26/05/2025 12:27 GMT+7

Tin nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey bị FBI điều tra vì chiếm đất là giả

Thông tin và hình ảnh liên quan vụ bà Oprah Winfrey bị FBI điều tra vì chiếm đất lan truyền rộng trên mạng xã hội Mỹ, nhưng những cáo buộc này hoàn toàn là bịa đặt.

Oprah Winfrey - Ảnh 1.

Không có bằng chứng nào cho thấy FBI đang điều tra bà Oprah Winfrey vì chiếm đất - Ảnh: REUTERS

Từ cuối tháng 3 đến gần đây, mạng xã hội Mỹ lan truyền rộng rãi tin đồn cho rằng Cục Điều tra liên bang (FBI) đang điều tra "nữ hoàng truyền hình" Oprah Winfrey vì hành vi chiếm đất trên đảo Maui (Hawaii) sau vụ cháy rừng nghiêm trọng xảy ra tại thị trấn Lahaina vào tháng 8-2023.

Theo báo cáo của trang kiểm chứng Snopes ngày 25-5, các nội dung này lan truyền dưới dạng ảnh và video trên Facebook, X, Instagram, TikTok và trang Americas Best Pics, với tuyên bố rằng bà Oprah Winfrey sở hữu hơn một nửa đảo Maui và đang bị FBI điều tra.

Ngày 21-5, một đoạn video ngắn do trang Facebook của America's Last Line of Defense (ALLOD) đăng tải, với nội dung cho rằng bà Winfrey đang bị FBI điều tra, đã khiến tin đồn xuất hiện từ tháng 3 lan rộng trở lại.

Video lan truyền sử dụng hình ảnh từ vụ cháy tại thị trấn Lahaina năm 2023, kèm theo dòng chữ "Oprah Winfrey đáng bị vào tù". Chỉ sau một ngày, đoạn video này đã thu hút hơn 9.500 lượt thích, 1.400 bình luận và 4.600 lượt chia sẻ.

Ngày 25-5, Snopes chính thức bác bỏ tin đồn này và khẳng định không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy FBI đang điều tra bà Winfrey liên quan đến các hoạt động bất động sản trên đảo Maui.

Qua kiểm tra bằng các công cụ tra nguồn hình ảnh, Snopes xác định các bức ảnh trong video lan truyền là ảnh chụp từ trên cao về vụ cháy rừng ở thị trấn Lahaina năm 2023, thuộc sở hữu của nền tảng Getty Images.

Thực tế, bà Winfrey từng sở hữu một số bất động sản tại khu vực này, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy bà lợi dụng vụ cháy rừng để trục lợi cá nhân.

Theo báo cáo của Snopes, thông tin trên xuất phát từ ALLOD - một mạng lưới chuyên đăng tải nội dung châm biếm và giả tưởng nhằm gây hài hước hoặc thu lợi từ những người dùng không nhận biết được đây là thông tin giả.

Trên nền tảng Facebook, ALLOD cũng tự nhận là nơi chuyên truyền bá tin giả và trêu chọc nhằm mục đích kiếm tiền.

Theo đó, tất cả nội dung từ mạng lưới này đều được gắn nhãn "S", tức là tin mang tính châm biếm, nhưng khi được chia sẻ dưới dạng ảnh hoặc video, nhãn chú thích này thường bị người xem bỏ qua hoặc bị hiểu nhầm.

Trang Snopes cho biết cũng từng bác bỏ nhiều thông tin bịa đặt khác do ALLOD lan truyền về bà Winfrey.

Như vụ cáo buộc bà Winfrey bị cho là cố gắng mua hàng chục nghìn bất động sản hư hại tại các vùng bị ảnh hưởng bởi bão Helene và bão Milton, hay vụ cáo buộc bà này điều hành quỹ từ thiện cho trẻ em thu về 140 triệu USD nhưng chỉ mua 310 chiếc áo khoác đem quyên tặng hoàn toàn là tin bịa đặt.

Tin nữ hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey bị FBI điều tra vì chiếm đất là giả - Ảnh 2.Ông Musk lại nói Starlink bị cấm tại Nam Phi do ông không phải người da đen

Ông Elon Musk cáo buộc Nam Phi cấm mạng Internet của Starlink phủ sóng vì ông “không phải người da đen”, trong khi cơ quan địa phương khẳng định chưa từng nhận hồ sơ xin cấp phép của SpaceX.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên