23/07/2025 05:45 GMT+7

Trao quyền để người bệnh được sống những ngày cuối đời ý nghĩa

BÌNH MINH
và 1 tác giả khác

Những năm gần đây, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã triển khai thực hành kỹ năng thông báo tin xấu và hỗ trợ người bệnh lập kế hoạch cuối đời, đặc biệt là ở các bệnh nặng như ung thư.

người bệnh - Ảnh 1.

Bác sĩ Huỳnh Duy Quang chăm sóc bệnh nhi Đ.T.N. (13 tuổi) tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - Ảnh: BÌNH MINH

Đây được xem là một chuyển biến quan trọng trong tư duy chăm sóc y tế hiện đại: trao quyền và đặt người bệnh vào trung tâm của quá trình điều trị, thay vì dựa vào lựa chọn của người thân hoặc bác sĩ.

Lắng nghe và tôn trọng lựa chọn của bệnh nhân

Tiến sĩ Trương Nguyễn Xuân Quỳnh - thành viên Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ, cố vấn công tác xã hội tại Saigon Psychub - cho biết người bệnh cần được thông tin sớm về tình trạng bệnh, có thời gian chuẩn bị tinh thần, tham gia vào việc lập kế hoạch chăm sóc phù hợp với giá trị và kỳ vọng cá nhân, đặc biệt trong giai đoạn cuối đời.

Những điều này giúp họ "chết lành" - một khái niệm ít khi được nhắc đến hiện nay.

Theo bà Xuân Quỳnh, các thực hành này rất phổ biến ở những quốc gia phát triển, được đưa vào giảng dạy và triển khai ở Việt Nam những năm gần đây. Từ năm 2019, Trường đại học Y Dược TP.HCM đã đưa kỹ năng này vào giảng dạy chính thức với mô hình đào tạo mô phỏng và thực hành.

Một số bệnh viện triển khai mô hình chăm sóc đa ngành gồm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xã hội, chuyên viên tâm lý và dược sĩ lâm sàng để đồng hành cùng bệnh nhân trong quá trình này.

Thông báo tin xấu không đơn thuần là nói về bệnh nặng dẫn đến cái chết. Đó là một hành trình, bắt đầu từ khi người bệnh biết mình mắc bệnh nặng đến lúc họ cần lập kế hoạch cuối đời.

Khi tiên lượng sống còn dưới 6 tháng, nhân viên y tế sẽ thảo luận với bệnh nhân về việc quản lý giảm nhẹ các triệu chứng và lập kế hoạch cuối đời, bắt đầu từ việc hiểu kỳ vọng của bệnh nhân.

"Bác sĩ cần trao đổi rõ ràng các phương án điều trị, phân tích lợi hại và hỏi bệnh nhân điều gì là quan trọng nhất với họ. Những câu hỏi này ban đầu khiến người bệnh bất ngờ vì chưa quen với việc được trao quyền quyết định. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ "bắt nhịp" rất nhanh một khi được tư vấn kỹ càng", bà Quỳnh cho biết.

"Nhiều quan niệm truyền thống cho rằng phải "giấu" bệnh nhân về tình trạng bệnh, tránh để người bệnh suy sụp rồi mất ăn mất ngủ, ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Tuy nhiên, nhiều người bệnh đến lúc sắp mất vẫn không biết được tình trạng thực sự. Họ hoảng loạn vì chưa kịp chuẩn bị hay trăn trối gì.

Thực tế người bệnh vẫn đoán biết được tình trạng bệnh dựa trên phản ứng cơ thể, nhưng việc thiếu thông tin do bị "giấu" sẽ khiến họ rất hoang mang", TS Quỳnh nói.

Cốt lõi của chăm sóc cuối đời không nằm ở việc kéo dài sự sống bằng mọi giá, mà là giúp người bệnh sống những ngày còn lại một cách ý nghĩa, đúng với mong muốn của họ. Đó là một hành trình cần sự lắng nghe, kiên nhẫn và thấu cảm - những kỹ năng mà y khoa hiện đại đang ngày càng coi trọng, nỗ lực đào tạo.

"Một khi được đào tạo kỹ năng này, cộng với kiến thức y khoa, các bác sĩ, điều dưỡng, dược sĩ và kể cả nhân viên vật lý trị liệu cũng có thể làm rất chỉn chu. Quan trọng là thay đổi nhận thức, các bệnh viện có sự đầu tư cho đào tạo. Mỗi khóa đào tạo có thể kéo dài từ 2-3 buổi, một tuần hoặc một tháng", bà Quỳnh nói.

Hiện nay có một số bệnh viện đang triển khai mô hình thông báo tin xấu và lên kế hoạch cuối đời như Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bệnh viện Lão khoa trung ương...

Riêng tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM), mô hình cũng được triển khai tại khoa chăm sóc giảm nhẹ nhi.

người bệnh - Ảnh 2.

Bệnh nhân thăm khám tại Trung tâm ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Lắng nghe, nâng đỡ từng vấn đề của bệnh nhi

Trường hợp bệnh nhi 11 tuổi mắc ung thư máu được chuyển từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP.HCM sang Bệnh viện Nhi đồng TP để chăm sóc ngoại trú là một trong những ca ấn tượng của BS Huỳnh Duy Quang - quyền điều hành đơn vị chăm sóc giảm nhẹ Bệnh viện Nhi đồng TP - khi ông được mời hội chẩn và chăm sóc giảm nhẹ cho bé ngay khi có chẩn đoán ung thư.

Sau khi điều chỉnh liều thuốc giảm đau tối ưu, bé được xuất viện, tiếp tục được theo dõi tại nhà và tái khám mỗi tuần sau đó.

Vào những ngày cuối đời của bé, các bác sĩ tại bệnh viện tiếp tục chăm sóc giảm nhẹ cho bé bằng các biện pháp giảm đau giúp bé cảm thấy nhẹ nhàng, không đau đớn, tôn trọng những sự lựa chọn của gia đình để cùng giúp nỗi đau của gia đình nguôi ngoai.

BS Nguyễn Trần Nam - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP - cho biết công tác chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện là chuyên ngành được xây dựng và phát triển từ khá lâu tại các bệnh viện trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam thì chỉ thực hiện tại các bệnh viện có lão khoa và ung thư người lớn chứ chưa triển khai tại nhi khoa.

Bác sĩ phải giao tiếp ngang hàng với bệnh nhân, người nhà

Bác sĩ Huỳnh Duy Quang cho hay, trong chăm sóc giảm nhẹ, bác sĩ và bệnh nhân/người nhà giao tiếp ngang hàng với nhau.

Đối với bác sĩ, việc hỗ trợ bệnh nhân và gia đình trong những thời khắc khó khăn mang lại một "điểm cộng về ý nghĩa" cho công việc, giúp họ tự cân bằng cảm xúc của mình.

Do đó từ khi thành lập bệnh viện cách nay 8 năm, ban giám đốc bệnh viện đã chú trọng xây dựng và phát triển khoa chăm sóc giảm nhẹ cho nhi khoa ngay từ đầu và đạt nhiều thành tựu, mặc dù việc đào tạo một bác sĩ nhi khoa làm công tác chăm sóc giảm nhẹ khá khó khăn và hiếm hoi.

BS Quang cho hay, đặc thù của chăm sóc giảm nhẹ là việc đi sâu vào từng trường hợp để thấu hiểu, giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống, nên quá trình lắng nghe và tư vấn mỗi bệnh nhân có thể lên đến 2 tiếng, thậm chí cả buổi, thay vì "chạy đua" với thời gian để kịp khám số lượng lớn bệnh nhân như các bác sĩ nội khoa khác.

Để tạo cơ hội cho bệnh nhi bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ, BS Quang thường chủ động hỏi bệnh nhi "Hôm nay con muốn chia sẻ gì với bác không?".

Theo BS Quang, yếu tố quan trọng nhất là cần giúp gia đình và bệnh nhân cảm thấy an toàn về mặt cảm xúc, điều chỉnh linh động khi cần thông báo tin xấu, tập trung lắng nghe, không phán xét. Đối với bệnh nhi, bác sĩ cần thông qua gia đình trước khi thông báo bệnh tình cho trẻ.

Đối với bệnh nhân đã bước vào giai đoạn tiến triển, bác sĩ sẽ tập trung điều trị triệu chứng nhằm giúp chất lượng cuộc sống cải thiện trong những ngày cuối đời, tránh những đau đớn không cần thiết, đồng thời dự báo các tình huống có thể xảy ra để cả bệnh nhi và gia đình có sự chuẩn bị.

"Thông thường các em bé là bệnh nhân nhưng người lớn và gia đình sẽ đóng vai trò đưa ra quyết định. Tuy nhiên, với quan điểm lấy bệnh nhân làm trung tâm, tùy theo độ tuổi mà bác sĩ có cách tiếp cận khác nhau để bệnh nhi lựa chọn việc có muốn biết tình trạng bệnh của mình không, biết một phần hay toàn phần, thậm chí có muốn tiếp tục điều trị không.

Đặc biệt trẻ em - đây là nhóm người gần như không có tiếng nói và quyền đưa ra quyết định. Nhiều người nghĩ rằng trẻ con chưa hiểu chuyện, không biết mình mắc bệnh, nên quyết định của chúng không hợp lý.

Người bác sĩ cần cố gắng thuyết phục gia đình lắng nghe và thực hiện mong muốn của đứa trẻ nếu có thể", BS Quang nhấn mạnh.

Chuyên môn vững vàng, thấu hiểu nỗi đau bệnh nhân

Là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 về khám và điều trị bệnh ung thư, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã thành lập khoa chăm sóc giảm nhẹ từ năm 2011.

Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, khoa chăm sóc giảm nhẹ hỗ trợ người bệnh từ thể chất đến cảm xúc và xã hội để mang đến chất lượng điều trị tốt hơn.

Song song đó, khoa cũng phối hợp các khoa cận lâm sàng thực hiện các thủ thuật trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - chủ tịch Hội Y học chăm sóc giảm nhẹ Việt Nam, nguyên phó giám đốc bệnh viện - cho rằng bác sĩ chuyên ngành ung thư nói chung và chăm sóc giảm nhẹ nói riêng cần thấu hiểu được nỗi đau bệnh nhân, bên cạnh phải có chuyên môn vững vàng để bệnh nhân ung thư được điều trị hiệu quả nhất.

Trao quyền để người bệnh được sống những ngày cuối đời ý nghĩa - Ảnh 4.Hóa trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể phản tác dụng

Nghiên cứu khoa học của Mỹ công bố cho biết áp dụng phương pháp hóa trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối dường như đem lại kết quả không như mong muốn cho bệnh nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0