
Chiếc xe ô tô màu trắng tông thẳng từ quốc lộ 9 vào nhà dân - Ảnh: THANH HẢI
Một ô tô màu trắng bất ngờ lao từ khách sạn Đông Trường Sơn (phường Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), băng qua quốc lộ 9 rồi đâm thẳng vào nhà ông Nguyễn Minh Tuyến vào tối 12-7. Ô tô tông sập 4 cánh cổng sắt và làm hư hỏng nhiều tài sản gồm 2 xe máy, tủ...
Ô tô lao vào nhà dân, làm hư hại tài sản, hứa đền bù rồi "không liên lạc được"
Thời điểm xảy ra tai nạn may mắn không có ai bị thương. Tài xế được cho là có dấu hiệu say xỉn, cho biết vào Quảng Trị ăn cưới và xin tự thỏa thuận đền bù.
Sau khi bồi thường 2 xe máy và một số tài sản khác, người này hứa tiếp tục khắc phục hậu quả nhưng sau đó "không liên lạc được". Chủ nhà đã trình báo công an khi phát hiện xe đang sửa tại một gara trên quốc lộ 9.
Chiều 18-7, đại diện Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Trị cho biết đã liên hệ được với chủ phương tiện và tài xế điều khiển ô tô màu trắng biển số 30H-230.xx liên quan vụ tai nạn tại phường Đông Hà.
Tuy nhiên, cả hai đang ở Hà Nội nên chưa thể làm việc trực tiếp. Đơn vị đã thông báo tạm giữ phương tiện để phục vụ điều tra, đồng thời trước đó đã tiến hành khám nghiệm hiện trường và phương tiện sau khi nhận tin báo từ người dân.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc trước cách hành xử thiếu trách nhiệm của tài xế.
"Việc ô tô gây tai nạn và làm hư hỏng tài sản của người khác thì trách nhiệm đền bù của chủ phương tiện hoặc đơn vị bảo hiểm (nếu có) là không thể chối cãi", bạn đọc Thiên Phúc nhận xét.
Đề xuất ngưng ký hợp đồng với shipper, tài xế công nghệ chạy xe xăng từ tháng 1-2026
Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM (HIDS) vừa hoàn thiện dự thảo cuối cùng đề án "Chuyển đổi xe 2 bánh từ xe xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ và giao hàng tại TP.HCM".
Đề án sẽ trình UBND TP.HCM trong tháng 7-2025. Dự kiến áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích từ 1-1-2026 (nếu được các cấp thông qua).
Theo đó, TP.HCM có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động và mỗi ngày một tài xế chạy trung bình 80 - 120km, gấp 3 - 4 lần người dân thường (số liệu khảo sát), nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2029 sẽ chuyển đổi toàn bộ số lượng xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tất cả shipper, tài xế công nghệ; giảm 100% lượng khí thải gây ô nhiễm và khí nhà kính từ nhóm xe này.
Một số doanh nghiệp như Be, Grab, Shopee, Ahamove, Xanh SM… đã thí điểm chuyển đổi xe điện cho tài xế.
Đặc biệt, Xanh SM là doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp xe điện cho toàn bộ đội ngũ nhân viên của mình. Tuy nhiên, tỉ lệ xe điện trên tổng số 400.000 tài xế công nghệ vẫn còn rất hạn chế.
Nhóm nghiên cứu đề xuất 4 giai đoạn chuyển đổi đối với shipper, tài xế công nghệ: Giai đoạn 1 (đến tháng 12-2025) đạt 30%, khoảng 120.000 xe.
Giai đoạn 2 (tháng 12-2026) đạt 50%, khoảng 200.000 xe. Giai đoạn 3 (tháng 12-2027) đạt 80%, khoảng 320.000 xe. Giai đoạn 4 (tháng 12-2029) đạt 100%, khoảng 400.000 xe.
Trong đó đề xuất từ tháng 1-2026, TP.HCM bắt đầu áp dụng những chính sách ưu đãi, đồng thời ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu (ngừng ký hợp đồng mới) đối với tài xế xe máy xăng có nhu cầu tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Các tài xế sử dụng xe xăng đăng ký và được chấp nhận trước ngày 1-1-2026 vẫn hoạt động bình thường và cần có kế hoạch chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện.
Thế giới ngầm "cho thuê bụng" giá 350-600 triệu đồng
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là giải pháp cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được luật pháp Việt Nam cũng như một số nước trên thế giới cho phép. Thế nhưng, mục đích này đang bị lợi dụng tạo thành một thế giới ngầm "cho thuê bụng" với giá từ 350 - 600 triệu đồng.
Suốt 2 năm theo dõi hoạt động của nhiều hội nhóm "mang thai hộ" (cho thuê bụng, đẻ thuê) trên mạng, nhóm phóng viên Tuổi Trẻ phát hiện một đường dây "cho thuê bụng" xuyên quốc gia được các "chân rết" giới thiệu do ông chủ người Trung Quốc điều hành.
Có ba giai đoạn: cấy phôi - dưỡng thai - sinh con sẽ tương ứng với ba địa điểm thực hiện.
Cấy phôi có thể thực hiện tại Campuchia, Thái Lan hoặc Trung Quốc, sau đó về Việt Nam dưỡng thai. Sinh và giao con đa số được đưa sang nước ngoài (chủ yếu Trung Quốc, Thái Lan). Sau khi nhận đủ tiền, người mang thai hộ có thể trở thành người môi giới tuyển người khác, nhận hoa hồng khoảng 1.000 USD.
Từ "cho thuê bụng", nhiều phụ nữ Việt có hoàn cảnh nợ nần và "cần tiền nhanh" sớm trở thành người môi giới và đường dây này ngày một vươn vòi khắp nơi.
Ngay sau khi Tuổi Trẻ đăng tải bài viết, rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự bức xúc lẫn lo ngại. Bởi hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, khó lường cho xã hội. Có ý kiến cho rằng "thuê bụng" mang thai hộ như đi trên băng mỏng, mong có khung pháp lý rõ ràng.
Sốc với lời "cho phép, xin lỗi, cảm ơn" ở trung tâm hành chính công
Đó là những bất ngờ của người dân khi đến Trung tâm hành chính công phường Thủ Đức (TP.HCM) được bạn đọc Ngọc Ẩn chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Trong 30 phút ở trung tâm, bạn đọc này đã được đón nhận những lời như "cho phép, xin lỗi, cảm ơn" từ cán bộ tiếp dân.
"Tôi không biết chuyện mình chứng kiến có phải là cá biệt hay không, nhưng chắc chắn đó là câu chuyện diễn ra thực tế tại nơi này. Đó không phải là "chiến dịch hưởng ứng", "tuần lễ chào mừng", và chắc cũng không phải là cách để đối phó cho đoàn thanh tra, đợt thí điểm nào.
Khi nhìn thấy dãy bàn không vách ngăn, từng biển số thứ tự chỉn chu, nhân viên công vụ ngồi tăm tắp, gõ bàn phím thành thạo tạo cảm giác rất ấn tượng. Tôi hiểu rằng chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng về một thế hệ nhân viên công vụ thế hệ mới với cách thức làm việc và tư duy mới", bạn đọc Ngọc Ẩn chia sẻ.
Cảm ơn bạn đọc đã tin tưởng và đồng hành với Tuổi Trẻ.
Mong tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh của bạn đọc qua điện thoại đường dây nóng và Zalo 23658458, email [email protected], [email protected], fanpage Tuổi Trẻ, hoặc mục Bình luận dưới các tin bài trên tuoitre.vn.
BÌNH LUẬN HAY