Mỹ duyệt cắt 9 tỉ USD viện trợ nước ngoài, giữ lại viện trợ phòng AIDS

Hạ viện Mỹ biểu quyết thông qua việc thu hồi hơn 9 tỉ USD ngân sách đã được duyệt cho viện trợ quốc tế và các cơ quan truyền thông trong nước.

Mỹ duyệt cắt 9 tỉ USD viện trợ nước ngoài, giữ lại viện trợ phòng AIDS - Ảnh 1.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson - Ảnh: AFP

Theo báo New York Times, rạng sáng 18-7 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất của Nhà Trắng về việc thu hồi một số khoản phân bổ ngân sách đã được phê duyệt trước đây, với tổng ngân sách cắt giảm 9 tỉ USD.

Trước đó rạng sáng 17-7, Thượng viện cũng đã thông qua đề xuất này.

Dự luật hiếm thấy

Hầu hết ngân sách bị cắt giảm, khoảng 8 tỉ USD, dành cho các chương trình viện trợ nước ngoài hướng đến các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, chiến tranh và thiên tai.

Số tiền 1,1 tỉ USD bị cắt còn lại là ngân sách dành cho Tập đoàn Phát thanh - Truyền hình công cộng (CPB). Đây là tổ chức tài trợ cho các đài phát thanh - truyền hình lớn của Mỹ như NPR và PBS, cũng như hơn 1.500 đài phát thanh truyền hình địa phương nhỏ hơn.

Từ lâu nhiều chính khách có quan điểm bảo thủ đã chỉ trích khoản ngân sách này không cần thiết và đã tiếp tay cho nạn đưa tin thiên lệch.

Đáng chú ý, lưỡng viện nhất trí giữ lại 400 triệu USD dành cho chương trình phòng tránh AIDS PEPFAR. Chương trình này đã cứu sống ít nhất 26 triệu người trên thế giới và được Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý không cắt bỏ.

Một số chương trình viện trợ quốc tế cụ thể khác như Food for Peace (viện trợ lương thực), cũng như viện trợ dành riêng cho Jordan và Ai Cập được bảo vệ.

Đề xuất trên được thông qua với tỉ lệ sát sao 216 thuận - 213 chống tại Hạ viện và 51 thuận - 48 chống tại Thượng viện.

Đề xuất cắt giảm ngân sách của Nhà Trắng được tiến hành thông qua quy trình "rescissions bill", tức một dự luật nhằm thu hồi việc phân bổ ngân sách đã được Quốc hội thông qua trước đó.

Đây là biện pháp cực kỳ hiếm gặp trong lịch sử Mỹ, với lần thành công gần nhất là năm 1999 dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton.

Lưỡng đảng chia rẽ

Mỹ duyệt cắt 9 tỉ USD viện trợ nước ngoài, giữ lại viện trợ phòng AIDS - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: REUTERS

Ngay sau khi đề xuất trên được Hạ viện thông qua, ông Trump đã hào hứng thông báo trên Truth Social: "Đảng Cộng hòa đã cố gắng làm điều này trong 40 năm nhưng thất bại. Điều đó đã không còn nữa! Đây là (cột mốc) lớn lao!".

Các thành viên cấp cao khác của Đảng Cộng hòa cũng tung hô đây là nỗ lực hoàn thành lời hứa tranh cử của ông Trump và đảng này, liên quan đến việc cắt giảm ngân sách.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson khẳng định: "Tổng thống Trump và (các nghị sĩ) Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã hứa hẹn về trách nhiệm tài khóa và hiệu quả chính phủ. Hôm nay, chúng tôi một lần nữa thực hiện lời hứa đó".

Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng Russell Vought cho biết chính quyền có thể sẽ đề xuất thêm các gói thu hồi khác.

Ở chiều ngược lại, quyết định trên cũng bị Đảng Dân chủ phản đối gay gắt.

Lãnh đạo đảng tại Hạ viện, ông Hakeem Jeffries, cáo buộc Đảng Cộng hòa "thông qua luật thu hồi cực đoan, liều lĩnh" và cảnh báo điều này có thể dẫn đến cảnh "đóng cửa chính phủ đau đớn vào cuối năm".

Đảng Cộng hòa chuẩn bị bước vào cuộc đua thông qua ngân sách năm tài khóa 2026 (bắt đầu từ đầu tháng 10).

Đảng này không có đủ số phiếu để tự mình thông qua ngân sách, mà cần sự ủng hộ của một vài nghị sĩ Đảng Dân chủ, vẽ ra bối cảnh ngân sách năm một lần nữa được thông qua chậm trễ.

Bà Katherine Maher, giám đốc điều hành (CEO) NPR, lên án việc cắt giảm "phá hủy vô cớ các thể chế dân sự địa phương được yêu mến".

NPR và PBS nhận ít ngân sách từ CPB nên ít bị ảnh hưởng bởi động thái trên. Tuy nhiên có rất nhiều đài địa phương phụ thuộc trên 50% ngân sách hoạt động vào CPB, khiến quyết định mới của Washington có thể đẩy họ vào chỗ phá sản.

Mỹ duyệt cắt 9 tỉ USD viện trợ nước ngoài, giữ lại viện trợ phòng AIDS - Ảnh 4.EU thông qua gói trừng phạt Nga 'mạnh nhất trước nay'

Gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) đánh vào ngành năng lượng Nga, được thông qua sau khi Slovakia thôi phản đối vì đã nhận được những nhượng bộ mong muốn từ Brussels.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0