
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là bước ngoặt của "cuộc cách mạng" hành chính, đưa chính quyền gần gũi và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất. Từ nay, sự hài lòng của người dân đều bắt đầu từ cán bộ phường, xã. Họ cũng là thước đo năng lực và niềm tin của cả hệ thống, đã được toàn dân kỳ vọng và gửi gắm.
Tại phường Xuân Hòa (TP.HCM) vào ngày 29-6, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Các đồng chí là đại diện của Đảng, Nhà nước, chính quyền giải quyết vấn đề của người dân, không thể để chậm trễ. Phường đã được phân cấp, phân quyền. Làm sao tạo điều kiện thuận lợi để người dân làm ăn, phát triển.
Tư duy bây giờ phải khác, phải chủ động giải quyết những vấn đề của dân".
Lời nhắn nhủ ấy là sự chuyển dịch từ quản lý hành chính thuần túy sang chính quyền kiến tạo, biết chủ động nắm bắt và giải quyết nhu cầu thực tiễn.
Ngày 30-6, tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Hồng An (Hải Phòng), Thủ tướng Phạm Minh Chính đề ra yêu cầu: "Tuyệt đối không để người dân sợ hay ngại khi đến cơ quan công quyền".
Ông yêu cầu cán bộ phải "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để hỗ trợ tại chỗ, đồng thời tận dụng chuyển đổi số để có thêm thời gian gần dân hơn. Bởi công nghệ chỉ là công cụ, thái độ và sự chủ động mới khắc họa chữ "phục vụ".
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khảo sát tại Cần Thơ và nhấn mạnh: "Người dân sẽ theo dõi để đánh giá hiệu quả của mô hình hành chính mới.
Câu trả lời chính là giải quyết thủ tục nhanh, hiệu quả… qua đó họ hài lòng, tin tưởng Đảng, Nhà nước thực sự chăm lo cho dân".
Thực tế, để hiện thực hóa sự gần dân ấy, nhiều cán bộ có kinh nghiệm từ cấp tỉnh đã được điều động về hỗ trợ tại phường xã, làm việc với những cán bộ cũng đã qua sàng lọc trước đó.
Đây là minh chứng cho quyết tâm đầu tư nghiêm túc vào tuyến đầu - nơi "giành lại" niềm tin với từng hồ sơ, từng lượt tiếp xúc. Với 94% thủ tục xử lý ngay tại cơ sở, thành công hay thất bại của cải cách phụ thuộc chính vào những con người ấy.
Khi gọi cán bộ phường xã là "đại diện Đảng, Nhà nước", đó không phải là danh xưng hoa mỹ, mà là đòi hỏi với yêu cầu cao nhất.
Người dân có quyền tự hỏi: Tôi nhìn thấy gì ở người đại diện này? Chủ động hay thụ động? Tận tâm hay hình thức? Ban ơn hay công tâm? Danh xưng chỉ có giá trị khi đi đôi với phẩm chất và năng lực.
Dù vậy, nói gì thì nói, ngày đổi mới mới chỉ bắt đầu. Mọi đánh giá sẽ đến qua thời gian, qua từng lời giải thích rõ ràng, từng cuộc điện thoại đúng hẹn, từng cái gật đầu chân thành... Đó là những minh chứng cụ thể nhất.
Nếu chỉ "gần dân" về mặt địa lý mà thiếu những thay đổi thực chất trong tư duy và hành động, mọi kỳ vọng từ Trung ương sẽ có thể biến thành thất vọng ở cơ sở.
Cán bộ phường xã hôm nay không chỉ gánh vác thủ tục hành chính, mà gánh cả niềm tin đang được đặt lại từ đầu. Xã hội không đòi họ phải hoàn hảo, nhưng cần họ tử tế, nhất quán và dũng cảm đổi mới.
Câu hỏi "Cán bộ phường xã, anh là ai?" không phải là chất vấn, mà là lời gởi gắm: người dân sẵn sàng đồng hành nếu thấy được sự tôn trọng, tinh thần phục vụ và năng lực thực thi.
Khi điều đó trở thành hiện thực, không chỉ thủ tục sẽ gọn gàng, mà uy tín của Đảng và Nhà nước cũng được khẳng định ngay từ những điểm chạm đầu tiên ở cấp phường xã.
BÌNH LUẬN HAY