
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 20-5, nêu ý kiến thảo luận tổ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng Bộ Công an, nêu rõ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Bộ luật Tố tụng hình sự được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Việc này nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Đồng thời khắc phục bất cập, xử lý một số vấn đề cấp bách, phát sinh trong thực tiễn tiến hành tố tụng hình sự thời gian qua (như thủ tục điều tra, truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc vắng mặt; quy định liên quan đến thi hành án tử hình, giám định tư pháp).
Tránh suy diễn công an cấp xã là một cấp điều tra
Tờ trình dự thảo nêu rõ trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức công an cấp huyện, phù hợp với quy mô của công an xã sau sắp xếp, dự thảo bổ sung quy định điều tra viên là trưởng công an cấp xã hoặc phó trưởng công an cấp xã.
Theo đó, điều tra viên trung cấp trở lên (của cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh) là trưởng công an, phó trưởng công an cấp xã được thủ trưởng cơ quan CSĐT công an cấp tỉnh phân công có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức công an cấp huyện.
Để điều tra viên thuộc cơ quan điều tra là trưởng và phó trưởng công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ các thẩm quyền theo dự thảo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị sửa đổi các quy định về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Việc này để bổ sung các thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác do điều tra viên được bố trí là trưởng, phó công an cấp xã.
Ông nói dự thảo đang giao thẩm quyền điều tra viên cấp xã nên giao nhiệm vụ này sẽ phù hợp hơn vì từ xã đến tỉnh rất xa. Từ đó, ông đề nghị nên cân nhắc để sửa đổi các quy định nêu trên.
Ông cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ hơn để khi vận dụng, tiến hành quy định, tránh trường hợp suy diễn thêm một cấp điều tra.
Từ góc độ cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định "công an cấp xã không phải một cấp điều tra". Mà đây là điều tra viên thuộc cơ quan điều tra được bố trí là trưởng hoặc phó công an cấp xã.
Điều tra viên này thuộc cơ quan cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng dưới chức danh tư pháp là điều tra viên, không phải chức danh hành chính là trưởng, phó công an cấp xã.
Ông đề nghị ban soạn thảo cân nhắc để nêu rõ nội dung này trong dự thảo.
Mỗi xã, phường nên có 1 - 2 điều tra viên để đảm đương nhiệm vụ
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu quan điểm đồng tình với dự thảo luật. Bởi, hiện cơ quan điều tra của công an tỉnh chỉ tập trung một đầu mối.
Ông cho hay công an cấp huyện có thủ trưởng và phó thủ trưởng cơ quan điều tra, nhưng giờ công an huyện không còn nữa.
"Công an tỉnh "xa tít mù mù" vì mở rộng địa bàn hành chính cấp tỉnh. Nếu không tăng cường cán bộ điều tra cho cấp cơ sở, khi có sự vụ, sự việc, công an cấp xã chỉ có nhiệm vụ bảo vệ, quản lý hiện trường, không có quyền điều tra, phải đợi công an tỉnh xuống, phải mất thời gian bao lâu?", ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, để trở thành điều tra viên, trưởng công an cấp xã, phó trưởng công an cấp xã ngoài bằng chuyên môn, họ phải học 6 tháng, rồi thông qua kỳ thi sát hạch.
"Không phải cán bộ công an nào được bố trí làm trưởng công an cấp xã cũng là điều tra viên", ông Hòa nhấn mạnh, và cho rằng có thể yên tâm khi bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên là trưởng hoặc phó trưởng công an cấp xã.
Ông đề xuất mỗi xã, phường nên có 1 - 2 điều tra viên để đảm đương nhiệm vụ khi địa bàn cấp xã mới mở rộng.
BÌNH LUẬN HAY