
Món "lòng se điếu" khoái khẩu cũng đang bị "tố" là hàng đầy chợ nhưng ở lò mổ rất hiếm mới thấy, nguy cơ có thể nhập lậu hoặc sử dụng chất gì đó để làm ra
Bên cạnh lý do hay được nhắc tới là vấn đề tuổi thọ, tuổi thọ tăng thì bệnh sẽ nhiều hơn thì có các lý do như môi trường, thực phẩm…
Mặc dù chưa có nghiên cứu phân định rõ tỉ lệ ca bệnh do thực phẩm là bao nhiêu nhưng giới chuyên môn đã xác nhận bệnh có liên quan đến những thức chúng ta ăn vào, "bệnh từ miệng mà ra".
Người dân rất quan tâm tới sức khỏe. Họ tìm mọi cách tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch. Có người trồng rau trên sân thượng hoặc mỗi cuối tuần về quê mua.
Có người chỉ dùng củ quả có vỏ mong là "sạch" hơn rau lá... Nhưng tất cả cách làm ấy vẫn chưa tránh được hàng giả, thực phẩm bẩn giăng khắp nơi.
Chưa khi nào hàng giả lại được phát hiện nhiều như dịp này mà toàn là vụ việc rất lớn, những kho hàng "khủng", số đã bán ra và người tiêu dùng sử dụng đều hàng trăm tỉ đồng.
Riêng thời gian từ tháng 4 đến nay cơ quan công an đã phát hiện "hệ sinh thái" chín công ty sản xuất và kinh doanh sữa giả; nhóm công ty sản xuất và kinh doanh 200 sản phẩm thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội; kho hàng 100 tấn thuốc tây và đông y giả ở Thanh Hóa; kho hàng collagen, thực phẩm chức năng nhập lậu từ Trung Quốc ở Bắc Ninh...
Và giờ đây đến món "lòng se điếu" khoái khẩu cũng đang bị "tố" là hàng đầy chợ nhưng ở lò mổ rất hiếm mới thấy, nguy cơ có thể nhập lậu hoặc sử dụng chất gì đó để làm ra.
Theo phân công phân cấp của cơ quan chức năng, hiện có ba bộ liên quan đến mâm cơm của các gia đình, đó là Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế.
Trả lời tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 6-5, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết bộ này đã làm "hết trách nhiệm" và đã phân cấp cho địa phương. Có đến ba bộ cùng quản lý thực phẩm, quản đến mức "hết trách nhiệm" mà bữa ăn còn đang rối bời, người dân phải làm sao?
Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật An toàn thực phẩm. Lúc này rất cần một "người chỉ huy" với an toàn, vệ sinh thực phẩm, vấn đề thiết thân với từng người dân, từng gia đình.
Trước năm 2013 vấn đề thực phẩm từng được "quy về một mối" do Bộ Y tế quản lý chính, sau 2013 thì chia ra các bộ theo ngành hàng và phân cấp về địa phương.
Nhưng những diễn biến gần đây về chất lượng vệ sinh thực phẩm cho thấy lỗ hổng trong quản lý đã lộ ra, thực phẩm bẩn, giả xuất hiện nhiều hơn.
"Bệnh từ miệng mà ra", phòng bệnh để nâng tuổi thọ, nâng sức khỏe, từ đó nâng chất lượng và năng suất lao động, nâng chất lượng cuộc sống, không thể để người dân mỗi khi gắp một miếng ăn là phải lo: miếng này ở đâu ra, hay thôi không ăn nữa vì sợ không vệ sinh, không an toàn! Luật sắp tới có khiến người dân đỡ lo hơn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận