
Ông Elon Musk đặt nhiều kỳ vọng vào mạng vệ tinh Starlink - Ảnh: FIRST POST
Mạng Starlink hoạt động tại Việt Nam vào quý 4 năm nay
Đó là thông tin được Thứ trưởng Phạm Đức Long chia sẻ tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 14-7.
Theo ông Long, bộ đặt mục tiêu "cấp phép và triển khai thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng vệ tinh quỹ đạo tầm thấp ngay sau khi doanh nghiệp hoàn tất thủ tục đầu tư, thành lập pháp nhân tại Việt Nam, mục tiêu là doanh nghiệp được cấp phép để có thể chính thức triển khai dịch vụ trong quý 4-2025".
Trước đó, Chính phủ đã ban hành quyết định cho SpaceX, công ty do tỉ phú người Mỹ Elon Musk sáng lập, được thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp Starlink.
Theo đó, việc triển khai thêm dịch vụ sẽ hỗ trợ phủ sóng Internet băng rộng tại các vùng sâu, vùng xa, nơi hạ tầng mặt đất chưa hoặc khó tiếp cận.
Thời điểm hiện tại, Tập đoàn SpaceX đang làm việc với Bộ Tài chính để tiến hành các thủ tục thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Tháng 9 năm ngoái, ông Tim Hughes, phó chủ tịch cấp cao SpaceX, đã từng đưa ra đánh giá tích cực về tiềm năng của Việt Nam đối với kế hoạch phát triển Internet vệ tinh của SpaceX.
Vị lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn SpaceX cũng tiết lộ có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD tại Việt Nam trong thời gian tới.
Người từ Tập đoàn Thành Công được đề cử làm sếp PGBank

Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) - Ảnh: PGB
Ngân hàng thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố danh sách nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên độc lập hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Theo đó, ông Bùi Vương Anh được đề cử vào vị trí thành viên độc lập HĐQT. Sinh năm 1974, ông có hơn 24 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực ngoại giao chính trị, kinh tế, thương mại, văn hóa, lãnh sự và bảo hộ công dân, tài chính - kế toán.
Mời bạn đọc xem cập nhật giá vàng mới nhất tại đây
Trước đó, ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như trưởng thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ý; phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương); phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công Thương); tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa liên bang Đức.
Hiện ông là phó chánh văn phòng ban điều hành kiêm trợ lý chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công (TC Group).
Ngoài ra, bà Chu Thị Hường được dự kiến bầu vào vị trí thành viên ban kiểm soát. Bà sinh năm 1979, là cử nhân kinh tế Học viện Tài chính, có 23 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Bà từng đảm nhiệm các chức vụ như trưởng kiểm toán nội bộ, giám đốc khối quản trị rủi ro của ABBank; trưởng ban kiểm soát Công ty Chứng khoán An Bình và hiện giữ vai trò trưởng ban kiểm soát nội bộ TC Group.
Khối ngoại mua ròng gần 12.000 tỉ đồng

Tính từ đầu tháng 7 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 12.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong phiên giao dịch ngày 14-7, khối ngoại tiếp tục duy trì chuỗi mua ròng sang phiên thứ 9 liên tiếp. Tuy nhiên, quy mô giải ngân trong phiên này đã thu hẹp đáng kể so với những phiên trước đó, chỉ còn 54 tỉ đồng.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng gần 12.000 tỉ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Top 5 cổ phiếu được khối ngoại "gom" mạnh nhất gồm: SSI (+2.676 tỉ đồng), FPT (+1.237 tỉ đồng), SHB (+1.041 tỉ đồng), VPB (+772 tỉ đồng), VIX (+566 tỉ đồng).
Ngược lại, khối ngoại bán ròng mạnh các mã: GEX (-425 tỉ đồng), VJC (-309 tỉ đồng, ACV (-207 tỉ đồng), HDG (-190 tỉ đồng), PVS (-177 tỉ đồng).
Như vậy, sau gần 7 tháng, khối ngoại đã có gần 2 tháng trở lại mua ròng, đó là tháng 5 và nửa đầu tháng 7. Nhờ đó, tổng giá trị rút ròng kể từ đầu năm đến nay của khối này còn chưa đến 30.000 tỉ đồng.
105.500 tỉ đồng vừa được vay qua kênh trái phiếu doanh nghiệp
Theo báo cáo của Fiinratings, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 6 tiếp tục tăng mạnh, đạt 105.500 tỉ đồng, tăng hơn 52% so với tháng trước. Trong đó 100% là phát hành riêng lẻ.
Trong 6 tháng đầu năm, giá trị phát hành của thị trường đạt 248.600 tỉ đồng, tăng 71,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với 76,3% giá trị phát hành đến từ tổ chức tín dụng.
Như vậy, với tốc độ này thì năm nay tổng giá trị huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt trên nửa triệu tỉ đồng - tức chỉ kém năm đỉnh cao 2021 với hơn 700.000 tỉ đồng huy động qua kênh vốn này.
Tuy nhiên Fiinratings cho biết về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng chiếm phần lớn với 76,3% trong tổng giá trị phát hành nửa đầu năm 2025, tức 189.700 tỉ đồng.
"Bối cảnh tăng trưởng tín dụng cao buộc các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh phát hành tăng vốn cấp 2 thông qua kênh trái phiếu này. Lý do là tăng trưởng huy động tiền gửi chậm lại một phần do chủ trương giữ lãi suất huy động thấp trong khi ngân hàng vẫn phải duy trì đảm bảo tỉ lệ LDR và hệ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn", Fiinratings cho biết.
Còn lại 23,7% giá trị huy động, tức tương đương khoảng 58.900 tỉ đồng thì trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 67,3%. Điều này dễ hiểu trong bối cảnh nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, giúp cho việc tiếp cận tín dụng và huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp khả thi hơn.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 15-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao

Dự báo thời tiết hôm nay 15-7 tại các vùng miền.

BÌNH LUẬN HAY