01/05/2025 06:03 GMT+7

Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp quốc gia

Tác giả Nguyễn Trung Dân hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York, Mỹ.

khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam từ chỗ phải nhập khẩu lương thực ngày nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới, là một trong những nước xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng công nghệ như smartphone, tivi, máy tính xách tay… điều mà cách đây 20 năm không ai dám mơ tới.

Nhìn thẳng

Ngay cả Tổng Bí thư Tô Lâm cũng từng thừa nhận mặc dù có những thành tựu to lớn, hàm lượng và giá trị sản phẩm của Việt Nam trong các mặt hàng xuất khẩu đó là rất thấp.

Trong khi các nước phát triển trên thế giới đang tiến như vũ bão trên khía cạnh công nghệ, nền kinh tế của chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào gia công lắp ráp, đóng góp chủ yếu là sức lao động, trong khi lại phải chịu nhiều ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, rác thải công nghiệp, áp lực quá tải về hạ tầng cơ sở.

Tình trạng kéo dài đã nhiều năm, nhiều bàn thảo, nhận định, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa thật sự giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả.

Sự phát triển công nghệ tại Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hệ thống các công ty công nghệ phát triển hài hòa. Có thể nói Việt Nam đang thiếu một hệ sinh thái bao gồm từ hệ thống pháp lý đến chính sách hỗ trợ các công ty công nghệ, đặc biệt các công ty khởi nghiệp, cũng như một hệ thống đào tạo thích ứng.

Đặc biệt quan trọng: Việt Nam còn thiếu các quỹ đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Tựu trung là chúng ta đang thiếu một nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp vốn đã là động lực cho nhiều nền kinh tế năng động trên thế giới.

Nói đến nền kinh tế khởi nghiệp, ai cũng biết rất nhiều đại công ty công nghệ cao như Apple, Nvidia, Microsoft, Google, Amazon, Facebook… có xuất phát điểm là các công ty khởi nghiệp chỉ với vài người và số vốn ít ỏi, nhưng họ đã thành công và trở thành các trung tâm đổi mới sáng tạo làm thay đổi sâu sắc mọi mặt trong đời sống xã hội trên toàn thế giới.

Câu chuyện Steve Jobs bỏ học và thành lập Công ty Apple ở tuổi 21 trong nhà xe của bố mẹ năm 1976, và ngày nay Apple là công ty lớn nhất toàn cầu với giá trị hơn 3.000 tỉ USD là tiêu biểu.

Từ năm 1976 đến lúc ông mất năm 2011, Steve Jobs đã giúp làm biến đổi một cách căn bản bảy ngành công nghiệp khác nhau như máy tính cá nhân, phim hoạt hình, âm nhạc, điện thoại, máy tính bảng, cửa hàng bán lẻ và xuất bản kỹ thuật số.

Đóng góp của ông với cuộc cách mạng tin học cũng hết sức quan trọng, góp phần làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của mọi người dân trên hành tinh.

Nhưng thành quả đó không chỉ dựa duy nhất vào thiên tài của Steve Jobs, mà phần lớn là nhờ thiên tài đó gặp được sự hỗ trợ tuyệt vời của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nền kinh tế khởi nghiệp mà anh được thụ hưởng.

Nhìn xa

Tinh thần khởi nghiệp đã có ở châu Âu từ rất sớm, đặc biệt ở Anh từ thế kỷ 18 và ở Đức từ thế kỷ 19. Tinh thần đó đã trở thành lối sống và suy nghĩ của nhiều thế hệ ở Mỹ, điển hình nhất phải kể đến thần đồng phát minh Thomas Edison, Alexander Bell (phát minh ra điện thoại), Henry Ford (dây chuyền sản xuất xe hơi), hay gần đây hơn là các công ty khởi nghiệp với các ông trùm công nghệ cao ở lứa tuổi 20-30, có người bỏ học giữa chừng như Bill Gates (Microsoft), Steve Jobs (Apple) hay từ khi chưa ra trường như Zuckerberg (Facebook), Larry Page, Sergey Brin (Google)…

Theo nghiên cứu của nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Robert Solow, đổi mới công nghệ, đặc biệt là các đổi mới do các công ty khởi nghiệp tạo ra, là nguồn tăng trưởng năng suất cao nhất ở Mỹ.

Dữ liệu của Cục Điều tra dân số Mỹ cho thấy hầu hết mức tăng trưởng việc làm ở Mỹ từ năm 1980 - 2005 đều đến từ các công ty khởi nghiệp dưới 5 năm. Nếu không có các công ty khởi nghiệp, việc làm hằng năm ở Mỹ trong thời gian đó thực sự là tăng trưởng âm.

