Thuế quan: Dĩ bất biến, ứng vạn biến

TRUNG TRẦN 20/07/2025 10:19 GMT+7

TTCT - Thuế quan của Mỹ đã gây đảo lộn thương mại toàn cầu, nhưng yếu quyết với các nền kinh tế đang phát triển hướng ra xuất khẩu như Việt Nam vẫn là làm thật tốt những gì mình đang làm: sản xuất ra những sản phẩm tốt hơn, với chi phí thấp hơn.


n - Ảnh 1.

Ảnh: hbs.edu

Với các quốc gia được coi là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực với Việt Nam về các sản phẩm công nghiệp chế tạo xuất khẩu - Malaysia, Indonesia và Thái Lan - trát thông báo thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ra rằng không nước nào được hưởng mức thuế thấp hơn thông báo 90 ngày trước, dù chỉ là 1%. Malaysia tăng từ 24% lên 25%, Indonesia giữ nguyên 32%. Thái Lan 36%.

Nhìn thuế quan một cách tương đối

Malaysia thậm chí còn bị tăng 1%, không hiểu 1% này là ông Trump muốn gửi đi thông điệp cảnh cáo để quốc gia chuyên xuất khẩu dầu cọ, sản phẩm tự động thương hiệu của Nhật Bản và gia công đóng gói chip này đừng có giỡn mặt vì không thèm đếm xỉa gì đến chuyện thương lượng, hay không.

Dù có thế nào, cả mấy chục quốc gia sẽ phải vội vã tìm cách xoay xở ít ra là trong hai tuần nữa, cho đến khi ông Trump ra trát lần cuối. Nếu như diễn biến vòng cuối tương tự những gì đã diễn ra và như tính cách lẫn đường lối hành xử của ông Trump từ trước tới giờ, thì có lẽ mỗi quốc gia này cũng sẽ được "giảm giá" về đến mốc 25-30%. 

Việt Nam, bằng cách được quyền thương lượng sớm nhất - và cũng có thể đã kèm theo cái giá tương đối xứng đáng, do đó có thể hy vọng vào một lợi thế tương đối so với các đối thủ cạnh tranh, nằm vào nhóm mức thuế đối ứng trung bình.

Sẽ cực kỳ rối rắm để có thể hiểu mức trung bình này là gì, và nói là tương đối là vì trước các sắc thuế mới của ông Trump thì thuế quan trung bình với hàng hóa Việt Nam vào Mỹ là khoảng 4,8%. 

Một cái áo sơ mi có mức thuế trước đây là 5%, bây giờ có thể cao hơn nhiều, và sẽ là rất cao nếu dính dáng đến xuất xứ sản phẩm, tức liên quan tới khái niệm hàng trung chuyển cũng đã được bàn tán sôi nổi thời gian qua.

Nan giải vấn đề xuất xứ

Bằng cách nào để chứng minh một mặt hàng phải hay không phải là hàng trung chuyển, e giữa người Mỹ và người Việt còn không thống nhất được với nhau, khi mà chuỗi cung ứng toàn cầu đã tích hợp sâu tới mức phân định các khái niệm xuất xứ, nguyên liệu gốc, hàm lượng gia công... hiện gần như bất khả, và nếu muốn làm cho chính xác, chi phí nhiều khi còn đắt hơn chính món hàng!

n - Ảnh 2.

Trong một nhà máy sản xuất giày xuất khẩu ở Hà Nội, Việt Nam. Ảnh: Reuters

Ví dụ như một sản phẩm nhựa đơn giản là ly uống nước, được gia công sản xuất, đóng gói, dán nhãn ở Việt Nam bởi công nhân Việt, nhưng lại bằng máy móc và phần lớn nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, thì có được coi là hàng "made in Việt Nam"? (Đó là chưa kể đi sâu vào phân tích cấu thành máy móc, nguyên vật liệu, sẽ còn nhiều nước xuất xứ khác đóng vai trò trong đó, chứ không chỉ mình Trung Quốc).

Hay nếu như nhà máy sản xuất ly nhựa ở Việt Nam đó lại có chủ sở hữu là người Trung Quốc thì sao? Mức thuế sẽ là bao nhiêu? Hơn nữa, đây không chỉ là chuyện của riêng Việt Nam. Câu chuyện tương tự đang xảy ra khắp nơi trên thế giới - những chỗ có nhà máy của Trung Quốc, điển hình là hàng xóm cận kề nước Mỹ: Mexico.

Chưa kể, để quốc gia xuất khẩu và quốc gia nhập khẩu thống nhất được bộ tiêu chí về xuất xứ, cách thức đo lường và kiểm soát gian lận, từ hệ thống văn bản và cách thức thực thi, thật sự khó hơn lên trời. 

Trở lại với ví dụ chiếc ly nhựa ở trên, áp dụng quy định của Việt Nam, nó sẽ được coi là có xuất xứ Việt Nam theo tiêu chuẩn: sản phẩm có thay đổi mã HS, tức đầu vào là nguyên liệu nhựa, nhưng đầu ra là sản phẩm ly chén. 

Nhưng nếu phía Mỹ quy vào chi phí sản xuất và giá trị gia tăng thì phần gia công cho cái ly nhựa không có giá trị bao nhiêu so với chi phí nguyên vật liệu nhựa, sản phẩm sẽ được xếp vào diện nghi ngờ - tức có thể cứ áp thuế suất trung chuyển trước, và tính toán lại sau khi có kết luận điều tra. Mà đó một sản phẩm hết sức giản dị, đồng nhất và không có nhiều linh kiện phức tạp gì cả.

Không chỉ muốn kéo nhà xưởng về lại trong nước, Mỹ còn muốn tạo lập một chuỗi cung ứng mới - ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn - nhờ vào hai láng giềng rộng lớn, và cũng được coi là có thực lực công nghiệp nhất châu Mỹ là Canada và Mexico. 

Tình hình thêm phức tạp khi quốc gia có nhà máy nhiều thứ hai ở Mexico - chỉ sau chính nước chủ nhà - lại là… Trung Quốc. Bài toán định nghĩa thế nào là xuất xứ Mexico, do đó, sẽ còn phức tạp hơn so với hầu hết các nước khác cũng đang ở trong tình trạng tương tự.

Bất biến ứng vạn biến

Việc trông chờ một quy định rõ ràng và bền vững của chính quyền Trump cho các sắc thuế được thông báo bằng các dòng status trên mạng X, hay đơn giản là gửi một lá thư nêu con số, mà không hề có hướng dẫn thực hiện hay các thỏa thuận chi tiết cụ thể, có lẽ là điều không nên đặt nặng. 

Trên cơ sở một lợi thế so sánh tương đối hiện có về thuế suất, so với các quốc gia xung quanh, chúng ta nên tập trung làm những gì mình có thể làm tốt nhất - để mài bén kỹ năng công nghiệp, gia tăng xuất khẩu bằng cách đầu tư để sản xuất và bán được các thứ hàng không quá rẻ, với chất lượng trung bình khá trở lên cho các khu vực và quốc gia khác nhau.

Các kỹ thuật để truy xuất và chứng minh nguồn gốc xuất xứ chắc chắn là việc khó khăn và sẽ làm gia tăng chi phí, chưa kể làm như vậy còn tạo ra sức ép tiêu cực trong quan hệ bạn hàng. 

Tuy nhiên, nhìn vào cách các nền kinh tế lớn và đã phát triển liên tục đặt ra các quy định về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hàm lượng hóa chất với nông sản, hay thẻ vàng thủy sản, mà thực chất là các hàng rào kỹ thuật phi thuế quan (dưới vỏ bọc các lợi ích chung và sự tiến bộ), thì những nền kinh tế đang phát triển và hướng ra xuất khẩu như Việt Nam tốt nhất nên nhìn nhận rằng nếu không có trát thuế từ tài khoản X của ông Trump, sớm muộn cũng sẽ có một biểu thuế hay hàng rào kiểu này kiểu khác được dựng lên, để bảo vệ những kinh tế lớn, vốn đã trục trặc một thời gian dài và giờ bắt buộc phải sửa chữa, hoặc thậm chí phải đại tu.

Lo lắng quá, thắc mắc quá cũng không giải quyết được vấn đề gì. Với tiềm lực và thực tế hiện tại, chúng ta có lẽ đã làm hết những gì có thể trong vấn đề thương lượng và tìm kiếm một thỏa thuận không đến nỗi nào. 

Sẽ không thể có chuyện một thỏa thuận hoàn toàn chỉ có lợi cho chúng ta. Cho nên, tốt nhất vẫn là tập trung vào làm tốt công việc mình đang làm: sản xuất để xuất khẩu.■

Ngoài thuế đối ứng xoay quanh các mốc 20-40%, ngành công nghiệp xe hơi, sản phẩm phái sinh từ thép, nhôm của cả thế giới - trừ Canada và Mexico, vẫn một mình một cõi. Tất tần tật các loại thuế sẽ cho ra mức thuế suất khoảng 50% khi áp dụng thêm quy định 232 (Section 232), một sắc thuế cứng rắn nhất mà người Mỹ dùng để hạn chế không chỉ đối thủ Trung Quốc, mà cả đồng minh Hàn Quốc hay Nhật Bản với công nghiệp xe hơi Mỹ. Sắc thuế này được biện minh dưới chiêu bài chính trị rất quen thuộc: "Bảo vệ an ninh quốc gia".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận