20/05/2025 09:25 GMT+7

Xử phạt vi phạm giao thông sao cho hợp lý?

Đề xuất tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông từ 75 triệu đồng lên 150 - 200 triệu đồng của một đại biểu Quốc hội đang nhận được nhiều ý kiến. Từ đây đặt ra câu hỏi: Xử phạt vi phạm giao thông thế nào cho hợp lý?

vi phạm giao thông - Ảnh 1.

Nghị định 168/2024 có mức phạt tối đa 75 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Trong ảnh, cảnh sát giao thông kiểm tra xe khách trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ảnh: HỒNG QUANG

Quốc hội đang cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Mức phạt tối đa hiện nay với cá nhân là 75 triệu đồng

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có phân biệt mức phạt tiền tối đa giữa lĩnh vực giao thông đường bộ với đường sắt, đường thủy.

Theo đó, với giao thông đường bộ là 40 triệu đồng, còn đối với giao thông đường sắt, đường thủy là 75 triệu đồng. Đến năm 2020, sau nhiều lần được sửa đổi, bổ sung, luật quy định mức phạt tối đa bằng nhau đối với cả giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy là 75 triệu đồng.

Mức phạt tối đa này vẫn giữ nguyên cho đến nay. Tại nghị định 168/2024 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ giữ nguyên mức tối đa 75 triệu đồng.

Trong dự luật sửa đổi trình Quốc hội hiện không đề xuất thay đổi mức phạt tối đa đang áp dụng này. Dự luật chỉ đề xuất bổ sung Hà Nội vào trước khu vực nội thành của các TP trực thuộc trung ương (TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Huế, Hải Phòng) tại quy định về mức phạt tiền tăng gấp 2 lần.

Mức phạt này đề xuất áp dụng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ và một số lĩnh vực khác.

Trước đó, tại luật hiện hành đã quy định đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn nhưng tối đa không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ và một số lĩnh vực khác.

Như vậy, việc đề xuất chỉ thêm toàn bộ địa bàn TP Hà Nội sẽ được tăng mức phạt tiền với vi phạm giao thông và một số hành vi vi phạm khác gấp 2 lần mà trước đó Luật Thủ đô 2024 đã quy định.

Theo luật hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực giao thông đối với cá nhân là 75 triệu đồng và tổ chức là 150 triệu đồng. Theo dự luật mới, mức xử phạt giao thông cao nhất với cá nhân ở Hà Nội và nội thành 5 TP có thể lên tới 150 triệu đồng, với tổ chức là 300 triệu đồng.

vi phạm giao thông - Ảnh 2.

Cảnh sát giao thông kiểm tra chiếc ô tô khách vi phạm trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình - Ảnh: HỒNG QUANG

Cần nghiên cứu kỹ tác động

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (giám đốc Sở Tư pháp Long An) cho rằng vấn đề xử lý vi phạm hành chính với lĩnh vực giao thông vẫn nhận được nhiều quan tâm của người dân.

Hiện nay, mức xử phạt tiền tối đa với hành vi vi phạm giao thông quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính ở mức 75 triệu đồng. Chính phủ đã có quy định cụ thể các hành vi, mức xử phạt tại nghị định 168, và theo đánh giá, mức xử phạt hiện nay đã tăng hơn nhiều so với quy định tại nghị định trước đó.

Về việc đề xuất tăng tối đa mức phạt tiền vi phạm giao thông nhằm tạo sự răn đe mạnh hơn, nâng cao ý thức, nhất là với các trường hợp cố tình vi phạm, theo bà Dung, trong dự luật sửa đổi không đưa ra nhưng nếu có cần có nghiên cứu đánh giá tác động rất kỹ càng, cụ thể.

Bởi qua theo dõi hiện nay cho thấy không phải ai cũng cố tình vi phạm và cơ bản người dân chấp hành, tuân thủ tốt các quy định pháp luật. Đặc biệt tham gia giao thông là hoạt động thường xuyên, gần như hằng ngày.

Thêm vào đó, việc tăng mức xử phạt tối đa đối với lĩnh vực giao thông nếu có phải đảm bảo phù hợp với mức xử phạt vi phạm hành chính với các lĩnh vực khác và điều kiện thực tiễn, mức thu nhập của người dân.

