
Khu vực ở quận 1 cũ, nay là phường Sài Gòn (TP.HCM) cho dùng tạm vỉa hè để buôn bán - Ảnh: CHÂU TUẤN
Vấn đề hiện nay mà nhiều người dân thắc mắc, liệu mô hình cho dùng tạm vỉa hè (có tính phí) này có được tiếp tục nhân rộng sau sáp nhập? Và với luật mới vỉa hè sẽ được quản lý ra sao?
Sở Xây dựng TP.HCM cho hay sau hơn một năm "quản lý và thu phí dùng tạm thời một phần vỉa hè" để phục vụ kinh doanh, TP.HCM đang tính toán lại toàn bộ cách quản lý hoạt động này, đặc biệt trong bối cảnh các quy định pháp luật mới đã có hiệu lực từ đầu năm 2025.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2025, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Quốc hội ban hành cùng nghị định số 165/2024/NĐ-CP của Chính phủ sẽ chính thức được áp dụng.
Theo các quy định mới, UBND cấp tỉnh không còn được ban hành quy định riêng về việc dùng lòng đường, vỉa hè. Đồng thời không cho phép dùng vỉa hè cho các hoạt động kinh doanh, buôn bán hàng hóa, dịch vụ như trước đây.
Điều này dẫn tới việc TP.HCM không thể tiếp tục triển khai các mô hình thí điểm dùng tạm vỉa hè có trả phí như trước. Do đó Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản đề xuất UBND TP.HCM hai nội dung quan trọng để điều chỉnh lại chính sách phù hợp với luật mới và thực tiễn tại thành phố.
Thứ nhất, bãi bỏ quyết định số 32/2023/QĐ-UBND của TP.HCM (cũ) là văn bản nền tảng cho hoạt động thí điểm dùng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè.
Đồng thời, đề xuất HĐND TP.HCM sửa đổi nghị quyết 15/2023/NQ-HĐND (văn bản quy định mức phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè). Hiện nay các nội dung này đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Thứ hai, xây dựng một đề án mới về quản lý, khai thác và dùng lòng đường, vỉa hè, dựa theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Đề án này sẽ do Sở Xây dựng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cùng làm.
Đặc biệt, TP.HCM dự kiến sẽ khảo sát, thu thập dữ liệu tại cả khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương cũ (hai địa phương vừa được sáp nhập vào TP.HCM), để từ đó xây dựng đề án thống nhất áp dụng cho toàn TP.HCM mới.
Nếu được chấp thuận, đề án sẽ được hoàn thiện trong vòng 1 năm và thí điểm tại một số tuyến đường, khu vực trung tâm có điều kiện phù hợp về hạ tầng, nhu cầu giao thông, phát triển du lịch và kinh tế... Sau đó thành phố sẽ đánh giá trước khi xem xét mở rộng.
Trong thời gian chờ đề án mới, TP.HCM vẫn duy trì việc cấp phép dùng tạm thời lòng đường, vỉa hè cho các mục đích không mang tính kinh doanh thương mại, như trung chuyển vật liệu xây dựng, trông giữ xe, thu gom rác thải... theo đúng quy định tại Nghị định 165 và Nghị quyết 15.
Tuổi Trẻ từng phản ánh vỉa hè bị chiếm, người đi bộ “xin đường”
Trước đó báo Tuổi Trẻ đã phản ánh tình trạng nhiều tuyến đường ở TP.HCM bị lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, giữ xe, bày bàn ghế tràn lan, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Ngay sau đó, ngày 27-2-2025, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã chỉ đạo khẩn các địa phương rà soát, xử lý các điểm nóng như đường Nguyễn Gia Trí (Bình Thạnh cũ), Hùng Vương (quận 5 cũ), Trần Xuân Soạn (quận 7 cũ)…
Thành phố cũng yêu cầu siết quản lý bằng nhiều giải pháp như rà soát pháp lý, đưa vào tiêu chí thi đua và áp dụng “phạt nguội” để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
BÌNH LUẬN HAY