03/07/2025 12:13 GMT+7

Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công an

Theo luật mới, Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan thanh tra khác.

Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công an - Ảnh 1.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt tại cuộc họp báo - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 3-7, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Thanh tra sửa đổi.

Luật có 9 chương, 64 điều và có hiệu lực thi hành từ 1-7.

Nhiều điểm mới trong Luật Thanh tra sửa đổi

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt cho biết thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, luật đã lược bỏ các quy định về thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, thanh tra sở, thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Theo ông Lê Tiến Đạt, luật đã sửa đổi, hoàn thiện một số nội dung nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất về tổ chức, hoạt động thanh tra, tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, khắc phục một số bất cập của pháp luật về thanh tra hiện nay.

Luật Thanh tra quy định thống nhất một hoạt động "thanh tra", không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại luật và các nghị định hướng dẫn thi hành.

Song song là quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Bởi các cơ quan thanh tra này khác nhau về địa vị pháp lý, phạm vi quản lý nhà nước.

Luật cũng bổ sung quyền mới cho Thanh tra Chính phủ bởi sau khi sắp xếp lại, Thanh tra Chính phủ tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ của 12 thanh tra bộ.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của bộ với bộ không có thanh tra bộ.

Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ không có thanh tra bộ.

Vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh cũng thuộc quyền thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công an - Ảnh 3.

Quang cảnh buổi họp báo - Ảnh: GIA HÂN

Khi nào được thanh tra lại?

Đáng chú ý, luật quy định rõ Thanh tra Chính phủ có quyền kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra khi cần thiết.

Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Cơ yếu, Thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế, Thanh tra tỉnh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Quy định mới này được bổ sung trong lần sửa đổi luật lần này trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Theo quy định của luật, thanh tra lại được thực hiện khi có 1 trong 5 dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể là vi phạm nghiêm trọng về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra. Sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra.

Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra. Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật.

Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.

Thời hiệu thanh tra lại là 2 năm kể từ ngày ban hành kết luận thanh tra.

Khi có căn cứ quy định trên, cơ quan thanh tra cấp trên tiến hành thanh tra lại đối với kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra cấp dưới. Với kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thì báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Thời hạn thanh tra lại không vượt quá thời hạn của một cuộc thanh tra.

Thanh tra Chính phủ có quyền thanh tra lại vụ việc có kết luận của Thanh tra Bộ Quốc phòng, Công an - Ảnh 2.Quốc hội thông qua mô hình tổ chức mới của cơ quan thanh tra trên cả nước

Hệ thống các cơ quan thanh tra được tổ chức theo 2 cấp gồm Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, thành phố, không tổ chức nhiều cơ quan thanh tra các cấp.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên