
Ông Hoàng Văn Thức - cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - Ảnh: VGP
Với Chỉ thị 20 của Thủ tướng về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, ông Hoàng Văn Thức - cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho rằng đã đưa ra nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường một cách tổng thể. Trong đó bao gồm việc xử lý ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nước thải, sông ngòi, rác thải…
Cấp bách có giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường
Các giải pháp cấp bách trên xuất phát từ thực tế, đó là chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường không khí suy giảm ở các đô thị lớn. Qua các chỉ số quan trắc cho thấy trước năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19, chất lượng không khí có suy giảm tại một số đô thị lớn, trong đó có Hà Nội.
Nhưng trong thời kỳ diễn ra đại dịch, hầu như các hoạt động sản xuất, hoạt động của cá nhân, hoạt động đi lại, giao thông giảm thiểu, nên chất lượng môi trường không khí ở đô thị, đặc biệt tại Hà Nội là tốt.
Năm 2023 khi kinh tế phục hồi, chỉ số ô nhiễm không khí tăng lên. Đặc biệt, từ cuối năm 2024 đến nay ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, phó viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, cho rằng ô nhiễm không khí tác động lớn đến sức khỏe con người. Trong đó có các bệnh liên quan tới đường hô hấp, tim mạch, làm suy giảm hệ miễn dịch, gây ra bệnh thần kinh, lão hóa sớm và tổn thương võng mạc mắt…
Thực trạng này, theo ông Sơn, sẽ gây quá tải bệnh viện và làm chi phí khám chữa bệnh tăng lên, suy giảm khả năng lao động, ảnh hưởng năng suất lao động, chất lượng cuộc sống và sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội.

Ông Dương Đức Tuấn, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - Ảnh: VGP
Nhiều giải pháp chuyển đổi xe cá nhân
Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ông Dương Đức Tuấn, phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết thành phố đã triển khai nhiều giải pháp lớn mang tính tổng thể. Đơn cử như việc xử lý nhằm hồi sinh những dòng sông bị ô nhiễm như sông Tô Lịch; xử lý chất thải rắn, xây dựng hệ thống nhà máy đốt rác phát điện, kiểm soát quy trình thu gom, xử lý rác thải; xử lý chất thải rắn, chất thải độc hại.
Tuy nhiên với xử lý ô nhiễm không khí, ông Tuấn cho rằng đây là thách thức vô cùng lớn, khi các phương tiện giao thông chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) được xem là tác nhân chính, chiếm tới 60% tỉ lệ phát thải ra môi trường. Do đó ông cho rằng việc thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng là cần thiết, cấp bách và là xu thế tất yếu.
“Hệ quả của ô nhiễm môi trường là ảnh hưởng kinh tế xã hội, đời sống người dân. Chỉ thị 20 của Thủ tướng đã đưa ra một số nhiệm vụ cấp bách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, cho thấy vấn đề đã trở nên cấp bách” - ông Tuấn bày tỏ. Ông nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng đưa ra: Từ 1-7-2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong vành đai 1.
Theo ông Tuấn, hiện Hà Nội có khoảng 8 triệu xe cá nhân, gồm 1,1 triệu ô tô và 6,9 triệu xe máy. Trong vành đai 1 có khoảng 450.000 xe, dân số là 600.000 người, chủ yếu là xe sử dụng xăng dầu. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí, khi có 70% là xe cũ.
Do đó để thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình với các giải pháp cụ thể. Bao gồm việc hỗ trợ nhân dân chuyển đổi phương tiện sử dụng xăng dầu sang nhiên liệu xanh, trước hết áp dụng cho người dân trong khu vực vành đai 1, mở rộng ở khu vực vành đai 2.
Cùng đó kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng phương tiện xe đưa ra chế độ ưu đãi nhất khi chuyển đổi phương tiện, hỗ trợ giá... Hỗ trợ 100% lệ phí trước bạ, đăng ký... cho xe điện; chuẩn hóa và quy hoạch lại hệ thống trạm sạc, sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Ngoài ra để đảm bảo an toàn cho các đối tượng sử dụng, thành phố cũng sẽ có giải pháp liên quan đến sử dụng pin xe điện, phòng cháy chữa cháy với hạ tầng và tiêu chuẩn, quy chuẩn đồng bộ, hiện đại; có trạm đổi pin xe với sự tham gia của nhiều hãng, tránh độc quyền.

Bản đồ đường vành đai 1-2-3 của Hà Nội - Ảnh: Bộ Xây dựng
Thêm tuyến xe buýt cỡ nhỏ để tăng sử dụng giao thông công cộng
Ông Tuấn cũng cho hay thành phố sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông công cộng, trên cơ sở tổ chức lại mạng lưới giao thông đa phương thức, cấu trúc lại hệ thống xe buýt, chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện vào năm 2030.
Trong đó sẽ tăng cường các xe buýt quy mô 8-12 chỗ, taxi điện hoặc xe điện trung chuyển quy mô 4-5 chỗ ngồi. Mạng lưới này sẽ được tích hợp với hệ thống đường sắt đô thị, để từ đó tăng tỉ lệ sử dụng giao thông công cộng từ mức 20% hiện nay lên mức 35-40%.
“Đây không phải là hạn chế ngay phương tiện cá nhân, mà là chuyển đổi. Mục tiêu là nhằm tăng tỉ lệ vận tải hành khách công cộng, xác lập hệ thống xe buýt, đường sắt đô thị. Tổ chức mạng lưới hệ thống giao thông công cộng đa phương thức thích hợp nhất, phù hợp nhất” - ông Tuấn nhấn mạnh.
BÌNH LUẬN HAY