Israel cũng là một tấm gương về tinh thần khởi nghiệp. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc: GDP năm 1950 là gần 13 tỉ shekel (tiền Israel) lên đến 1.300 tỉ shekel năm 2020.

Đó không chỉ là câu chuyện về đặc tính dân tộc hay do địa chính trị, mà thực ra là tổng hòa của nhiều điều, bao gồm tác động từ các chính sách của chính phủ, cũng như tinh thần khởi nghiệp của người dân đã góp phần làm nên kỳ tích.

Chẳng hạn năm 2008, các quỹ đầu tư mạo hiểm vốn chủ yếu đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, tính bình quân đầu người ở Israel lớn gấp 2,5 lần so với Hoa Kỳ, hơn 30 lần so với châu Âu, 80 lần so với Trung Quốc và 350 lần so với Ấn Độ.

Nếu so sánh với các con số tuyệt đối thì Israel - một quốc gia chỉ có 7,1 triệu dân (2008) - đã thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, bằng với lượng vốn chảy vào Vương quốc Anh có 61 triệu dân, bằng tổng số của cả hai nước Đức và Pháp với 145 triệu dân. Rất nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới đã mua lại các công ty khởi nghiệp của Israel để lập ra các trung tâm R&D ở Israel…

Tinh thần khởi nghiệp cũng là một đặc điểm quan trọng đưa nước Nhật bại trận sau Thế chiến thứ 2 trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Câu chuyện SONY từ một công ty nhỏ đã nhạy bén trước công nghệ bán dẫn, nhanh chóng mua bản quyền transistor của Bell Labs (Mỹ), sản xuất rồi chiếm lĩnh thị trường điện tử dân dụng ở Mỹ, để rồi trở thành gã khổng lồ lớn nhất thế giới về điện tử dân dụng trong một thời gian dài.

Hay như câu chuyện về Soichiro Honda thành lập công ty chỉ với số vốn 450.000 yen (khoảng 2.200 đô la thời đó). Trong một phân xưởng rộng 16m2, 12 nhân viên của ông gắn các động cơ nhỏ vào các xe đạp biến chúng thành các xe máy rất được ưa chuộng do vừa có sức chở lớn vừa có thể luồn lách vào các ngõ ngách chật hẹp ở các thành phố.

Thành công của các chiếc xe đạp gắn máy đó đã mở đường cho Honda trở thành công ty sản xuất xe động cơ hai bánh lớn nhất thế giới vào năm 1959 với 400 triệu sản phẩm. Xe động cơ hai bánh của Honda nổi tiếng đến mức người Việt thường đồng nghĩa Honda với xe máy.

Tại sao các quốc gia xây dựng thành công nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp như vậy dù các công ty khởi nghiệp thường có tỉ lệ thất bại cao?

Như trường hợp Israel, văn hóa và các luật lệ phản ánh một thái độ đặc biệt: tìm cách đưa các doanh nhân thất bại quay trở lại hệ thống để sử dụng kinh nghiệm của họ, cho họ cơ hội làm lại, thay vì kỳ thị và gạt họ ra ngoài lề. Israel là một trong những nơi dễ dàng nhất trên thế giới để thành lập một công ty mới, ngay cả sau khi bị phá sản.

Nhiều nghiên cứu cho thấy khi một doanh nhân thành công, họ có thể sẽ làm thay đổi thị trường, nhưng ngay cả khi họ thất bại, họ vẫn tạo ra áp lực cạnh tranh với những công ty đang hoạt động và do đó kích thích sự thay đổi tích cực.

khởi nghiệp  - Ảnh 2.

Xắn tay vào việc

Để vươn lên trở thành một quốc gia có nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần phải xây dựng một nền kinh tế với "tinh thần khởi nghiệp quốc gia", trong đó các công ty khởi nghiệp là một thành phần quan trọng.

Việc đầu tiên là phải xây dựng một hệ sinh thái cho một nền kinh tế như vậy, bắt đầu bằng ban hành luật lệ phù hợp và hình thành các quỹ đầu tư của nhà nước cũng như của tư nhân hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ.

Bài học kinh nghiệm của nước Mỹ về quỹ "Đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ", chỉ với 2% quỹ R&D của liên bang nhưng đã đóng góp tới 20% các phát minh quan trọng của cả thế giới, với số bằng sáng chế lớn hơn tất cả các đại học cộng lại; giúp hàng chục ngàn công ty khởi nghiệp thành công, tạo ra hàng triệu việc làm có lương cao, đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề của quốc gia.

Hay như quỹ "Big Fund" của Chính phủ Trung Quốc từ năm 2014 đến nay đã đầu tư cho các công ty công nghệ với số tiền hàng chục tỉ đô la (2014-2019: 21,8 tỉ đô la, 2019-2024: 29 tỉ đô la và mới đây 2025-2029: 47,5 tỉ đô la).

