
Túi ni lông đựng rau củ tại chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trong khi đó, theo nghị định 08 năm 2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chính phủ yêu cầu từ ngày 1-1-2026 không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50x50cm. Hết năm 2030 dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ một số trường hợp đặc biệt).
Với mốc thời gian rõ ràng, các doanh nghiệp đang "chạy đua" để đáp ứng thị trường và tuân thủ quy định nhà nước.
Túi ni lông sẽ buộc phải tăng giá
Ngày 13-7, ghi nhận tại một chợ ở phường Tân Định (TP.HCM), giá túi ni lông dao động khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg với loại kích thước 50x50cm. Với mua sỉ online giá rẻ hơn chỉ từ 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Tiểu thương tại chợ này cho hay đây vẫn là mức giá thấp vì hàng cũ, "hết số hàng này sẽ bán giá cao hơn khi lô hàng mới có tính thêm thuế. Tuy nhiên, đợt hàng mới giá cao nhưng đa số nhập bao bì gắn với thân thiện môi trường vì bây giờ ai cũng hỏi mua bao bì dễ tiêu hủy", tiểu thương này thông tin.
Trong khi đó, tại một cửa hàng tiện lợi trên đường Nguyễn Văn Trỗi (phường Phú Nhuận), để đựng hàng hóa, khách mua sẽ được đưa bao ni lông có gắn mác tên hệ thống cửa hàng. Nếu khách hàng muốn sử dụng túi ni lông sinh học, phải mua với giá 15.000 - 25.000 đồng/túi tùy kích cỡ.
Tuy vậy, có thông tin vui khi chị Thanh Nga, nhân viên cửa hàng, cho hay lượng khách hàng dùng túi ni lông không mất phí và mua túi sinh học lại "ngang ngang nhau", cho thấy khách có xu hướng dùng túi thân thiện môi trường dù chỉ mua một món hàng nhỏ.
Theo ông Lê Minh Hiệp, phó ban quản lý chợ Bến Thành (phường Bến Thành), trong số các sạp đang hoạt động, 100% tiểu thương có trang bị túi ni lông sinh học, tuy nhiên sử dụng bao nhiêu thì không kiểm soát được.
"Vì một số tiểu thương có in sẵn tên sạp trên túi ni lông để quảng bá cửa hàng nên còn tình trạng dùng túi ni lông kiểu cá thể hóa từng sạp.
Còn nhìn chung "nếp" dùng túi giấy, túi thân thiện môi trường ở chợ vài năm gần đây đã khá lên. Từ ngày TP.HCM vận động thói quen tiêu dùng xanh, tiểu thương chợ Bến Thành sử dụng khá lượng ni lông sinh học, thói quan đã thay đổi rất nhiều", ông Hiệp nói.
Về mặt pháp luật, theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có đưa ra phương pháp quản lý rác thải nhựa, quy định về trách nhiệm của nhà sản xuất đối với thu hồi và tái chế bao bì.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì theo tỉ lệ, quy cách tái chế bắt buộc theo hai hình thức: doanh nghiệp tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Túi ni lông sinh học ở siêu thị tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Tỉ lệ dùng sản phẩm tái chế nội địa dịch chuyển mạnh
Ông Lê Anh, giám đốc phát triển bền vững Công ty nhựa tái chế Duy Tân, cho biết năm 2020 Duy Tân sản xuất 15.000 tấn sản phẩm nhựa tái chế dành cho thị trường trong nước, nhưng sức tiêu thụ chỉ khoảng 3.000 tấn.
Tuy vậy, hiện nay khi gắn trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhiều chương trình hành động quốc gia thì việc sử dụng nhựa tái chế được quan tâm hơn. Ông Anh thông tin năm 2025, Duy Tân sẽ có sản lượng khoảng 49.300 tấn nhựa tái chế và đáng mừng khi tỉ lệ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu không chênh lệch như trước mà đã đến mức 50-50.
"Sản lượng sản xuất và tỉ lệ nội địa tăng trưởng khá lớn, minh chứng cho xu hướng người tiêu dùng ngày càng có thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng sản phẩm bao bì liên quan nhựa tái chế", ông Anh nói.
Hiện giá thành sản phẩm nhựa tái chế còn cao, nhưng ông Anh cho hay việc phân loại rác tại nguồn tốt, tỉ lệ tái chế sẽ tốt hơn và giá thành sẽ giảm.
"Chuyện giá cao chỉ là thời gian đầu. Khi sức tiêu thụ có, nhà máy có nhiều hợp đồng, mở rộng mạng lưới nguyên liệu thì sẽ hạ giá bán sản phẩm" - ông Anh lạc quan.
Là một liên minh các doanh nghiệp thu gom, tái chế bao bì bền vững, Công ty cổ phần tái chế bao bì PRO Việt Nam có sản lượng tái chế bao bì tăng lên mỗi năm. Đại diện công ty cho hay năm 2023 công ty thúc đẩy thu gom, tái chế 13.000 tấn bao bì, tăng lên đến 64.000 tấn vào năm 2024 và năm 2025 tiếp tục tăng 20 - 30%.
