" mới cho đối thoại liên văn hóa, cải cách mục vụ và định hình một Giáo hội toàn cầu thời kỳ mới.
Hơn nữa kỳ mật nghị 2025 diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, chiến tranh chưa dứt, đói nghèo và bất công vẫn còn ở nhiều nơi, khủng hoảng khí hậu diễn biến phức tạp. Trong hoàn cảnh đó Giáo hội cần một nhà lãnh đạo không chỉ là biểu tượng đức tin mà còn là người có khả năng định hướng cho một "đại gia đình" hơn 1,4 tỉ anh chị em vượt qua những thử thách thời đại.
Ngã rẽ của các hồng y?
Triều đại 12 năm của cố Giáo hoàng Francis đã tạo ra những thay đổi sâu sắc trong Giáo hội Công giáo, để lại những dấu ấn sâu rộng trong lòng các giáo sĩ, giáo dân và cả những người ngoại đạo.
Ngài đã đi từ định hướng xây dựng "giáo hội nghèo cho người nghèo" đến thúc đẩy các nhà thờ cởi mở hơn với những vấn đề nhạy cảm, ít khi được các giáo hoàng nhắc đến như vai trò nữ giới, người ly hôn, tái hôn hay cộng đồng LGBTQ+. Vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo cũng là tiếng nói mạnh mẽ về công lý xã hội, bảo vệ môi trường và phê phán bất bình đẳng toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định 133 vị hồng y chuẩn bị bước vào kỳ mật nghị sắp tới sẽ phải đối mặt với hai ngã rẽ lớn: hoặc tiếp tục kế thừa và phát triển các cải cách của cố Giáo hoàng Francis, hoặc điều chỉnh lại theo một hướng đi mới.
Và dù cho vị hồng y nào kế nhiệm cố Giáo hoàng Francis thì Ngài vẫn sẽ phải xử lý các vấn đề phức tạp như vai trò nữ giới, hội nhập cộng đồng LGBT, xung đột địa chính trị và cuộc khủng hoảng niềm tin toàn cầu.
Khi nhắc lại những công trình và tầm nhìn của Giáo hoàng Francis trong bài giảng tại Thánh lễ an táng cố Giáo hoàng, Hồng y niên trưởng Hồng y đoàn Giovanni Battista Re đã nhận được những tràng vỗ tay nồng nhiệt từ hơn 200.000 người ở quảng trường Thánh Peter. Theo các nhà phân tích, những tràng pháo tay ở tang lễ Giáo hoàng Francis là "những lá phiếu cảm xúc" mà mọi người bỏ phiếu bầu chọn cho di sản của Ngài.
"Chính dân Chúa đã bỏ phiếu tại tang lễ và kêu gọi tiếp tục công trình của Giáo hoàng Francis rồi" - Hồng y Walter Kasper (92 tuổi), cố vấn thần học của cố Giáo hoàng, cũng đưa ra nhận xét tương tự khi trả lời tờ báo Ý La Repubblica.
Hồng y đầu tiên của Myanmar Charles Bo nói với Đài CNN rằng vị giáo hoàng kế nhiệm sẽ phải theo đuổi hòa bình không ngừng nghỉ. "Thế giới đang khẩn thiết cần một 'hơi thở mới' của hy vọng, một hành trình hiệp hành với sự sống thay vì cái chết, lựa chọn hy vọng thay vì tuyệt vọng. Và vị giáo hoàng tiếp theo phải chính là luồng sinh khí ấy", Hồng y Bo nói.
Trong khi đó, ông Francis DeBernardo - lãnh đạo nhóm vận động cho những người Công giáo thuộc cộng đồng LGBTQ+ New Ways Ministry - khẳng định ông không cảm thấy lo lắng cho dù vị giáo hoàng kế nhiệm có tầm nhìn khác biệt hay trái ngược với cố Giáo hoàng Francis, bởi "những điều tốt đẹp mà Ngài để lại đã in sâu trong lòng các tín hữu Công giáo khắp thế giới".
Khi làn khói trắng bay lên từ ống khói trên mái nhà nguyện Sistine, thế giới sẽ không chỉ đón chào một vị giáo hoàng mới mà còn bước vào một chương mới của Giáo hội, nơi mọi tiếng nói từ giáo phận xa xôi nhất châu Phi đến một hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, đều có thể vọng vang đến tận trung tâm Roma.
***********
Những ảnh hưởng của Giáo hoàng Francis trong việc định hình Mật nghị hồng y 2025 bởi 80% các hồng y tham gia mật nghị năm nay do Giáo hoàng Francis phong chức. Đặc biệt, nhiều vị hồng y trong số những ứng viên nổi bật là những người cấp tiến, có phong cách khá tương đồng với cố Giáo hoàng Francis.
>> Kỳ tới: Di sản Giáo hoàng Francis và lá phiếu tương lai Giáo hội
BÌNH LUẬN HAY