03/07/2025 09:06 GMT+7

Thủ tục phi địa giới phục vụ mọi lúc, mọi nơi

Làm thủ tục hành chính phi địa giới được phân ra ở phạm vi cấp tỉnh và phạm vi toàn quốc. Mục tiêu là người dân có thể nộp hồ sơ bất cứ cửa nào, địa phương nào và bảo đảm thuận tiện, đơn giản, tiết kiệm nhất.

Thủ tục phi địa giới - Ảnh 1.

Anh Tuấn Kiệt và chị Kim Dung, đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, trải nghiệm robot phục vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đây cũng là định hướng mà nhiều tỉnh thành đang hướng đến. Tại TP.HCM, trong buổi khảo sát tình hình hoạt động bộ máy chính quyền cấp xã mới tại UBND phường Dĩ An vào sáng 1-7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) phi địa giới là điều kiện bắt buộc phải làm, khó đến đâu cũng phải làm.

"Người dân ở bất kỳ nơi đâu đều nộp thủ tục được, ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng hay thậm chí ở nước ngoài đều làm được", ông Được nói.

Cách 600km, có kết quả sau một ngày

Mới đây anh Lê Văn Hiệp (ngụ TP.HCM) khá bất ngờ với trải nghiệm của mình khi làm thủ tục cấp xác nhận tình trạng hôn nhân trên Cổng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng (nơi anh Hiệp thường trú) khi đang ở TP.HCM.

Chiều tối 24-6, anh Hiệp tải mẫu hồ sơ và hoàn thành các thông tin cần thiết, tải lên hệ thống. Đến sáng 25-6, chuyên viên UBND xã Hiệp Thạnh (tỉnh Lâm Đồng) đã liên hệ hướng dẫn in tờ khai và ký tên rồi cập nhật thêm vào hồ sơ.

Đồng thời chuyên viên hướng dẫn anh Hiệp thanh toán chi phí, bao gồm phí bưu điện.

Trong ngày anh theo dõi trên Cổng dịch vụ công tỉnh Lâm Đồng tiến độ xử lý thì đến chiều tối hồ sơ của anh đã được xử lý xong. UBND xã Hiệp Thạnh đã đính kèm thêm file PDF hồ sơ đã xử lý hoàn thiện có chữ ký số.

"Sáng 26-6, tôi đã nhận được cuộc gọi của nhân viên bưu điện báo hồ sơ của tôi đã được chuyển tới địa chỉ tôi đăng ký nhận. Như vậy toàn bộ thủ tục chỉ mất một ngày làm việc.

Trước đây thường phải đợi vài ngày, mất gần 600km đi về với một thủ tục như thế này. Nếu các dịch vụ khác cũng tiện lợi nhanh chóng như vậy thì người dân sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian...", anh Hiệp nói.

Còn chị Vũ Mai Hạnh (ngụ TP.HCM) cũng khá bất ngờ với sự thuận tiện làm thủ tục cấp lại hộ chiếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Khi làm thủ tục cấp lại hộ chiếu đã hết hạn thì chị nhận được mail từ hệ thống xác nhận tiếp nhận hồ sơ.

Tiếp đó chị Hạnh nhận được mail thông báo đóng phí online, chị hoàn tất đóng tiền và chỉ vài ngày sau chị nhận được hộ chiếu tận nhà.

"Hệ thống đã ghi nhớ thông tin cá nhân của tôi nên điền tự động, không cần mất công gõ lại. Lệ phí phải nộp chỉ 180.000 đồng so với làm trực tiếp phải nộp 200.000 đồng. Thực sự tôi thấy quá tiện lợi, nhanh chóng", chị Hạnh kể.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Quốc (ngụ TP.HCM) cũng thấy vui vì đã thực hiện thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID mất hơn 5 phút và được trả kết quả sau vài ngày.

"Thực sự rất thuận tiện so với việc phải lên trực tiếp Công an TP.HCM để thực hiện, đỡ phải chờ đợi đến lượt...", anh Quốc phấn khởi chia sẻ.