"Tôi cho rằng không phải cái gì cũng phạt và phạt cho thật nặng mới là tốt, mà cần tính trên tổng thể hài hòa.

Việc xử phạt vi phạm hành chính ở đây cần mang tính răn đe nhưng phải kết hợp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức tham gia giao thông của người dân. Nói cách khác, yếu tố phòng ngừa mới là mấu chốt giúp giải quyết triệt để", bà Dung nêu rõ.

Tuy nhiên, bà Dung nhìn nhận việc phạt thật nặng với những người cố tình có các hành vi vi phạm giao thông sẽ rất hữu hiệu, mang tính răn đe cao.

Do vậy, cần nghiên cứu chia thành từng hành vi cụ thể và rõ ràng như các hành vi cố tình, không cần thiết khi tham gia giao thông như bốc đầu xe, cố tình đi ngược chiều, cố tình vượt đèn đỏ... phải phạt thật nặng. Trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ xử phạt hành chính mà phải chịu cả trách nhiệm hình sự phù hợp.

Còn đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng việc áp dụng mức xử phạt cao, đặc biệt với một số lĩnh vực tác động lớn đến người dân như giao thông, cần được đánh giá, báo cáo tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến người dân, xem xét phản ứng xã hội.

Ông nhìn nhận với lĩnh vực giao thông, nếu nâng mức phạt tối đa lên 200 triệu đồng có thể tạo "phản ứng ngược" và gánh nặng cho người dân.

Cũng theo ông Tạo, tình trạng vi phạm giao thông hiện nay diễn ra ngày càng nghiêm trọng có nhiều lý do. Một phần trong đó do hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, biển cảnh báo có những nơi chưa đồng bộ, hoàn thiện.

Cộng thêm ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người điều khiển phương tiện chưa thực sự chuyển biến. Tuy nhiên quá trình giáo dục, chấn chỉnh vi phạm, đưa ra các hình phạt đủ sức răn đe cần có thời gian và áp dụng nhiều hình phạt, chứ không chỉ tăng thật nặng mức phạt mà người dân không đủ khả năng chi trả.

Ông dẫn chứng mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam hiện nay đạt 5,4 triệu đồng/người/tháng. Tức là nếu áp dụng mức phạt tối đa lên 200 triệu đồng, có thể bằng với mức thu nhập bình quân của một người dân trong cả năm.

Vì vậy, nếu biện pháp xử phạt quá cao, có thể dẫn tới hệ quả người vi phạm không đủ tiền nộp phạt, tạo gánh nặng cho gia đình, phát sinh những vấn đề bất cập khác cho xã hội.

Từ đó, ông Nguyễn Tạo đề nghị tiếp tục áp dụng các hình phạt bổ sung, trong đó nghiên cứu tăng mức trừ điểm sau mỗi lần phạt như hiện nay hoặc tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm. Đồng thời nghiên cứu bổ sung các hình phạt phù hợp, khả thi.

Với những hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng sẽ áp dụng biện pháp hình sự. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục như nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất kỹ thuật giúp người dân tham gia giao thông hiệu quả, an toàn hơn.

vi phạm giao thông - Ảnh 3.

Lực lượng cảnh sát giao thông TP.HCM kiểm tra thiết bị giám sát hành trình xe tải nặng chạy trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh - Ảnh: MINH HÒA

Đã tương đối cao so với mặt bằng thế giới

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cũng cho hay mục tiêu của việc xử phạt vi phạm giao thông không phải để thu tiền mà nhằm răn đe, giáo dục con người chấp hành tốt các quy định về trật tự, an toàn giao thông.

Về mức phạt thế nào là đủ, đúng và hợp lý, ông Tạo chỉ rõ các nước khi đưa ra mức phạt đều căn cứ vào thu nhập trung bình của người dân và diễn biến tình hình vi phạm pháp luật giao thông.

Trong đó, ở những nơi có mức độ vi phạm rất cao, rất nguy hiểm sẽ phải nâng cao mức phạt để tăng cường tính răn đe. Thu nhập người dân cao thì mức phạt cũng phải tương thích nhằm làm thay đổi nhận thức, tránh phạt thấp quá dẫn đến nhờn luật.

Với mức phạt vi phạm giao thông hiện nay của Việt Nam, ông Tạo đánh giá đã tương đối cao so với mặt bằng các quốc gia trên thế giới, đặc biệt các nước có thu nhập tương đương.

Thêm vào đó, thông qua việc thực thi nghị định 168 vừa qua cho thấy ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của người dân đã được nâng lên, nhất là về tốc độ, dừng đèn đỏ, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe giảm...

"Có thể nói việc áp dụng mức phạt theo nghị định 168 cơ bản đã đủ sức răn đe. Vấn đề còn lại là phải làm nghiêm, đầy đủ, không sót trường hợp vi phạm nào. Cùng với xử phạt phải tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tổ chức giao thông cho hợp lý. Như biển báo phải hợp lý, không bị che khuất, vạch kẻ đường, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu đảm bảo hoạt động đúng, hợp lý...", ông Tạo nói.

Từ đánh giá việc triển khai nghị định 168 đã có hiệu quả, ông Tạo đặt vấn đề có nhất thiết phải tiếp tục nâng cao mức phạt nữa hay không? "Tôi cho rằng nên cân nhắc. Thực tế khi phạt ở mức cao người dân sẽ sợ, phải tuân thủ là đúng.

Nhưng có một số lỗi người dân có thể vô ý chứ không phải cố tình và hành vi đó chưa gây ra tai nạn giao thông, chưa gây ra nguy hiểm. Khi đó, nếu phạt quá cao có thể đẩy một con người vi phạm kể cả đi vay cũng không đủ tiền để nộp phạt. Điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho gia đình, thậm chí đẩy họ đến con đường tiêu cực.

Ngoài ra, việc vừa lái xe vừa phải suy nghĩ vì mức phạt quá cao có thể khiến lái xe phân tâm, ảnh hưởng tâm lý, dẫn đến nguy cơ gây tai nạn... Rõ ràng như vậy tác dụng phụ có thể lớn hơn tác dụng chính. Vì vậy cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng", ông Tạo bày tỏ.

vi phạm giao thông - Ảnh 4.

Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy lên 200 triệu đồng được nhiều người dân quan tâm. Trong ảnh: giao thông đường thủy tại khu vực sông Soài Rạp (TP.HCM và Đồng Nai) - Ảnh: TỰ TRUNG

Các mức phạt vi phạm phổ biến với xe máy theo nghị định 168/2024

Đi ngược chiều: phạt tiền 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm bằng lái.

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông: phạt tiền 4 - 6 triệu đồng, trừ 4 điểm bằng lái.

Nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở: phạt tiền từ 8 - 10 triệu đồng, tước bằng lái từ 22 - 24 tháng.

Đi trên vỉa hè: phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng, trừ 2 điểm bằng lái.

Các mức phạt vi phạm phổ biến với ô tô

Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông: phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng, trừ 4 điểm bằng lái.

Nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/lít khí thở: phạt từ 30 - 40 triệu đồng, tước bằng lái 22 - 24 tháng.

Mở cửa xe, để cửa xe mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn: phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái.

Đi ngược chiều, lùi xe, quay đầu xe trên cao tốc: phạt từ 30 - 40 triệu đồng, trừ 10 điểm bằng lái.

"Các cơ quan sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu thấu đáo"

Một thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp - cơ quan thẩm tra - cho rằng việc sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền.

Đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành luật thời gian qua. Với các nội dung chưa thực sự cấp bách hoặc còn ý kiến khác nhau và tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa tổng kết thực tiễn, cần phải đánh giá tác động và sẽ tiếp tục rà soát, tổng kết, nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét sửa đổi toàn diện luật. Dự kiến sẽ thực hiện vào kỳ họp thứ 10.

