14/07/2025 05:49 GMT+7

Phải đi từng ngõ gõ từng nhà để kêu gọi tháo 'chuồng cọp' giữ mạng sống

Thời gian qua, nhiều gia đình vì lo sợ trộm cắp mà tự ý lắp "chuồng cọp" kiên cố, bao kín ban công hoặc cửa sổ. Tuy nhiên, hành động tưởng như an toàn này lại tiềm ẩn hiểm họa chết người khi xảy ra sự cố cháy nổ.

chuồng cọp - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng vận động cư dân chung cư Bình Trưng cắt “chuồng cọp” - Ảnh: MINH HÒA

Sau vụ hỏa hoạn tối 6-7 tại cư xá Độc Lập (phường Phú Thọ Hòa, TP.HCM) khiến 8 người thiệt mạng, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương ở TP.HCM đồng loạt ra quân "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" vận động người dân tháo dỡ, cắt một phần "chuồng cọp" để tạo lối thoát nạn nếu lỡ xảy ra hỏa hoạn.

Thực tế đã ghi nhận không ít vụ cháy dẫn đến thương vong do nạn nhân không thể thoát ra vì mắc kẹt bởi cái lồng sắt mà gia đình đã cho rào dựng trước đó.

Hướng dẫn trực tiếp từng nhà

Sáng 13-7, phóng viên Tuổi Trẻ đã theo chân Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 17 thuộc Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM phối hợp chính quyền địa phương đến chung cư A4 Phan Xích Long, phường Cầu Kiệu (phường 7, quận Phú Nhuận cũ) vận động, hướng dẫn các cư dân tháo dỡ, cắt một phần "chuồng cọp" tạo lối thoát nạn.

Đến một căn hộ ở lầu 3 chung cư A4 Phan Xích Long có lắp "chuồng cọp" bít bùng khu vực ban công, cán bộ cảnh sát phòng chứa chữa cháy khu vực 17 trao đổi, vận động, tuyên truyền với chủ hộ về mối nguy hiểm của lồng sắt khi xảy ra hỏa hoạn.

"Nhà tôi có lắp lồng sắt bít bùng, tôi xem báo đài thấy nhiều vụ cháy xảy ra không có lối thoát nạn rất là nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng. Hôm nay được lực lượng chức năng vận động, giải thích sự nguy hiểm của nó. 

Việc lắp lồng sắt để bảo vệ tài sản khỏi bị trộm cắp, nhưng khi xảy ra cháy thì bảo vệ tính mạng quan trọng hơn tài sản. Nên tôi đã hiểu rõ và sẽ cắt bỏ lồng sắt ngay trong ngày hôm nay để đảm bảo lối thoát nạn, phòng ngừa khi xảy ra cháy", ông Trương Văn Dũng (62 tuổi, ngụ chung cư A4 Phan Xích Long) chia sẻ.

Còn tại căn hộ của anh Võ Khanh Bằng (41 tuổi, ngụ lô D chung cư A4 Phan Xích Long), lực lượng chức năng đã hỗ trợ anh Bằng cắt bỏ lồng sắt ngay lập tức. "Sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền vận động, tôi thấy đã đến lúc phải chung tay cùng nhau tháo dỡ "chuồng cọp", không để ngôi nhà của mình thành chiếc bẫy vô hình nữa", anh Bằng chia sẻ.

Đại diện Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 17 cho biết lực lượng đang thực hiện phương châm "đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà" để tuyên truyền, vận động, giải thích nguy cơ, ý nghĩa... việc tháo dỡ "chuồng cọp", đã giúp cho các hộ dân nhận thấy việc lắp đặt "chuồng cọp" thật sự là nguy hiểm khi xảy ra cháy nổ tại chung cư.

Thời gian tới, đội sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ cho các tập thể và cá nhân trên địa bàn; khuyến khích các hộ dân tự trang bị đầy đủ dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo quy định.

Vận động tốt, người dân nghe theo ngay

Cùng ngày, tại chung cư Bình Trưng (phường Bình Trưng, TP.HCM), đại diện Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 2 (thuộc Phòng PC07) cũng phối hợp chính quyền địa phương và ban quản trị tuyên truyền vận động người dân tháo dỡ hoặc cắt một phần "chuồng cọp".

Căn hộ của bà Bùi Thị Thủy Tiên (46 tuổi, ngụ lô E chung cư Bình Trưng) có lắp lồng sắt, sau khi được lực lượng chức năng vận động và giải thích, chị Tiên đồng ý cắt ngay. Bà Tiên cho hay đã sinh sống tại chung cư Bình Trưng được 20 năm. 

Khi mới về ở, do lo lắng việc bị trộm đột nhập từ ban công nên lắp lồng sắt. Thời gian gần đây bà thấy nhiều vụ cháy chết người nên cũng lo lắng về việc khi xảy ra cháy không có lối thoát nạn.

Tuy nhiên, tại tầng trệt lô A và lô D của chung cư này còn tình trạng cư dân tự ý chiếm dụng hành lang và giếng trời để làm khu vực để xe, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và không đảm bảo lối thoát nạn khi xảy ra hỏa hoạn.

Trung tá Đào Hồng Khanh, phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khu vực 2 (Phòng PC07), cho biết mỗi hộ gia đình cần chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn cho người trong gia đình, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ, khi có sự cố cháy xảy ra. 

Chẳng hạn dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng; treo chìa khóa cửa ở vị trí dễ thấy, dễ lấy và thống nhất các thành viên trong gia đình biết; chuẩn bị sẵn thang, thang dây và các dụng cụ phá dỡ thông thường như búa, kìm cộng lực, xà beng.

Vào sáng 12-7, 33 đội trực thuộc Phòng PC07 phối hợp chính quyền địa phương đã đồng loạt ra quân tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy kết hợp vận động người dân tháo gỡ "chuồng cọp" tại các cư xá, chung cư, nhà ở nhiều căn hộ trên địa bàn TP.HCM. Việc vận động người dân tháo dỡ các "chuồng cọp" sẽ được đội duy trì thường xuyên đến khi "Thành phố không còn chuồng cọp" trên địa bàn.

Cụ thể là vào hai ngày cuối tuần, Phòng PC07 sẽ ra quân tuyên truyền nhắm đến cả các nhà dân có gắn lồng sắt và các biển quảng cáo, biển hiệu và che chắn các lối thoát nạn khẩn cấp.

Tháo 'chuồng cọp' để giữ mạng sống - Ảnh 2.Nhiều cư dân chung cư ở TP.HCM tháo 'chuồng cọp', mở lối thoát nạn sau vụ cháy cư xá Độc Lập

Ngày 12-7, TP.HCM đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ 'chuồng cọp' và mở lối thoát nạn ở chung cư cao tầng, chung cư cũ nhằm đảm bảo cứu nạn cứu hộ khi xảy ra cháy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0