Đây chỉ là ví dụ của hàng triệu trường hợp đã thực hiện TTHC phi địa giới thông qua Cổng DVCQG.

Thủ tục phi địa giới - Ảnh 2.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Long Trường (TP.HCM) giúp người dân khai thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia - Ảnh: ÁI NHÂN

Làm thủ tục bất kỳ nơi nào

Cổng DVCQG chỉ là một trong các công cụ, phương thức để người dân thực hiện TTHC phi địa giới.

Bên cạnh đó, ở phạm vi quốc gia, người dân có thể nộp hồ sơ thủ tục phi địa giới qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại bất kỳ bộ phận một cửa, không phân biệt cấp chính quyền hay địa giới hành chính nào.

Hiện nay, tại Cổng DVCQG, các bộ ngành và các tỉnh thành đã cung cấp 1.267 TTHC trực tuyến toàn trình.

Điều này đồng nghĩa người dân cả nước có thể thực hiện thủ tục phi địa giới trên phạm vi cả nước, không phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị hành chính nào.

Ở phạm vi cấp tỉnh thì người dân cũng có thể thực hiện thủ tục phi địa giới qua Cổng DVCQG hoặc dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại bất kỳ bộ phận một cửa trong phạm vi cấp tỉnh.

Chẳng hạn, từ tháng 6-2022, người dân TP.HCM có thể làm thủ tục trích lục 4 loại giấy tờ hộ tịch là khai sinh, khai tử, kết hôn, đăng ký nhận cha mẹ con tại bất kỳ UBND xã phường mà không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú thông qua việc Sở Tư pháp TP.HCM phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM (cũ) số hóa gần 12 triệu hồ sơ hộ tịch, đồng bộ vào hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Hay tại tỉnh Đồng Nai, từ gần 10 năm nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã được thụ hưởng tiện ích khi thực hiện các TTHC phi địa giới liên quan nhà đất như xem thông tin quy hoạch, đo vẽ hiện trạng, đăng ký thế chấp (đăng ký giao dịch bảo đảm), chuyển nhượng quyền sử dụng đất... tại bộ phận một cửa bất kỳ huyện, TP Biên Hòa hay trung tâm hành chính công tỉnh, nơi nào gần nhất thuận tiện nhất để thực hiện.

Để thực hiện được như trên, từ năm 2006 tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu số đối với hơn 1,6 triệu thửa đất trong toàn tỉnh - bao gồm thông số kỹ thuật, hồ sơ địa chính thửa đất, lịch sử giao dịch và tính pháp lý của thửa đất.

Tất cả đều được ghi nhận và cập nhật theo thời gian thực của từng biến động (chuyển nhượng, thế chấp, chặn giao dịch do thi hành án...).

Thống nhất "một cửa số"

Từ ngày 1-7, theo chỉ đạo của Chính phủ, các cổng dịch vụ công cấp tỉnh của tất cả các tỉnh thành hoàn tất đóng giao diện để sử dụng thống nhất cả nước Cổng DVCQG (dichvucong.gov.vn).

Theo lộ trình, các tỉnh thành sẽ hoàn thành thực hiện TTHC phi địa giới trong phạm vi cấp tỉnh thông qua các trung tâm hành chính công trên địa bàn.

Đồng thời đối với các TTHC đủ điều kiện để thực hiện trực tuyến sẽ được đưa lên Cổng DVCQG để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện phi địa giới trên phạm vi toàn quốc.

Thông báo với người dân và doanh nghiệp tại TP.HCM vào ngày 27-6, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM lưu ý người dân và doanh nghiệp đã có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG từ 18h ngày 27-6.

TP.HCM kết nối, triển khai trên Cổng DVCQG theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và triển khai Cổng DVCQG trở thành điểm "một cửa số" tập trung, duy nhất để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên toàn quốc.

Trung tâm Chuyển đổi số TP cũng khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan hoàn thành kết nối, tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng DVCQG.

Tại TP.HCM, từ 1-7, 168 trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã đi vào hoạt động. Các trung tâm này là bộ phận một cửa để thực hiện các TTHC theo phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền và phi địa giới theo lộ trình.

Vì thế TP tiếp tục đẩy mạnh tăng tốc hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin cho các trụ sở cấp xã, nâng cao hiệu quả của các nền tảng số và tối ưu hóa quy trình phục vụ hành chính công tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã.

TTHC phi địa giới là gì?

Thuật ngữ TTHC phi địa giới đã xuất hiện trong những năm gần đây và được định nghĩa chính thức gần đây tại nghị định 118/2025/NĐ-CP.

Điều 3 nghị định này định nghĩa thực hiện TTHC phi địa giới là việc cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC qua hình thức trực tuyến tại Cổng DVCQG hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại bất kỳ bộ phận một cửa để thuận tiện cho việc thực hiện của tổ chức và cá nhân, không phân biệt cấp chính quyền, địa giới hành chính nơi cư trú, nơi đặt trụ sở hoặc nơi đã cấp các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân.

Giảm thiểu hồ sơ, tiết kiệm chi phí

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lý Minh Tuân, trưởng phòng chuyển đổi số Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chỉ ra một số thuận lợi, tiện ích của TTHC phi địa giới như:

- Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC thông suốt ngay cả trong quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính.

- Giao diện thống nhất và dễ sử dụng.

- Giảm thiểu thủ tục và hồ sơ, hướng tới việc người dân chỉ cần nộp dữ liệu một lần cho các thủ tục được xử lý hoàn toàn trực tuyến, giảm bớt giấy tờ và thời gian.

- Không phụ thuộc địa giới hành chính (trong phạm vi TP.HCM hoặc cấp hành chính trên phạm vi toàn quốc).

- Đồng bộ và liên thông dữ liệu giữa các cấp hành chính (xã, tỉnh, trung ương), giúp việc tra cứu và giải quyết hồ sơ thuận tiện hơn.

Theo ông Tuân, từ 1-7, TP.HCM đã đưa vào triển khai vận hành chính thức hạ tầng số và nền tảng số dùng chung thống nhất về giải quyết TTHC trên toàn TP mới, trong đó bao gồm các đơn vị hành chính cấp tỉnh và 168 đơn vị hành chính cấp xã.

TP cũng đã hoàn tất đóng các cổng dịch vụ công rời rạc và áp dụng thống nhất Cổng DVCQG để tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Đồng thời TP.HCM cũng đã bố trí bổ sung lực lượng đoàn viên thanh niên, nhân viên kỹ thuật, nhân viên bưu điện có mặt tại các trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ TTHC và cán bộ công chức trong thời gian đầu đưa vào vận hành.

"Trong ngày đầu tiên hoạt động mô hình chính quyền 2 cấp, TP.HCM đã đưa vào vận hành hệ thống chính quyền số khá thông suốt. Chỉ trong ngày 1-7, hệ thống TTHC ghi nhận đã tiếp nhận 6.802 hồ sơ.

Trong đó hồ sơ nhận trực tuyến là 3.550, còn lại là nhận trực tiếp. TP.HCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh giai đoạn tăng tốc để đến cuối năm đạt mục tiêu hoàn thành 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ và hoàn thành các TTHC không phụ thuộc địa giới hành chính trong phạm vi toàn TP...", ông Tuân thông tin.

100% TTHC phi địa giới trong tháng 12-2025

Thủ tục phi địa giới phục vụ mọi lúc, mọi nơi - Ảnh 3.

Người dân quét mã QR tham khảo thông tin hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Cát Lái (TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại công điện số 90 (ngày 17-6), Thủ tướng đã giao chủ tịch UBND các tỉnh thành ban hành danh mục các TTHC thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính (phi địa giới) trong phạm vi cấp tỉnh theo lộ trình, bảo đảm hoàn thành 100% TTHC thực hiện phi địa giới trong phạm vi cấp tỉnh trong tháng 12-2025.