"Dự kiến trong năm 2025, PRO Việt Nam sẽ xây dựng mở rộng hệ thống thu gom tái chế, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về khối lượng thu gom và tái chế hằng năm của các thành viên, để thực hiện chiến lược dài hạn trong hoạt động thu gom, tái chế", vị này cho hay.
Không chỉ việc hạn chế dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần, đại diện doanh nghiệp hiện là đối tác cung cấp sản phẩm và dịch vụ đóng gói bao bì cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại điện tử nhìn nhận xu hướng tiêu dùng bao bì xanh đang có sự dịch chuyển tích cực, hiện tăng lên 30 - 40%. Động lực này khiến doanh nghiệp thay đổi đầu tư công nghệ để "chạy kịp" xu hướng bao bì xanh.
"Chúng tôi đang "chạy đua". Ngoài ra về chất liệu sản xuất, chúng tôi tính toán lại thiết kế thể tích, tính năng, hạn chế tối đa không gian thừa để tiết kiệm vật liệu, giảm chi phí vận chuyển. Bởi bản chất của kinh tế xanh cũng là giảm phát thải nhiều nhất có thể", vị này nói.
Dẫn chứng, vị này chia sẻ ví dụ sẽ dùng công nghệ phun một lớp keo nhiệt trên nắp thùng và tạo ra các đường xé răng cưa làm tiện lợi cho người dùng thay cho việc dán nhiều lớp băng keo như trước đây.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Tổng hợp: THẢO THƯƠNG - Đồ họa: N.KH.
Ngành du lịch cũng không đứng ngoài xu hướng xanh
Thông tin từ ngày 1-1-2026 các khách sạn, khu du lịch ở Hà Nội không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, mũ tắm, bao bì nhựa sử dụng một lần, kem đánh răng, sữa tắm... cũng rất được quan tâm trên tinh thần giảm thiểu rác thải nhựa, đón đầu xu hướng du lịch xanh.
Theo chị Đoàn Thị Thảo, hướng dẫn viên du lịch một công ty du lịch tại phường Bến Thành (TP.HCM), những hoạt động du lịch cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Từ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch MICE... luôn phát sinh ra chất thải vì gắn với con người.
Chị Lưu Thị Thu Hương (chủ khách sạn trên đường Thái Văn Lung, TP.HCM) cho biết từ 2-3 năm nay, khách sạn trang bị từ thùng rác, bàn chải đánh răng, dụng cụ đựng sữa tắm từ vật liệu tre, gỗ... và hạn chế dùng túi nhựa ni lông hay nhựa khó tái chế.
"Hiện cả xã hội, cộng đồng hướng tới việc giảm rác thải nhựa nên ngành du lịch hướng đến việc cấm lưu hành đồ nhựa khó tiêu hủy trong khách sạn, tôi rất ủng hộ" - chị Hương nói.
Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, du lịch xanh là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp tích cực cho bảo vệ đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các di sản thiên nhiên và văn hóa, phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường.
"Chỉ còn nửa năm để địa phương như ở Hà Nội, các đơn vị lưu trú, khách sạn sẽ không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, tức là hiện thực hóa về du lịch xanh đang đến rất gần" - bà Thùy Dương, chuyên gia du lịch ở Hà Nội, khấp khởi hy vọng.
Bà Dương cho rằng khi ngành du lịch Việt Nam bứt tốc, có nơi sinh ra quá tải, trong khi đó hệ thống kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước và ngành du lịch chưa theo kịp thì khách sạn, khu lưu trú dễ "qua mặt" ở khâu xử lý chất thải. Từ đó, vô tình túi ni lông, chai nhựa hay đồ dùng làm bằng nhựa tràn lan khắp các điểm đến không được kiểm soát, làm giảm sức hấp dẫn điểm đến và ảnh hưởng xấu tới hình ảnh du lịch quốc gia.
"Vì thế động thái du lịch ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần là hướng đi đúng của du lịch xanh, du lịch bền vững", bà Dương nói.
TP.HCM đặt mục tiêu giảm 70% túi ni lông khó phân hủy tại chợ ngay năm nay
Từ năm 2018, UBND TP.HCM đã giao các cơ quan đơn vị liên quan mở rộng phạm vi tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và không dùng túi ni lông nhằm bảo vệ môi trường.
Ngày 13-7, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM cho hay TP đã triển khai 4 kế hoạch về tăng cường quản lý chất thải rắn, giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và đạt được một số kết quả ban đầu. Trong đó nổi bật nhất với kết quả cắt giảm 100% túi ni lông khó phân hủy, chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường tại hầu hết hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... từ năm 2022. Giai đoạn năm 2024 - 2025, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 70% số lượng túi ni lông khó phân hủy được sử dụng ở chợ.
