20/07/2025 12:30 GMT+7

Vũ trụ DC và Superman: Chỉ tạm sống sót?

Dù chưa thể chắc chắn liệu Superman có vượt qua doanh thu của Man of Steel do Zack Snyder đạo diễn hay không, nhưng Warner Bros. rõ ràng đã đủ tự tin để bật sâm panh ăn mừng sớm.

Superman - Ảnh 1.

Superman đang liên tiếp ghi nhận những tín hiệu tích cực ở phòng vé Bắc Mỹ - Ảnh: Screen Rant

Theo Variety, chỉ trong 3 ngày cuối tuần đầu tiên, Superman thu về 125 triệu USD - không chỉ vượt qua toàn bộ thành tích mở màn của các phần phim Superman trước đó, mà còn trở thành phim có doanh thu mở màn cao thứ ba trong năm 2025.

Cuộc chiến của các fandom

Ngay trong đêm, CEO Warner Bros. David Zaslav ăn mừng, khen ngợi sự tâm huyết và nghiêm túc của James Gunn với dự án, đồng thời bày tỏ kỳ vọng lớn với lộ trình mới của vũ trụ DC. Từ góc độ của giới phê bình, Superman 2025 có thể xem là thành công. Nhưng từ phía khán giả, mọi chuyện lại không đơn giản như vậy.

Dựa vào số liệu của The Box Office Vietnam, Superman chỉ thu 16,7 tỉ đồng sau 1 tuần ra rạp - một con số khiêm tốn, hiện đang đứng thứ hai phòng vé Việt (sau Đàn cá gỗ).

Tương tự, tờ Sohu đưa tin ở Trung Quốc, phim không đạt kỳ vọng doanh thu, thậm chí thấp hơn cả mức dự báo khiêm tốn nhất từ giới truyền thông. Đặc biệt, những phản hồi từ khán giả cũng đang chia rẽ dữ dội, khiến việc xác định phim hay hoặc dở trở nên khó khăn.

Trailer Superman

Một trong những nguyên nhân chính khiến Superman 2025 rơi vào vòng xoáy tranh cãi chính là sự phân mảnh trong cộng đồng người hâm mộ. Mỗi nhóm đều yêu quý một hình tượng Superman riêng.

Những fan trung thành của Man of Steel (do Zack Snyder đạo diễn) luôn phản đối việc Warner Bros. khởi động lại vũ trụ DC. Với họ, Superman phải mang khí chất mạnh mẽ, mang tính biểu tượng thần thánh, còn phiên bản mới thì bị xem là "hạ cấp", "yếu đuối" và "mất chất".

Phe fan Batman (nhất là loạt phim do Christopher Nolan đạo diễn) đông đảo nhưng không quá mặn mà với Superman. Họ yêu cầu phim siêu anh hùng không nên theo lối giải trí đại chúng như Marvel, mà phải sâu sắc và đậm chất nhân sinh. Họ không chấp nhận bản Superman mới mang phong cách tươi sáng, phản diện không đủ "điên" và đặc biệt là thiếu sự "u ám" của thế giới DC quen thuộc.

Superman - Ảnh 2.

Fan của Man of Steel và Batman dường như không ưa chuộng Superman 2025 - Ảnh: UIC today

Phe mê truyện tranh - hoạt hình là nhóm đang tích cực ủng hộ bản mới. Họ có quan điểm Superman lần này là hình tượng gần nhất với nguyên tác: một chàng trai chất phác, xuất thân từ nhà nông, mang trái tim nhân hậu và luôn cố gắng hòa nhập với loài người.

Do vậy, phòng vé Bắc Mỹ có sự đột phá là do những người ủng hộ phiên bản mới - nhóm fan truyện tranh và hoạt hình - chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng fan Mỹ.

Điều này cũng cho thấy: mỗi thế hệ sẽ có một "superman" trong lòng. Câu hỏi "Superman mới có hay không?" không thể có đáp án chính xác, vì điều đó phụ thuộc vào việc bạn là ai và bạn từng biết đến "superman" dưới hình hài nào.

Superman - Ảnh 3.

Với fan mê truyện tranh - hoạt hình, Superman không phải thần mà là “người”, và việc anh bị thương, bị đánh bại, hay tỏ ra non nớt là hoàn toàn hợp lý - Ảnh: CBR

Áp lực khổng lồ của James Gunn

Chỉ với Superman mà kết luận rằng vũ trụ điện ảnh DC tái khởi động thành công hay thất bại là điều quá sớm. Nhiều fan cho rằng Superman của James Gunn thực chất không đứng chung vạch xuất phát với các "bom tấn" khác.

Phim gánh một "món nợ quá khứ" nặng nề từ DCEU (vũ trụ điện ảnh mở rộng DC) - nơi mà 10 năm gây dựng của Zack Snyder bị phá vỡ trong chớp mắt. James Gunn giờ đây phải xây lại lâu đài từ đống đổ nát, vừa tái thiết thương hiệu, vừa dọn dẹp di sản rối rắm để lại từ vũ trụ điện ảnh mở rộng DC.

Superman - Ảnh 4.

Gal Gadot bị chỉ trích vì lên tiếng về xung đột leo thang giữa Israel - Palestine - Ảnh: IMDb

Sự kết thúc của DCEU không hẳn vì một sai lầm duy nhất, mà là hệ quả của hàng loạt khủng hoảng dây chuyền: The Flash - nam chính Ezra Miller vướng hàng loạt bê bối pháp lý trước khi phim ra mắt; Wonder Woman - Gal Gadot bị chỉ trích gay gắt vì phát ngôn liên quan đến Israel;

Batman - Ben Affleck và Cyborg Ray Fisher lần lượt rút khỏi vai diễn. Và Superman: Henry Cavill từng được xác nhận quay trở lại, nhưng thất bại tài chính của Black Adam (dù mời hẳn Dwayne "The Rock" Johnson) khiến kế hoạch đổ vỡ.

Diễn viên không còn, mô hình tài chính gặp khủng hoảng nên việc chấm dứt DCEU là điều bất đắc dĩ, không phải vì ai muốn mà vì không còn lựa chọn. Do vậy, với tư cách là phim đầu tiên mở màn vũ trụ DC mới, Superman chỉ cần không lỗ vốn thì đã có thể xem là một chiến thắng.

Superman - Ảnh 5.

Milly Alcock - ngôi sao trẻ từng gây ấn tượng mạnh trong House of the Dragon - được chọn vào vai Supergirl - Ảnh: Plano Americano

Tuy nhiên, thử thách thực sự vẫn còn ở phía trước. Mỗi dự án tiếp theo sẽ là một bài kiểm tra sống còn cho chiến lược tái khởi động này.

Thông qua các chi tiết ở cuối phim Superman, nhân vật tiếp theo ra mắt có thể là Supergirl. Hiện tại, phim đã hoàn tất quay và ấn định ra rạp vào mùa hè năm sau.

Tiếp theo, DC sẽ đưa phản diện Clayface lên màn ảnh. Đây là nhân vật khá dị biệt: một diễn viên hạng B vì muốn níu giữ tuổi trẻ mà tiêm một chất lạ vào cơ thể, từ đó biến mình thành một khối bùn biết di chuyển, có thể thay đổi hình dạng và gương mặt theo ý muốn.

Kỷ nguyên mà Hollywood có thể "thống trị khẩu vị toàn cầu" đã qua. Trong một thế giới mà thị hiếu văn hóa ngày càng phân mảnh, rất khó để làm ra một bộ phim khiến tất cả các quốc gia đồng loạt yêu thích.

Vì thế, nếu DC có thể chinh phục vững chắc thị trường nội địa Bắc Mỹ và ổn định doanh thu, thì dù không tạo được hiện tượng toàn cầu, đó vẫn là một cuộc tái thiết thành công về mặt chiến lược.

Vũ trụ DC và Superman: Chỉ tạm sống sót? - Ảnh 3.Siêu nhân Superman không bay nhảy nổi ở rạp Việt

Sau gần một tuần ra rạp Việt, Superman (Siêu nhân) thu 18 tỉ đồng - mức doanh thu thấp so với độ nổi tiếng của phim ở thị trường Mỹ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0