Bảo đảm 100% TTHC liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ, hoàn thành trong năm 2025.

Theo nghị định 118/2025/NĐ-CP, thực hiện TTHC phi địa giới trong phạm vi cấp tỉnh là việc cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, TP trực thuộc trung ương qua hình thức trực tuyến tại Cổng DVCQG hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tại bất kỳ bộ phận một cửa trong phạm vi cấp tỉnh để thuận tiện cho việc thực hiện của tổ chức và cá nhân, không phân biệt cấp chính quyền, địa giới hành chính nơi cư trú, nơi đặt trụ sở hoặc nơi đã cấp các loại giấy tờ cho tổ chức, cá nhân.

Đã có nhiều TTHC phi địa giới

- Hiện nay Cổng DVCQG đã cung cấp 1.267 TTHC trực tuyến toàn trình. Như vậy có 1.267 thủ tục người dân có thể thực hiện phi địa giới trên phạm vi cả nước thông qua Cổng DVCQG. Một số thủ tục phi địa giới nổi bật như:

+ Đăng ký/ tạm ngừng/ chấm dứt hộ kinh doanh.

+ Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

+ Thông qua Cổng DVCQG hoặc VNeID, người dân có thể thực hiện các TTHC với 53 dịch vụ công thiết yếu như cấp, đổi bằng lái xe; đăng ký hộ chiếu; đăng ký khai sinh...

+ Làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại bất kỳ tỉnh thành nào trên cả nước, không nhất thiết phải ở nơi đã cấp bằng lái cũ hoặc nơi cư trú.

+ Đăng ký tham gia sát hạch tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo lái xe, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và nơi đào tạo.

- Nghị định số 121/2025/NĐ-CP quy định từ 1-7 người dân có thể làm các TTHC liên quan hộ tịch (đăng ký khai sinh, khai tử; đăng ký nhận cha, mẹ, con; đăng ký giám hộ; đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc) phi địa giới.

Người thực hiện thủ tục không cần phải có mặt tại cơ quan đăng ký hộ tịch để ký vào sổ hộ tịch. Kết quả được trả qua bưu chính, trên môi trường điện tử.

- Nghị định 151/2025/NĐ-CP quy định từ ngày 1-7 người dân và doanh nghiệp được lựa chọn nơi nộp hồ sơ đăng ký đất đai phi địa giới trong phạm vi cấp tỉnh, thay vì bắt buộc nộp tại nơi có đất như trước đây.

Làm thủ tục phi địa giới, người dân cần gì?

Cùng với quá trình chuyển đổi số của cơ quan chức năng rất nhanh hiện nay thì đòi hỏi người dân cũng cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng số.

Để trở thành công dân số, thực hiện được các TTHC phi địa giới, bà Võ Thị Trung Trinh, giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM, khuyến nghị về phía người dân cần có các công cụ cơ bản để thực hiện bao gồm định danh mức 2, chữ ký số, ví điện tử.

Người dân cần biết 2 hệ thống là hệ thống dịch vụ công trực tuyến và hệ thống phản ánh, kiến nghị (1022) và cần cài đặt ứng dụng Công dân số của TP.HCM là phương tiện gắn kết người dân với chính quyền số ở TP.HCM.

Ứng dụng này hiện giúp phụ huynh tra cứu các thông tin liên quan học hành của con em; thông tin, thông báo cần thiết về y tế, nhà thuốc; đang tích hợp thông tin về giao thông, trạm xe buýt, metro, thời tiết, phản ánh kiến nghị...

Thủ tục phi địa giới phục vụ mọi lúc, mọi nơi - Ảnh 4.Hàng loạt giải pháp hỗ trợ cán bộ và người dân thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Quá trình thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, nhiều đơn vị thực hiện triển khai hỗ trợ cán bộ địa phương, tích hợp AI giúp người dân tra cứu thông tin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên