08/05/2025 07:59 GMT+7

Trẻ chậm biết đi có thể học giỏi hơn

Thời điểm trẻ bắt đầu biết đi không chỉ là cột mốc phát triển bình thường, mà còn phản ánh những yếu tố di truyền có liên quan đến khả năng học tập và nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

trẻ  - Ảnh 1.

Hầu hết cha mẹ đều lo lắng khi con mình chậm biết đi - Ảnh: AI

Gene ảnh hưởng đến thời điểm trẻ biết đi và thành tích học tập

Nghiên cứu công bố trên Nature Human Behaviour do các nhà khoa học đến từ Đại học Surrey, Đại học Essex và Đại học London thực hiện, phân tích dữ liệu di truyền của hơn 70.000 trẻ em. Kết quả cho thấy thời điểm trẻ biết đi chịu ảnh hưởng đáng kể từ yếu tố di truyền, chiếm khoảng 25% sự khác biệt giữa các trẻ.

Đáng chú ý, các gene khiến trẻ biết đi muộn lại đồng thời liên quan đến thành tích học tập cao hơn sau này. Nghiên cứu cũng phát hiện mối liên hệ giữa việc biết đi muộn và nguy cơ mắc ADHD thấp hơn, một phát hiện đi ngược lại với quan điểm phổ biến trước đây.

Giáo sư Angelica Ronald, chuyên gia tâm lý học và di truyền tại Đại học Surrey, nhận định: "Chúng tôi đã phân tích hàng nghìn biến thể gene phổ biến trong cộng đồng. Những biến thể này không chỉ ảnh hưởng đến thời điểm trẻ biết đi, mà còn liên quan đến trình độ học vấn cao hơn và ít có nguy cơ gặp vấn đề về chú ý hành vi như ADHD. Đây là nghiên cứu di truyền đầu tiên ở quy mô này về hành vi phát triển sớm của trẻ".

Nhóm nghiên cứu đã xác định 11 chỉ dấu di truyền có ảnh hưởng đến thời điểm trẻ bắt đầu biết đi, đồng thời ghi nhận các chỉ dấu này cũng liên quan đến sự phát triển vỏ não (cortex), vùng đảm nhận chức năng tư duy, trí nhớ và ngôn ngữ.

Trẻ em chậm biết đi không phải là điều đáng lo

Hầu hết cha mẹ đều lo lắng khi con mình chậm biết đi. Trẻ thường biết đi trong khoảng từ 8 đến 24 tháng tuổi, với đa số có thể tự đi khi được 18 tháng. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì đây chỉ là mốc tham khảo, bởi mỗi trẻ có tiến trình phát triển riêng.

Tiến sĩ Anna Gui, nhà nghiên cứu tại Đại học Rome Tor Vergata và Đại học Birkbeck London, chia sẻ:

"Từ trước đến nay chúng ta vẫn chưa hiểu rõ vì sao lại có sự khác biệt lớn giữa các trẻ về thời điểm biết đi. Nghiên cứu này cho thấy gene đóng vai trò rất lớn, điều này có thể giúp cha mẹ bớt lo lắng nếu con mình đi muộn hơn các bạn đồng trang lứa".

Trẻ chậm biết đi có thể học giỏi hơn, nguy cơ mắc ADHD thấp hơn - Ảnh 2.

Ngoài di truyền, những yếu tố khác như sức khỏe tổng thể, sức mạnh cơ chân và cơ hội luyện tập đi bộ cũng góp phần vào thời điểm trẻ bắt đầu đi - Ảnh: AI

Các chuyên gia khuyến cáo rằng nếu trẻ đến 18 tháng tuổi vẫn chưa có dấu hiệu đứng vững hoặc tự bước đi, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn phát triển tốt ở các mốc khác như nhận thức, ngôn ngữ, vận động tay chân… thì việc biết đi hơi muộn không hẳn là dấu hiệu đáng lo ngại.

Giáo sư Ronald khẳng định: "Bước đi đầu tiên là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ nhỏ. Việc phát hiện các gene liên quan đến hành vi này mở ra cơ hội hiểu sâu hơn về mối liên kết giữa sự phát triển thể chất và trí tuệ".

Rõ ràng, nghiên cứu đã mở ra một góc nhìn mới về phát triển vận động ở trẻ nhỏ, cho thấy rằng biết đi muộn có thể là biểu hiện của tiềm năng trí tuệ chứ không phải điều tiêu cực như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Trẻ chậm biết đi có thể học giỏi hơn, nguy cơ mắc ADHD thấp hơn - Ảnh 3.Trẻ chậm nói: Nguy cơ do xem nhiều điện thoại, học nhiều thứ tiếng

Theo các chuyên gia, việc xem thiết bị điện tử nhiều, ít giao tiếp xã hội, học nhiều ngôn ngữ… là những yếu tố nguy cơ khiến trẻ chậm phát triển ngôn ngữ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0