
Ảnh minh họa: M.P.
Không có lý do gì nhiều, mà chỉ là nghe mùi bếp mà bớt nhớ và thấy vui trong lòng, rằng bếp nhà ai đó đang nấu một bữa ngon, rằng ít ra người đi xa hẳn đã cuồng chân, và sớm quay về với nhà mình.
Nhưng hiếm lắm, mà đòi hỏi này cũng khó lắm thay, trong thời buổi bây giờ ở quê cũng đã thay dần bếp củi.
Thành ra cái góc bếp nhà má che tạm bên chái nhà lại thành nơi quý hiếm.
Nhớ mùi bếp của má của ba
Góc bếp tạm, chỉ đặt mấy cái cà ràng để nấu củi vườn, nhưng lại thành gần như là nơi nấu nướng chính. Nồi cá bống kho sôi lục bục, nồi canh mẩy nước cùng với âm thanh của đám gà lục tục gọi con, hay chú chó đang nằm đưa mắt lơ đãng ngắm người làm bếp, chờ cái vá hớt bọt hẩy vô cái thau đồ ăn dành cho mình, là mắt sáng rực lên.
Cái bếp coi bình thường và tuềnh toàng mà lần nào về cũng là nơi tôi sà vào, dù không nấu gì cũng khơi khơi nhóm lửa bắc ấm nước nấu sôi, đợi ấm nước nóng rền rĩ kêu o o thì cũng vừa lúc nghĩ ra hôm nay mình sẽ ăn thứ gì.
Cái bếp đó khiến tôi chủ động ra chợ quê, rinh về mấy ký hến tươi, kê nồi nước sôi đãi vỏ. A! Cái phần thịt hến trắng đầy trồi lên trên nồi nước đang sôi, cảnh vớt ra rổ nóng hổi bay mùi thơm hến béo và mấy đứa nhỏ xúm lại bốc ăn phần thịt hến còn nóng hổi, không cần chế biến gì, và xuýt xoa khen ngon, mới đúng là cái cảnh bếp quê xưa lơ xưa lắc.
Rồi từng núm hến nhún nhảy trên cái chảo đen mẩy xài mấy chục mùa bếp củi bóng mỡ bóng rẫy, chung với hành lá cắt khúc, đợi se lại thì chế muỗng nước mắm dậy mùi, chờ thấm, rồi đem ra đĩa, cắt rau răm rải lên. Cái mùi bắt cơm của buổi chiều, mà mặt trời vừa kịp lặn phía sau vườn trái chín.
Mùi bếp, dù mọi thứ đã xong, vẫn còn vướng lại. Tôi bước ra ngoài khoang bếp, thấy khói nhẹ lòn qua mái che, tỏa lơ thơ qua đọt cây nhãn cây xoài, mà lòng ngùi ngùi. Có khi mai mốt đây, thứ giản dị như vầy rồi cũng mất.
Người bà, người mẹ, người dì trong gia đình có lẽ là hình ảnh gắn với bếp nhiều hơn người ông, người cha.
Nhưng người ông, người cha lâu lâu đứng bếp vẫn khiến người trong nhà có gì đó háo hức và chờ đợi nhiều hơn, bởi lẽ họ sẽ có những "cú ngoặt" táo bạo và khác lạ với những món hằng ngày quen thuộc.
Ba tôi, với một rổ ốc đắng thường ngày, khi mà bọn tôi chỉ cần luộc lên, lấy gai chanh lể ra chấm nước mắm gừng, thì ông sơ chế và biến thành món gỏi xoài bằm trộn cùng với đọt rau đắng, lá non bằng lăng và lá chanh non, phải có đủ vị chua, chát, đắng, cay, mặn, ngọt... mới thấm tháp. Giở cái nắp nồi ốc luộc, nghe dậy mùi đọt ổi thơm thơm.
Giờ đây, bếp có mùi lá chanh, lá quế, rau răm vừa hái từ vườn, tiếng chày trên cối giã tỏi ớt gừng làm nước mắm. Ồ, bếp đã dậy mùi hương từ lúc nào. Trên cái bàn ăn đơn sơ, cái đĩa gỏi ốc trở thành tâm điểm. Ba tôi đã rất vui, vì cách ông bài trí và biến những thứ giản dị quanh nhà thành một món ngon lành.
Nhớ mùi bếp dậy hương, đậm đà gia vị
Bếp ở đâu là cảm giác như sự ấm áp và quần tụ về ở đó. Hồi tôi còn đi dọc triền sông nước, qua mấy miệt ruộng đồng, thấy cái bếp tạm bợ, vần ba cục gạch thành ba ông táo, bên mé bờ, đang lụi hụi cháy xì xèo cho nồi canh chua cá đồng vừa đánh lưới hồi sáng.
Anh chồng đang lặt mớ rau cũng vừa hái quanh quanh nơi này: đọt rau muống, bông điên điển..., chị vợ chạy qua nhà bên cạnh xin mấy đọt quế và mấy trái ớt sẵn tay hái luôn mấy lá tần dày lá và ngò om. Bếp tạm, cho mùa cắt lúa mướn.
Ba bốn cái bếp tạm chùm nhum lại, ăn nói cười giỡn và rồi bày thức ăn trên lớp rơm vừa mới trải ra. Cũng món nào ra món nấy.
Bếp ở đây cũng dậy mùi hương, mùi đậm đà của cá mới bắt, của gia vị, của nước mắm ủ sẵn trong lu chở đem theo rồi nấu tại chỗ... Ăn khi đang nóng, bếp còn cháy vùi thêm khoai, thêm bắp cho bữa lỡ cỡ nếu đói và buồn miệng.
Cái mùi bếp đó, quyện với mùi lúa mới cắt, loang loáng trên sông, cũng khó quên. Tôi đã hỏi họ có nhớ mùi bếp trong nhà mình không? Những người phụ nữ hồn hậu nhìn tôi như nhìn một đứa "còn non quá cuộc đời", và trả lời: "Quen ăn như vầy, chừng vô trong nhà có bàn có ghế sao thấy không ngon, chắc là thiếu không khí".
Hóa ra, ngoài mùi của bếp thì không khí của bữa ăn cũng làm người ta thấy hạnh phúc. Không thể ngồi ăn cùng một người lạnh nhạt với một người. Không thể ăn ngon khi hòa khí gia đình bữa sụt bữa sịt.
Mùi bếp gắn với nếp nhà
Hồi tết, tôi về quê má chồng. Năm qua, má tôi có trận té ngã nên không ngồi dậy bình thường được. Cái bếp, bà giao lại cho chú út tụi nhỏ. Một năm qua bà không tự nấu ăn, những mắm đường chai lọ nọ kia nằm xiên xẹo.
Có lẽ khi không còn bà tả xung hữu đột trong bếp, gian bếp cũng thiếu thiếu cái gì đó.
Có lẽ là hơi củi hơi than nhóm lên rất sớm, có lẽ là tiếng hát ri rí lúc vừa đun bếp vừa nhớ chuyện ngày xưa. Còn có lẽ là thiếu luôn mùi gia vị mà má chồng đã cất công dạy cho tôi, con cá này hạp với ớt tỏi, còn con cá kia hạp với tỏi tiêu.
Cái bếp và mùi của bếp cất lên tiếng nói, kết nối những người xa lạ thành người một nhà, tăng thêm hiểu biết về một món ăn gắn với một vùng văn hóa, hay ít ra là gắn với nếp nhà.
Ồ! Và còn bọn nhỏ, chắc sẽ nhớ những cái bếp của bà, của mẹ, của quê... khi mà chúng lớn.
BÌNH LUẬN HAY