
CEO NVIDIA Jensen Huang được chào đón tại Trung Quốc ngày 16-7 - Ảnh: REUTERS
Chiến thắng của Nvidia đến từ nhiều tuần vận động không ngừng nghỉ của CEO Jensen Huang, động thái nới lỏng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc cũng như nỗi lo mất vị thế dẫn đầu trí tuệ nhân tạo (AI) của Washington.
Thông tin được ông Huang tiết lộ ngày 15-7 khi đang công tác tại Trung Quốc. Dù chưa rõ số lượng và thời hạn cụ thể, CEO Nvidia vẫn tỏ ra lạc quan: "Chúng ta đang đợi quá trình cấp phép hoàn tất. Tôi đã được (Nhà Trắng) đảm bảo rằng chúng sẽ diễn ra rất nhanh chóng".
Thỏa thuận "chip đổi đất hiếm"
Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Howard Lutnick xác nhận đây là một phần thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đạt được hồi tháng 6 theo hướng "đổi chip lấy đất hiếm". Hai nước cùng đưa ra "cử chỉ thiện chí" khi khơi lại dòng chảy thương mại cho hai mặt hàng chiến lược này.
Dòng chảy thương mại đã bị chặn đứng trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 3, Trung Quốc dừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Để trả đũa, Washington siết chặt việc xuất khẩu chip AI tân tiến sang Trung Quốc từ tháng 4, ảnh hưởng mạnh mẽ giới doanh nghiệp hai nước.
Suốt nhiều tháng ấy, ông Huang ra sức thuyết phục chính quyền Trump rằng hạn chế xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc là sai lầm nghiêm trọng.
CEO Nvidia lo ngại sự thiếu hụt chip sẽ vô tình thúc đẩy phát triển ngành chip Trung Quốc để "khỏa lấp khoảng trống", khiến thế dẫn đầu AI của Mỹ bị xói mòn.
Ông cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ không cần quá lo sợ việc Trung Quốc lợi dụng chip Nvidia cho mục đích quân sự vì Bắc Kinh "không thể dựa vào một thứ mà Washington có thể cắt đứt bất kỳ lúc nào".
Tuy nhiên, động thái mở bán lại chip AI vẫn bị nhiều nhà lập pháp Mỹ có quan điểm bài Trung Quốc chỉ trích.
Dân biểu John Moolenaar (Đảng Cộng hòa), chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung thuộc Hạ viện, tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại "làm rõ" quyết định trên.
Thế "khóa" công nghệ suy yếu
Chip H20 được cho xuất sang Trung Quốc trở lại là dòng chip Nvidia thiết kế riêng cho thị trường này. Nó được cố tình giảm hiệu năng đáng kể so với sản phẩm tân tiến nhất của Nvidia nhằm tuân thủ các quy định hạn chế xuất khẩu được ban hành dưới thời cựu tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, đây vẫn là dòng chip phục vụ phát triển AI mạnh mẽ nhất mà các công ty Trung Quốc có thể mua hợp pháp.
Các dòng chip Nvidia sử dụng hệ thống phần mềm riêng gọi là CUDA cho việc phát triển AI. Các công cụ phần mềm này từ lâu đã trở thành "tiêu chuẩn thực tế" cho ngành AI toàn cầu. Việc chuyển sang phần mềm của hãng chip khác yêu cầu đào tạo lại nhân sự, khiến quá trình này khó khăn và tốn kém.
Chính sự phổ biến về mặt phần mềm và sức mạnh to lớn về mặt phần cứng giúp Nvidia chiếm đến 90% lĩnh vực chip phát triển AI toàn cầu.
Các "ông lớn công nghệ" Trung Quốc như ByteDance và Tencent, dù muốn tìm đến chip của các hãng khác, cũng phải chấp nhận bị "khóa" vào hệ sinh thái Nvidia.
Trong mắt giới chức Mỹ, thế "khóa" này mang ý nghĩa chiến lược khi cho phép nước này vừa xuất khẩu vừa kiểm soát chuỗi giá trị AI. Chính ông Lutnick đã khẳng định: "Chúng tôi muốn người Trung Quốc tiếp tục sử dụng công nghệ Mỹ. Họ phải phụ thuộc vào nó. Đây là điều rất quan trọng. Nhưng chúng tôi sẽ không bán cho họ những thứ tốt nhất của mình".
Trung Quốc sẽ "bẻ khóa"
Tuy nhiên, thế chiến lược này đang có dấu hiệu suy yếu mạnh mẽ. Với nền tảng khoa học tiến bộ và đội ngũ nhân tài dồi dào, việc Trung Quốc tìm được giải pháp thay thế Nvidia dù khó nhưng cũng chỉ là vấn đề thời gian.
Điều này dẫn đến sự vươn lên của các hãng chip Trung Quốc gần đây, được dẫn đầu bởi Huawei. Ông Huang cho biết trong thời gian không được bán hàng, thị phần của Nvidia tại Trung Quốc đã giảm mạnh, từ 95% xuống chỉ còn 50%.
Huawei càng gây áp lực lên Nvidia khi được cho là đang lên kế hoạch phát triển thế hệ chip AI hoàn toàn mới, cho phép sử dụng đúng hệ thống phần mềm của Nvidia trên phần cứng hãng này sản xuất.
Nếu dự án này thành công, thế "khóa công nghệ" của Nvidia sẽ bị phá vỡ, thôi thúc không chỉ các công ty Trung Quốc mà còn toàn thế giới tìm đến giải pháp công nghệ mới.
Nvidia khó có thể làm gì để đẩy lùi quá trình trên. Chính ông Huang cũng vừa xác nhận ngày 16-7: "CUDA không phải là nền tảng đóng. Nếu bạn tạo ra một nền tảng tương thích với CUDA, tôi hoàn toàn chấp nhận điều đó".
Trong bối cảnh này, một trong những giải pháp hiển nhiên nhất cho Mỹ là khiến chip Nvidia sẵn có với thị trường Trung Quốc trở lại, thôi thúc các công ty nước này dồn tiền cho giải pháp có sẵn và cắt giảm đầu tư cho kế hoạch lâu dài.
Nhà lãnh đạo hiếm hoi được lòng hai bên
Với tầm quan trọng của Nvidia, ông Jensen Huang đang là doanh nhân hiếm hoi có thể thường xuyên qua lại giữa Mỹ và Trung Quốc nhưng vẫn được lòng hai bên.
CEO Nvidia từng nhiều lần tìm đến ông Trump tại cả Nhà Trắng và "đại bản doanh" Mar-a-Lago để bàn chuyện kinh doanh. Hồi tháng 4, ông "lấy lòng" tổng thống Mỹ khi cam kết đầu tư 500 tỉ USD xây dựng loạt cơ sở sản xuất siêu máy tính AI tại bang Texas.
Bên kia bán cầu, Bắc Kinh cũng dành cho ông Huang sự nồng ấm tương tự. Ngày 16-7, sau cuộc họp với Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, CEO Nvidia khẳng định đã luôn nhận thông điệp "cởi mở và ổn định" từ giới chức nước này.
"Nếu được gặp Chủ tịch Tập Cận Bình, đó sẽ là một vinh dự lớn, nhưng tôi chưa được mời", ông Huang chia sẻ.
BÌNH LUẬN HAY