
Cận cảnh bàn tay robot gắn da hydrogel - Ảnh: Đại học Cambridge
Không còn là phim ảnh, robot ngày nay đang dần có khả năng cảm nhận lực chạm, nhiệt độ và cả tổn thương. Mục tiêu không phải để gán cho robot cảm xúc, mà để giúp chúng phản ứng linh hoạt, học hỏi từ va chạm và hỗ trợ con người an toàn hơn trong môi trường thực tế.
Từ phim viễn tưởng đến phòng thí nghiệm: robot bắt đầu biết "cảm nhận"
Trong nhiều năm, ý tưởng robot có thể cảm nhận bằng xúc giác chỉ xuất hiện trong phim ảnh. Ngoài đời khái niệm này bị xem là không cần thiết vì robot vốn là công cụ vô cảm. Nhưng chính điều đó lại trở thành rào cản khi robot được dùng để hỗ trợ con người trong môi trường thực tế.
Thực tế cho thấy, khi robot làm việc trong không gian sống hoặc bệnh viện, thiếu khả năng phản xạ với các tình huống bất thường có thể dẫn đến rủi ro. Điều này khiến giới khoa học bắt đầu đặt lại câu hỏi: liệu robot có nên "cảm nhận" như con người để xử lý tình huống tốt hơn?
Để trả lời, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Cambridge và UCL đã phát triển lớp da nhân tạo làm từ hydrogel dẫn điện, có thể mô phỏng cách da người truyền tín hiệu cảm giác. Lớp da này giúp robot ghi nhận những kích thích vật lý từ môi trường một cách chính xác.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nhiều trung tâm nghiên cứu khác cũng đang theo đuổi hướng này, như Viện Max Planck ở Đức hay Đại học Quốc gia Seoul, với các công nghệ da mềm có thể tự phục hồi và tạo phản hồi xúc giác chính xác.
Robot có xúc giác để hành động thông minh hơn
Cảm giác tổn thương trên robot không nhằm tái tạo cảm xúc như con người, mà để phục vụ một mục tiêu rất thực tế: giúp robot phản xạ thông minh và an toàn hơn trong quá trình làm việc. Việc tích hợp lớp da nhân tạo có thể phát hiện lực tác động hay nhiệt độ bất thường giúp robot nhận ra khi có nguy cơ gây tổn thương cho chính nó hoặc cho người đang tương tác.
Khi robot được lập trình để "cảm nhận đau", chúng sẽ điều chỉnh lực, thay đổi tư thế hoặc dừng thao tác nếu nhận thấy có điều gì bất thường. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng trong môi trường y tế, nơi robot có thể hỗ trợ bệnh nhân hoặc người cao tuổi. Một robot y tá với da cảm biến sẽ nhẹ tay hơn, biết "lùi lại" nếu gặp lực cản, tránh làm đau người bệnh.
Trong lĩnh vực cứu hộ, cảm giác về nhiệt độ hay lực chấn giúp robot xác định được vùng nguy hiểm và nhanh chóng rút lui. Công nghệ này cũng được kỳ vọng hỗ trợ người khuyết tật: lớp da điện tử gắn vào tay máy giúp họ nhận được phản hồi xúc giác mỗi khi cử động.
Theo giáo sư Fumiya Iida, mục tiêu của nhóm là phát triển khả năng phản xạ tự bảo vệ cho robot chứ không phải nhằm tạo ra cảm xúc.
Từ xúc giác đến cảm xúc: Giới hạn công nghệ ở đâu?
Khi robot có thể phản ứng với lực tác động, thay đổi nhiệt độ hoặc nhận biết vết cắt, nhiều người bắt đầu đặt câu hỏi: Liệu máy móc có đang tiến gần đến những vùng cảm xúc vốn chỉ có ở con người? Dù những phản xạ này hoàn toàn là kết quả của lập trình, chúng lại ngày càng giống với cách con người thể hiện sự đau đớn, cảnh giác hay sợ hãi.
Chính sự giống nhau này khiến ranh giới giữa xúc giác và cảm xúc trở nên mờ dần trong mắt người sử dụng. Nếu một robot có vẻ ngoài giống người và biết rút tay lại khi gặp nguy hiểm, người dùng rất dễ gắn bó tình cảm, thậm chí cảm thấy được thấu hiểu.
Trong các lĩnh vực như chăm sóc tâm lý, giáo dục trẻ nhỏ hay dịch vụ khách hàng, điều này có thể trở thành công cụ tạo thiện cảm. Nhưng cũng có nguy cơ tạo ra ảo giác rằng robot thật sự đang cảm xúc, từ đó dẫn đến lệ thuộc hoặc hiểu sai về công nghệ.
Các nhà khoa học nhấn mạnh rằng robot không thật sự cảm thấy đau, không có ý thức hay tình cảm. Tất cả hành vi chỉ là phản hồi theo các quy tắc được thiết kế sẵn. Vấn đề nằm ở chỗ con người có thể diễn giải những phản ứng đó như biểu hiện cảm xúc, và đó chính là giới hạn công nghệ mà xã hội cần đối thoại một cách rõ ràng hơn trong tương lai gần.
BÌNH LUẬN HAY