Đối với việc sửa đổi mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, ủy ban đã đề nghị Chính phủ chưa tăng mức xử phạt tối đa tại lần sửa đổi này. Việc này sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, đề xuất khi sửa tổng thể luật. Các cơ quan sẽ tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu thấu đáo để hoàn thiện dự luật.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp):

Cân nhắc khi tăng mức phạt

Tôi đồng ý mức phạt nghiêm để trừng trị, phòng ngừa, răn đe nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể, thu nhập của mỗi người dân. Nếu tăng mức phạt tối đa vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu lên 150 - 200 triệu đồng, trong nhiều trường hợp, tài xế sẽ phải xem xét bán xe mới có tiền nộp phạt.

Chưa kể có những trường hợp xe là phương tiện lao động, sinh nhai của gia đình. Cho nên tăng mức phạt tối đa cần cân nhắc. Chúng ta xử phạt phải nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người vi phạm để họ không dám, không muốn, không gây ra vi phạm nhưng cũng phải tính tới túi tiền của người dân.

TS CAO VŨ MINH:

Mục đích cuối cùng là để răn đe

Xử phạt vi phạm giao thông sao cho hợp lý? - Ảnh 5.

Về mức phạt vi phạm hành chính, mục đích cuối cùng là tạo sự răn đe để người dân có ý thức chấp hành nghiêm luật, trong đó có lĩnh vực giao thông.

Tuy nhiên, để người dân tuân thủ nghiêm pháp luật không chỉ dựa trên tăng mức hình phạt mà quan trọng hơn mức xử phạt phải khả thi, hình thức xử phạt phải thi hành được và mang tính chất giáo dục.

Mức xử phạt của các nước, kể cả nước phát triển, cũng không xây dựng trên việc "triệt đường sống" hay nói cách khác vượt khỏi khả năng chi trả của đông đảo người dân.

Mức phạt cao sẽ dẫn đến hai hệ lụy: nếu những người vi phạm đi xe đắt tiền, mức phạt cao sẽ mở đường cho hiện tượng "cưa đôi", tức đôi bên cùng có lợi, tiền không vào ngân sách mà mở đường cho tham nhũng, tiêu cực;

Trong khi nếu phương tiện có giá trị thấp, người vi phạm sẽ có ý định bỏ luôn xe, không chấp hành mức xử phạt. Kể cả luật hiện nay có quy định khấu trừ nghĩa vụ khoản phạt đối với người vi phạm, nhưng với nhiều người, toàn bộ gia tài nằm ở chiếc xe nên việc thu tiền phạt theo hình thức này rất khó. Mức phạt cao nhưng không thực thi được cũng vô nghĩa.

Với mức phạt ở nghị định 168 hiện được đánh giá đã cao hơn nhiều so với trước đó. Vì vậy, vấn đề nằm ở chỗ bên cạnh mức xử phạt tiền cần tiếp tục thực hiện các giải pháp để răn đe, giáo dục người dân chấp hành nghiêm pháp luật.

Trong đó tăng cường kiểm tra, giám sát hành vi tham gia giao thông của người dân, ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo người dân vi phạm sẽ bị xử phạt và xử phạt nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Như vậy mới nâng cao tính răn đe và xây dựng văn hóa, ý thức chấp hành giao thông nghiêm túc, đúng pháp luật.

Xử phạt nghiêm minh nhưng phải nhân văn

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online đã có ý kiến khác nhau về đề xuất tăng mức phạt gấp 2 lần ở Hà Nội và khu vực nội thành của 5 TP (Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ) trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Bạn đọc Đặng Hinh cho rằng: "Cần xem xét lại đề xuất trên. Không phải cái gì cứ không quản lý được thì lại đề xuất phạt. Đồng thời xem lại các quy định biển báo, tín hiệu, đường sá... ở các TP lớn, đặc biệt là tại TP.HCM, đã đáp ứng được tiêu chuẩn hay chưa. Biển báo như ma trận bị che khuất, nhiều người không quen đường thì khả năng cao sẽ dính phạt. Lúc đó sẽ phạt ai?".

Theo bạn đọc phip****@gmail.com, nên giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho người dân thường xuyên. Sau đó, lực lượng chức năng phải thường xuyên túc trực để xử phạt các hành vi vi phạm đã được giáo dục, phổ biến.

Như thế sẽ lập lại văn minh giao thông chứ không phải phạt thật nặng khi thấy người vi phạm nhưng lại bỏ sót những người đang vi phạm ở nơi khác cùng hành vi với lý do lực lượng mỏng.

