
Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công phường Tân Hưng (TP.HCM) - Ảnh: THANH HIỆP
Chuyển sang tư duy mới tất yếu phải loại bỏ những quan điểm, cách làm lỗi thời. Sự thay đổi này cần đến từ mọi bên liên quan ngay trong từng thủ tục hành chính.
Về phía cán bộ, "tư duy lạc hậu" đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Nghĩa Trụ (Hưng Yên) vào ngày 14-7.
Ông nói đại ý những thủ tục hành chính Nhà nước đã quy định thì phải giải quyết thật nhanh cho người dân... Người dân đến rồi lại đủ thứ yêu cầu, bắt buộc thế này thế kia, lại "hành tỏi". Không phải làm chính quyền, làm cán bộ rồi làm cái này cái kia để kiếm mảnh đất, rồi nhiệm kỳ sau nghỉ thôi - thế này không được.
"Tất cả những tư duy đó rất lạc hậu", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Đoạn clip này được đông đảo người dân hưởng ứng, nhưng nhiều người chỉ nhìn thấy "tư duy lạc hậu" ở phía cán bộ mà quên soi lại chính mình.
Thực ra, trong xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, không ít chúng ta vẫn giữ thói than vãn chung chung, tự gán mình vào vai nạn nhân bất lực. Gặp rắc rối với thủ tục hành chính, chúng ta vội quy kết "lý tưởng chỉ có trên tivi", rồi tiếp tục... than vãn. Chính tư duy cam chịu ấy mới là chướng ngại lớn nhất trên con đường đòi hỏi công bằng và minh bạch.
Để loại bỏ "tư duy lạc hậu" từ một số cán bộ, người dân phải xác định mình là khách hàng của dịch vụ công: không đến để "xin - cho", mà đến để "được phục vụ" đúng quy định.
Trước khi làm hồ sơ, ta tra cứu danh mục giấy tờ, in sẵn văn bản quy định rồi mang theo đến bộ phận một cửa. Khi cán bộ đòi thêm giấy tờ vô lý hay trì hoãn, ta chỉ việc đưa văn bản để đối chiếu; nếu họ tiếp tục làm khó, ta phải lưu giữ bằng chứng.
Đây không phải "quấy rối" mà là quyền và trách nhiệm của công dân có hiểu biết. Những biện pháp đó chính là bảo vệ chính mình; phản ánh càng cụ thể, càng có bằng chứng, ta càng buộc được cơ quan phải vào cuộc. Từ những phản ánh có trọng lượng, bộ máy sẽ dần được làm sạch.
Chúng ta cũng không thể tư duy "cán bộ nào chẳng thế" hoặc "không thể phân biệt được ai tốt ai xấu". Tư duy ấy chỉ tiếp tay cho người xấu ẩn mình. Trong một cơ quan cụ thể, có thể có người tận tâm và người thờ ơ, công chức liêm chính và cán bộ vụ lợi.
Đây chính là lúc mỗi công dân thể hiện và phát huy quyền làm chủ: chỉ ra đúng người sai phạm, sử dụng đúng kênh phản ánh, yêu cầu xử lý công khai minh bạch. Không đánh đồng, không gộp chung thì tiếng nói của ta mới có trọng lượng và mới khiến "tư duy lạc hậu" phía cán bộ phải thay đổi.
Luật pháp đã cho phép chúng ta gạt bỏ tâm thế "thấp cổ bé họng", phải vươn lên, không thể trở thành "miếng mồi ngon" cho "cò giấy tờ". Công điện mới đây của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành phải chịu trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng "cò giấy tờ" tại trung tâm phục vụ hành chính công.
Xưa nay ai cũng biết "cò" chỉ tồn tại khi có cán bộ mang "tư duy lạc hậu" (như Tổng Bí thư mô tả ở trên) và người dân cũng mang "tư duy lạc hậu" (không tìm hiểu các quy định, quen áp dụng câu "đồng tiền đi trước...").
Vậy thì đã đến lúc mỗi người dân cần thay đổi "tư duy lạc hậu" chưa? Đã đến lúc thôi than vãn, thay bằng việc dám đòi hỏi, sẵn sàng lên tiếng có trách nhiệm chưa? Đó chính là cách biến bức xúc thành hành động, đấu tranh cho minh bạch và công bằng bền vững.
BÌNH LUẬN HAY