
Đoàn kiểm tra Sở Y tế Đồng Nai kiểm tra Công ty cổ phần Nhà máy y tế EBC Đồng Nai - Ảnh: A.B.
Vụ việc Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300g) và đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô mỹ phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) tiếp tục tạo ra hoài nghi của người tiêu dùng về cách xử lý.
Sở Y tế tỉnh Đồng Nai là đơn vị được Cục Quản lý dược giao kiểm tra, xử lý việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm không đạt chất lượng tại Công ty cổ phần Nhà máy y tế EBC Đồng Nai.
Tuy nhiên đoàn kiểm tra của Sở Y tế kiểm tra xong vội vàng đánh giá vụ việc "không có dấu hiệu hình sự".
Đây là lý do những người làm trong lĩnh vực pháp luật lên tiếng và bạn đọc Tuổi Trẻ Online phản ứng.
Sao thanh tra làm luôn phần việc của công an?
Nhắc đến sản phẩm kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body có kết quả kiểm nghiệm chỉ SPF 2,4 (chỉ số chống nắng trên nhãn là SPF 50), bạn đọc tên Vân thẳng thắn: "SPF 2,4 mà tuyên bố là SPF 50 thì gian lận thương mại, làm hàng giả chứ còn gì nữa".
"Thanh tra ngành y tế vội vàng kết luận không có dấu hiệu hình sự? Đây là làm luôn phần việc của công an", bạn đọc Anh Vũ bày tỏ.
Từ chuyện thanh tra y tế nêu "không có dấu hiệu hình sự", nhiều bạn đọc đã chỉ ra nguyên tắc sơ đẳng của cơ quan chuyên môn thì chỉ nên đánh giá những gì liên quan đến chuyên môn.
"Đây chỉ là kết luận của cơ quan quản lý chuyên ngành, nên không thể nói "không có dấu hiệu hình sự" được. Hình sự hay không là thẩm quyền của cơ quan điều tra, việc kết luận "không có dấu hiệu hình sự" là rất vội vàng, không đúng với thẩm quyền và chức năng của Thanh tra Sở Y tế", bạn đọc tên Khai phân tích.
Chưa dừng lại, bạn đọc còn hoài nghi về cách kiểm nghiệm của công ty sản xuất có hai sản phẩm bị đình chỉ, thu hồi.
Bạn đọc tên Huy, thắc mắc: "Rất khó hiểu vì sao lại có kết luận nhanh vậy. Một tỉnh có khu công nghiệp nhiều gấp hàng chục lần Quảng Trị nhưng nhà máy đặt tại Đồng Nai, mà y tế Đồng Nai chỉ kiểm nghiệm được 1/6 chỉ tiêu, còn tới 5/6 chỉ tiêu lại do y tế tỉnh Quảng Trị kiểm nghiệm nói đủ tiêu chuẩn như kết luận của Đồng Nai.
Vậy kết quả kiểm nghiệm chỉ số SPF cơ quan của Bộ Y tế kiểm tra đạt 2.4/50 buộc phải thu hồi lại không tin cậy bằng Quảng Trị kiểm nghiệm hay sao? Vấn đề phía sau là gì?".
Đồng quan điểm, bạn Hoàng Minh Đức, hỏi: "Tại sao không kiểm nghiệm tại TP.HCM mà lại đem ra tới Quảng Trị kiểm nghiệm?".
Ở góc nhìn khác, bạn đọc tên Vinh chia sẻ: "Giờ để cơ quan cấp phép đi thanh tra công ty sai phạm thì "vừa đá bóng vừa thổi còi thôi". Đâu ai dám "lấy dây buộc mình".
Mong cơ quan điều tra vào cuộc
Sau khi Sở Y tế Đồng Nai tiếp tục có văn bản báo cáo gửi Cục Quản lý dược thông báo xin điều chỉnh văn bản cũ từ nội dung "không có dấu hiệu hình sự", thành câu chữ "chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra", bạn đọc tiếp tục băn khoăn về cách xử lý.

Văn bản mới nhất của Sở Y tế sửa chữ "không có dấu hiệu hình sự" thành "chưa phát hiện sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra" - Ảnh: H.M.
Bạn Dương Văn Tuấn thẳng thắn: "Xem lại cách giải quyết của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai. Một văn bản mới ra mà phải chỉnh sửa câu từ. Sản phẩm mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ đã công bố; sản phẩm có chỉ số chống nắng trên nhãn là SPF 50 nhưng thực tế SPF 2,4.
Vậy đây là hàng giả hay hàng kém chất lượng? Hành vi trên có phải lừa dối người tiêu dùng không? "Bó tay" cách giải quyết của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai".
Bạn Trịnh Văn Trung hỏi thẳng: "Công bố sản phẩm không đúng. Thành phần ít hơn nhiều lần công bố mà bảo không có dấu hiệu hình sự?".
Từ cách xử lý của Sở Y tế Đồng Nai qua việc kết luận mỹ phẩm thu hồi "không có dấu hiệu hình sự" đến việc xin điều chỉnh câu từ trên báo cáo, nhiều bạn đọc tiếp tục tỏ ra không hài lòng.
Bạn đọc Tuổi Trẻ Online cũng cho rằng mỹ phẩm không đúng hàm lượng công bố bán cho người tiêu dùng sẽ gây "ung thư da". Cách giải quyết vụ mỹ phẩm thu hồi là đang "có vấn đề".
Vì vậy hàng trăm bạn đọc mong muốn cơ quan điều tra vào cuộc để làm sáng tỏ vụ việc này, kể cả kết quả kiểm nghiệm các sản phẩm.
"Đề nghị cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi công bằng cho người dùng. Phạt thật nặng đối với các vi phạm giả mạo và phải truy tố hình sự với tất cả những người liên quan", bạn đọc Phan Thị Kim Vân gửi gắm.
Công ty có mỹ phẩm thu hồi có 3 lỗi vi phạm, chờ xử lý hành chính
Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group là pháp nhân đứng sau thương hiệu mỹ phẩm Hanayuki.
Ông Nguyễn Quốc Vũ - chồng ca sĩ Đoàn Di Băng - là người đại diện pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty. Ca sĩ Đoàn Di Băng cũng trở thành "gương mặt thương hiệu" để đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai, Công ty TNHH EBC đã xác nhận các lỗi vi phạm quy định về sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm như:
- Sản xuất mỹ phẩm có công thức không đúng như hồ sơ công bố sản phẩm mỹ phẩm (chất bảo quản 2-phenoxyethanol không có trong thành phần trên nhãn).
- Sản xuất mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng (sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body có chỉ số chống nắng SPF là 2,4, thấp hơn so với chỉ số chống nắng ghi trên nhãn (SPF 50) và sản phẩm Hanayuki Shampoo mẫu thử không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn nhiễm khuẩn theo quy định hòa hợp ASEAN).
- Công ty kinh doanh mỹ phẩm có hồ sơ thông tin sản phẩm (PIF) nhưng không đầy đủ theo quy định của pháp luật (thiếu mẫu nhãn sản phẩm)".
Sở Y tế Đồng Nai thông tin "sau 5 ngày làm việc để công ty có quyền giải trình, chánh Thanh tra sở sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo luật định. Công ty TNHH EBC có trách nhiệm thu hồi và tiêu hủy toàn bộ sản phẩm đối với 2 sản phẩm mỹ phẩm Hanayuki Shampoo và Hanayuki Sunscreen Body".
BÌNH LUẬN HAY