Quan trọng là có sản phẩm thân thiện giá rẻ

Người dân sử dụng túi ni lông đựng thực phẩm tại chợ Ngọc Hà (Hà Nội) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Đặng Bùi Khuê, giám đốc phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam, chia sẻ hy vọng từ quyết tâm của Hà Nội sẽ sớm lan tỏa đến các tỉnh thành, địa phương khác. Về giải pháp chung, ông Khuê nói có thể làm đồng loạt nhiều giải pháp như truyền thông, thay đổi ý thức người dân, hạ chi phí giá túi thân thiện, đánh thuế cao việc sản xuất túi ni lông khó phân hủy... Quan trọng nhất, theo ông Khuê, là giá thành túi thân thiện để nhà bán lẻ không tăng giá khi "gánh thêm" giá bao bì.
Kinh nghiệm giải quyết rác thải nhựa, túi ni lông và cấm xe xăng
Singapore. Kể từ tháng 7-2023, Singapore đã chính thức áp dụng quy định thu tiền cho các túi ni lông dùng một lần tại các siêu thị lớn do Cơ quan thực phẩm Singapore (SFA) cấp phép, chiếm khoảng 2/3 thị phần bán lẻ với hơn 400 điểm bán tại đảo quốc sư tử.
Theo Cơ quan môi trường quốc gia Singapore (NEA), quy định trên áp dụng cho tất cả mọi loại túi đựng dùng một lần, bao gồm nhựa ni lông, giấy hay túi được sản xuất từ vật liệu phân hủy sinh học. Tuy nhiên quy định chỉ bắt buộc đối với các nhà bán lẻ có doanh thu hằng năm trên 74 triệu USD.
Quy định thu phí đối với túi ni lông là một phần trong chiến lược giảm rác thải của Singapore. Kể từ năm 2021, đảo quốc này đã yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo lượng bao bì đã sử dụng, đồng thời dự kiến áp dụng chính sách về trách nhiệm của các nhà sản xuất đối với vỏ chai và lon từ năm 2026.
Bên cạnh đó, NEA cũng phối hợp với các bên liên quan để giảm việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại những khu vực ăn uống công cộng thuộc phạm vi quản lý của cơ quan này. Cụ thể, NEA đã cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần đối với khách ăn tại chỗ. Ngoài ra để giảm việc sử dụng nước đóng chai, cơ quan chức năng đã lắp máy lọc nước tại các khu ăn uống công cộng, sân vận động, trạm xe buýt và ga tàu điện ngầm.
Nhật Bản. Từ tháng 7-2020, Nhật Bản chính thức áp dụng quy định thu phí túi ni lông, ngoại trừ các loại túi phân hủy sinh học, tại tất cả các điểm bán lẻ - bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng khuyến khích hạn chế nhựa tại các khu vực công cộng hay những sự kiện quy mô lớn. Theo đó, Olympic Tokyo 2020 là sự kiện thể thao lớn đầu tiên tại Nhật Bản cam kết giảm tối đa rác thải nhựa dùng một lần, thay bằng bao bì sinh học và kêu gọi khán giả mang theo chai cá nhân.
Thái Lan. Cùng năm 2020, Thái Lan cũng chính thức cấm túi nhựa mỏng dùng
một lần tại các cửa hàng lớn, hướng tới mục tiêu cấm hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2021 nhằm giảm rác thải trôi ra biển, theo Hãng tin Reuters.
Trước đó vào năm 2019, Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch "Roadmap on Plastic Waste Management 2018 - 2030" (Lộ trình quản lý rác thải nhựa 2018 - 2030). Lộ trình này được xem là khung chính sách nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở xứ sở chùa vàng, chia thành nhiều giai đoạn với các mục tiêu giảm nhựa khác nhau.
Trung Quốc. Với mục tiêu cải thiện chất lượng không khí và sức khỏe của người dân, thủ đô Bắc Kinh đã thiết lập Low Emission Zones (khu vực phát thải thấp) vào tháng 9-2017, cấm các phương tiện vận tải hạng nặng có mức phát thải dưới tiêu chuẩn quốc gia IV đi vào khu vực nội đô, theo Viện Tài nguyên thế giới (WRI).
Bên cạnh đó để hạn chế xe chạy bằng xăng, người dân ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải cực kỳ khó để sở hữu biển số xe chạy bằng xăng. Một số người thậm chí phải xếp hàng rất lâu hoặc đấu giá mới có thể sở hữu biển số.
Ngược lại, xe điện được ưu tiên cấp biển số miễn phí, không giới hạn số lượng tại nhiều thành phố lớn. Chính quyền Thượng Hải sẽ gia hạn chính sách cấp biển số xe miễn phí cho xe điện đến cuối năm 2025, cũng như nới lỏng các yêu cầu cho người nộp đơn, theo trang tin tức CnEVPost (Trung Quốc).
Từ ngày 30-6 đến 28-9-2025, Bắc Kinh sẽ tiếp tục áp dụng chính sách cấm xe theo số cuối biển số luân phiên vào các ngày trong tuần (thứ hai - thứ sáu) từ 7h - 20h trong khu vực nội thành, bên trong đường vành đai 5. Đây là quy định đã được áp dụng từ Olympic Bắc Kinh 2008, nhằm hạn chế lượng khí thải trong thành phố.
BÌNH LUẬN HAY