Không có các quỹ này sẽ không có được các thành công gây chấn động gần đây của các công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra bài học của Israel là các công ty khởi nghiệp có thể thu hút và hợp tác hữu hiệu nhất với các đại công ty công nghệ cao của thế giới...

Một nền kinh tế công nghệ không thể hoạt động được nếu không có nguồn nhân lực được đào tạo một cách chuẩn mực. Tất cả điều đó đều cần đến vai trò quan trọng của nhà nước, từ hoạch định chính sách đến điều hành và thúc đẩy phát triển các nhân tố của hệ sinh thái cho nền kinh tế đó.

Một ví dụ cụ thể rất gần với chúng ta. Từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu đạt được những đột phá lớn về "các công nghệ và ứng dụng AI đạt trình độ dẫn đầu thế giới vào năm 2025".

Bộ Giáo dục Trung Quốc đã phê duyệt 440 trường đại học đào tạo sinh viên chuyên về AI nhằm phát triển nguồn "tài năng AI", thúc đẩy phát triển hệ sinh thái cho công nghệ AI. Đến năm 2022 Trung Quốc đã cung cấp gần một nửa số các nhà nghiên cứu AI của cả thế giới. Ngày 20-1-2025, Công ty DeepSeek của Trung Quốc đã cho ra mắt mô hình AI làm chấn động thế giới.

DeepSeek tuyên bố các mô hình AI của họ sử dụng chip đơn giản có năng lực tính toán thấp hơn, rẻ hơn hàng chục lần so với các mô hình tương đương của Mỹ.

Chỉ trong ngày 21-1-2025, thị trường tài chính của Trung Quốc đã thu hút được 1,3 nghìn tỉ đô la, trong đó có đến 700 tỉ là do các quỹ đầu tư quốc tế chuyển vốn từ thị trường Ấn Độ. Rõ ràng tinh thần khởi nghiệp đã bén rễ và phát triển ở Trung Quốc, đem lại vô số lợi ích cho quốc gia và dân tộc của họ.

Nhìn lại những thành tựu đã đạt được và những điều chưa làm được sau 50 năm, đã đến lúc không thể chậm trễ hơn nữa, Việt Nam cần phải xây dựng một tinh thần khởi nghiệp quốc gia sao cho chỉ sau một thời gian 10-15 năm nữa Việt Nam sẽ có một nền kinh tế năng động, phát triển với tốc độ cao trên thế giới.

Khoa học, công nghệ - nhất là công nghệ cao, là con đường tất yếu để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và tạo bệ phóng cho sự "hóa rồng". Không có con đường nào khác.

Ngoài kỳ vọng vào lớp trẻ đang hết sức nhanh nhạy với thế giới công nghệ, nhà nước cũng cần có vai trò thật tích cực, phải là "Nhà nước đổi mới sáng tạo - kiến tạo phát triển" - loại hình từng dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan cất cánh.

Công nghệ là then chốt

Đây chính là thời điểm để hành động, để kiến tạo một Việt Nam thịnh vượng, năng động và ngày một vươn xa trên trường quốc tế.

Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới. Đây là yếu tố then chốt giúp kinh tế tư nhân bứt phá và vươn tầm quốc tế.

Cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân ứng dụng công nghệ, đổi mới sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.

Nhà nước cần tạo khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các lĩnh vực công nghệ mới, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực tiên phong như trí tuệ nhân tạo, blockchain, dữ liệu lớn, thương mại điện tử, công nghệ tài chính và y tế thông minh...

Triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính và ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các start-up, các "kỳ lân công nghệ" mang tên Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm

(trích "Phát triển kinh tế tư nhân, đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng")

----------------------

khởi nghiệp  - Ảnh 3.

Tác giả Nguyễn Trung Dân hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning, New York, Mỹ.

Là tiến sĩ ngành vật lý lý thuyết tại Việt Nam, ông Nguyễn Trung Dân đã có gần 40 năm làm việc tại nhiều học viện quốc tế trong ngành quang bán dẫn trên thế giới: Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (Ý), ĐH Jena (Đức), khoa vật lý ứng dụng ĐH Tokyo (Nhật), ĐH Huế (Việt Nam), ĐH Arizona (Mỹ).

Ông là nghiên cứu chính, tác giả của hơn 100 công trình khoa học về lĩnh vực quang học, quang tử, được sử dụng rộng rãi trong nhiều trường đại học và các công ty công nghệ cao.

Thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp quốc gia - Ảnh 4.Bộ Khoa học và Công nghệ viết đề án quốc gia khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới, khoan dung thất bại

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, sáng tạo và đổi mới là ngày để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (người nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0