
Một khu đất công do Nhà nước quản lý ở Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành cáo trạng, đề nghị tòa án cùng cấp xét xử 17 người trong đại án liên quan đến đất đai xảy ra tại Vũng Tàu. Số tiền trong vụ án lên đến hàng trăm tỉ đồng.
Những người này bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Bị can đầu vụ ở "nhánh" lừa đảo, làm giả giấy tờ, sử dụng tài liệu giả là Nguyễn Văn Thanh (42 tuổi, trú tại Vũng Tàu).
Hồ sơ vụ án thể hiện tháng 9-2023, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp nhận đơn của ông Phạm Công Tuyến (ở TP.HCM) tố cáo vợ chồng Nguyễn Văn Thanh lừa đảo bán cho mình thửa đất rộng hơn 6.400m2, trị giá 22 tỉ đồng ở đường Trần Phú, Vũng Tàu nhưng giấy tờ đất là giả.
Theo đó, Thanh có ý định làm giả giấy tờ nguồn gốc đất đai để hợp thức hóa các thửa đất công do Nhà nước quản lý thành đất cá nhân, rồi lừa bán cho người khác.
Cụ thể từ giữa năm 2018, bị can được Cao Bá Hoài (chuyên viên phòng thông tin - lưu trữ thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho mượn 55 bộ hồ sơ gốc đất đang lưu trữ tại nơi mình làm việc.
Việc Cao Bá Hoài cho Thanh mượn hồ sơ đất đai lưu trữ tại cơ quan nhà nước là trái quy định, vượt thẩm quyền nên cả hai đều bị truy tố trong một vụ án khác.
Khi có hồ sơ gốc, Thanh sao chụp, scan toàn bộ mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức và chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn qua từng thời kỳ.
Kết quả điều tra xác định từ các hồ sơ gốc được Hoài cho mượn, Thanh và đồng phạm đã làm giả ít nhất 69 tài liệu để "hô biến" 13 thửa đất công do Nhà nước quản lý ở Vũng Tàu thành đất cá nhân. Tổng diện tích 13 lô đất lên đến 250.089m2.
Sau đó Thanh bán 11 thửa đất có tổng diện tích 163.500m2 cho Phạm Công Tuyến để chiếm đoạt tổng số tiền hơn 174 tỉ đồng. Một thửa khác có diện tích 30.000m2 Thanh mang gán nợ 1,75 tỉ đồng.

Một trong những khu đất do Nhà nước quản lý ở Vũng Tàu - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Với ông Phạm Công Tuyến, nạn nhân trong hành vi lừa đảo của Thanh nói trên nhưng lại là bị can của hành vi đưa hối lộ. Và từ đó dắt dây theo hàng loạt hành vi vi phạm khác của nhiều người, trong đó có nhiều chuyên viên, cán bộ nhà nước.
Cụ thể sau khi mua đất bằng giấy tờ giả của Thanh, ông Tuyến chuyển số tiền 45,5 tỉ đồng cho Nguyễn Đại Nguyên (50 tuổi, trú quận Tân Phú, TP.HCM), nhân viên của mình, để đưa hối lộ cho những người có chức vụ, quyền hạn giải quyết hồ sơ đất đai, dự án kinh doanh của Tuyến.
Quá trình đi "lo lót" giấy tờ cho sếp, Nguyên đã đưa tiền hoặc qua trung gian, môi giới đưa tiền cho những người chức năng giải quyết hồ sơ. Cũng có người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây ảnh hưởng đến người giải quyết hồ sơ để trục lợi.
Có người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hối lộ. Có người rửa tiền phạm tội của bằng cách đầu tư, mua đất đai, xe ô tô…
Cơ quan chức năng nhận định vụ án trên có tính chất đặc biệt phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cả vật chất và phi vật chất. Việc điều tra gặp nhiều khó khăn do thời gian xảy ra đã lâu, tài liệu phải thu thập từ nhiều nguồn khác nhau và công tác giám định phải thực hiện ở nhiều cấp khác nhau.
Đáng chú ý, trong bị can trong vụ án là công chức, viên chức nhà nước có kiến thức chuyên môn cao, biết che giấu hành vi và trách nhiệm của bản thân…
Tiếp tục điều tra, làm rõ vụ án trong giai đoạn 2
Do thời hạn điều tra đã hết nên các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất kết thúc điều tra giai đoạn 1. Đồng thời tách tài liệu và hành vi liên quan đến vụ án để tiếp tục điều tra, xử lý.
Theo tìm hiểu, ngoài việc in, làm và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để lừa đảo, Thanh còn giữ lại bản gốc mà chỉ trả lại bản "nhái" cho Cao Bá Hoài.
Giai đoạn 2 của vụ án sẽ điều tra làm rõ những bản gốc mà Thanh chiếm đoạt đã sử dụng vào việc gì, hợp thức hóa đất đai ở đâu và những vấn đề khác.
BÌNH LUẬN HAY