Đồng tình, bạn đọc Anh Vũ nhận định: "Mục đích của xử phạt là giáo dục, hướng dẫn công dân tuân thủ pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh. Bên cạnh phạt tiền, cần áp dụng thêm phạt lao động công ích như dọn rác, làm sạch môi trường".

Các nước xử lý vi phạm giao thông ra sao?

Xử phạt vi phạm giao thông sao cho hợp lý? - Ảnh 5.

Phần Lan thường xuyên nằm trong nhóm quốc gia có tỉ lệ tử vong do tai nạn giao thông thấp nhất thế giới - Ảnh: Reuters

Phần Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng hệ thống phạt hành chính dựa trên thu nhập - còn được gọi là "day fine" - từ năm 1920.

Nguyên tắc của hệ thống này là bảo đảm tính công bằng trong cách trừng phạt những người vi phạm: với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt được điều chỉnh theo khả năng chi trả của từng người, nhờ vậy tránh được việc khiến người có thu nhập thấp kiệt quệ vì khoản phạt quá lớn, trong khi người giàu coi nhẹ luật vì khoản phạt quá nhỏ, thiếu sức răn đe.

Cách tính mức phạt theo hệ thống này khá đơn giản nhưng được đánh giá mang lại hiệu quả cao, khi sau Phần Lan, các nước như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Thụy Sĩ... cũng đều áp dụng.

Theo tạp chí The Atlantic, trước tiên cơ quan chức năng sẽ ước tính số tiền chi tiêu mỗi ngày của người vi phạm - tức phần thu nhập còn lại sau khi đã trừ thuế và các chi phí thiết yếu. Con số này sau đó được chia đôi, và phần còn lại được xem là mức tiền hợp lý mà người vi phạm có thể bị tước đi trong một ngày như một hình phạt.

Tiếp theo, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, hệ thống sẽ áp dụng một hệ số tương ứng gọi là "số ngày phạt". Ví dụ, nếu người vi phạm vượt quá tốc độ cho phép 24km/h, mức phạt sẽ bằng 12 ngày chi tiêu; nếu vượt tốc độ 40km/h, mức phạt tăng lên 22 ngày.

Tổng số tiền phạt được tính bằng cách nhân số ngày phạt với mức chi tiêu mỗi ngày đã xác định. Chẳng hạn nếu mức chi tiêu mỗi ngày của người vi phạm là 100 euro (2,9 triệu VNĐ) và hành vi vi phạm tương ứng với 20 ngày phạt, họ sẽ phải nộp phạt 2.000 euro (tương đương 58 triệu VNĐ).

Tại Phần Lan, mức phạt tối đa có thể lên tới 120 ngày nhưng không có trần giới hạn số tiền - nghĩa là người có thu nhập càng cao sẽ bị phạt càng lớn. Nhờ đó, hệ thống này bảo đảm rằng hình phạt mang tính răn đe công bằng đối với mọi tầng lớp thu nhập, từ người lao động bình thường đến các triệu phú.

Tại Nhật Bản, hệ thống xử lý vi phạm giao thông không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính mà còn đi kèm với một cơ chế trừ điểm trên giấy phép lái xe (kotsuihan), trong đó số điểm bị trừ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm.

Bên cạnh các hình phạt hành chính, việc tích lũy điểm trừ còn kéo theo hệ lụy về tài chính. Tại Nhật Bản, các công ty bảo hiểm thường căn cứ vào lịch sử vi phạm và số điểm trừ của người lái để tính mức phí bảo hiểm.

Càng nhiều vi phạm, mức phí phải đóng càng cao. Ngoài ra, hệ thống trừ điểm này cũng được áp dụng đối với người điều khiển phương tiện giao thông bằng giấy phép lái xe quốc tế ở Nhật Bản, chứ không chỉ giới hạn ở người có bằng lái xe do nước này cấp.

Xử phạt vi phạm giao thông sao cho hợp lý? - Ảnh 7.Tại sao phải tăng mức phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng?

Tại sao phải tăng mức phạt vi phạm giao thông đến 200 triệu đồng là câu hỏi được rất nhiều người dân quan tâm đặt ra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0