
Các đại biểu dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV - Ảnh: quochoi.vn
Quốc hội bàn sửa Bộ luật Hình sự, đề xuất bỏ án tử hình với 8 tội danh
Theo chương trình kỳ họp, sáng nay 20-5, Quốc hội sẽ nghe bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình và nghe báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội sẽ nghe viện trưởng Viện KSND tối cao trình bày tờ trình và nghe báo cáo thẩm tra dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Quốc hội cũng nghe tờ trình dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Ba nội dung này sẽ được Quốc hội thảo luận tổ vào chiều cùng ngày.
Đáng chú ý, tại dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi Chính phủ đề xuất bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính. Dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cụ thể: tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Chính phủ cũng đề xuất nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để đảm bảo tính răn đe để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm như tội phạm về môi trường, hàng giả, an toàn thực phẩm, ma túy…
Việt Nam sắp có người giàu nhất với khối tài sản gần 10 tỉ USD
Kết phiên giao dịch ngày 19-5, cổ phiếu VIC của Vingroup đã tăng kịch trần (7%), đưa thị giá lên 85.600 đồng/đơn vị. Cổ phiếu VIC tiếp đà tăng mạnh đã thúc đẩy khối tài sản ròng của ông Phạm Nhật Vượng - chủ tịch Vingroup - tiến sát mốc 10 tỉ USD.
Cụ thể theo dữ liệu của Forbes, tài sản ròng của ông Vượng đã tăng 456 triệu USD sau một phiên và đang ở mốc 9,7 tỉ USD. Ông Vượng hiện là người giàu thứ 299 trên bảng xếp hạng toàn thế giới. Đây cũng là khối tài sản và vị trí xếp hạng lần đầu tiên một doanh nhân Việt đạt được.
Được biết ông Phạm Nhật Vượng đang sở hữu trực tiếp 691,3 triệu cổ phiếu VIC và nắm giữ gián tiếp qua các công ty riêng như Xanh SM, VMI hay Vietnam Investment Group. Ông cũng giữ lượng lớn cổ phiếu của VinFast qua các công ty riêng.
Tiền gửi của dân cư vượt của doanh nghiệp, đạt 7,3 triệu tỉ đồng

Tiền gửi của người dân vào ngân hàng đạt 7,3 triệu tỉ đồng - Ảnh: HOÀNG GIÁM
Thống kê mới nhất về lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước công bố hôm 19-5. Theo đó, tính đến cuối tháng 2, tổng số tiền gửi tiết kiệm của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt 7,366 triệu tỉ đồng, tăng 4,26% so với cuối năm 2024. Lượng tiền gửi của dân cư liên tục tăng, tháng sau cao hơn tháng trước suốt hơn 2 năm qua.
Trái lại, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế rút bớt tiền ra. Đến cuối tháng 2, lượng tiền gửi tiết kiệm của nhóm đối tượng này là 7,362 triệu tỉ đồng, giảm gần 4%, tương ứng với 305.000 tỉ đồng so với cuối năm 2024.
Theo các chuyên gia kinh tế, xu hướng trên là điều dễ hiểu bởi người dân đánh giá gửi tiền vào ngân hàng là có lợi và đảm bảo an toàn. Còn đối với doanh nghiệp và tổ chức kinh tế, lượng tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng giảm đi cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc. Tiền được đưa vào lưu thông qua đầu tư, mở rộng nhà xưởng, mua nguyên vật liệu, nhập hàng hóa…
Về lãi suất huy động, các ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn giữ ổn định ở mức thấp trong 2 năm qua. Lãi suất cao nhất là 4,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng trở lên, riêng Vietcombank trả thấp hơn là 4,7%/năm. Ở kỳ hạn ngắn 1-2 tháng, Agribank niên yết mức cao nhất nhóm Big4 là 2,1%/năm, trong khi 3 ngân hàng còn lại là 1,6%/năm.
Còn tại các ngân hàng TMCP tư nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng phổ biến 5-5,2%/năm. Với món tiền lớn, tùy theo từng ngân hàng, lãi suất được trả từ 5,7-9,5%/năm.
TP.HCM yêu cầu đảm bảo cung cấp điện để phát triển kinh tế
UBND TP.HCM nhận định năm 2025, nền kinh tế TP bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển mới. Do đó dự báo nhu cầu phụ tải của TP sẽ tăng trưởng hơn 10% cho cả năm.
Trước tình hình này, UBND TP.HCM giao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Điện lực TP.HCM, Ban Quản lý dự án điện Miền Nam, Công ty TNHH Điện lực Hiệp Phước và chủ đầu tư các dự án điện đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện trên địa bàn.
Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai xây dựng hoàn thành, đưa vào vận hành phát điện dự án nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 (1.200 MW), giai đoạn 2 (1.500 MW) và các đường dây đấu nối, giải tỏa công suất của nhà máy theo đúng tiến độ quy định tại Quy hoạch điện VIII.
Đồng thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong đầu tư, xây dựng các công trình, dự án điện trên địa bàn TP.
Tổng công ty Điện lực Thành phố phải chủ động theo dõi sát tình hình, cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và lập kế hoạch cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện TP.HCM.
Ca mắc COVID-19 ở Việt Nam tăng nhẹ, Bộ Y tế ra khuyến cáo
Theo Bộ Y tế, số ca mắc COVID-19 trên thế giới có xu hướng gia tăng thời gian qua, riêng tại Việt Nam không ghi nhận các ổ dịch tập trung. Tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần. COVID-19 hiện cũng là bệnh lưu hành tại Việt Nam.
Với nhu cầu cao về giao lưu, đi lại của người dân không loại trừ khả năng có thể gia tăng các ca mắc tại nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, ca nặng do biến thể của vi rút COVID-19 có thể sẽ không gia tăng.
Bộ Y tế đã chủ động tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình COVID-19, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt với các nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, người có bệnh nền, người cao tuổi…), không để xảy ra các trường hợp tử vong.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng hay hoang mang. Người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi đông người hoặc trên phương tiện công cộng; hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết); rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi.
Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực và dinh dưỡng hợp lý để nâng cao thể trạng; khi có biểu hiện ho, sốt, khó thở cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn kịp thời; người dân trở về từ quốc gia có dịch cần chủ động theo dõi sức khỏe và phòng ngừa lây lan cho người thân và cộng đồng.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 20-5. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao .

Dự báo thời tiết hôm nay 20-5 tại các vùng miền

BÌNH LUẬN HAY