
Biển chỉ dẫn, biển báo giao thông trên đường Mai Chí Thọ (TP.HCM) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sau một thời gian TP.HCM chính thức sáp nhập các đơn vị hành chính (từ ngày 1-7), đến nay nhiều người dân cho biết một số biển chỉ dẫn giao thông trên đường đã bị xóa tên địa phương cũ nhưng chưa được thay thế bằng tên mới.
Điều này khiến người đi đường gặp lúng túng khi đi qua các khu vực đã đổi tên.
Anh Hòa Văn (tài xế xe tải chia sẻ): "Một số bảng chỉ dẫn đã bị xóa tên cũ, nhưng chưa thấy thay thông tin mới. Nếu chưa thay mới thì nên giữ tạm tên cũ để dễ nhận biết".
Một bạn đọc khác cũng cho biết trong giai đoạn này việc các bảng chỉ dẫn bị xóa hoặc chưa cập nhật dễ khiến người dân có thể đi nhầm đường, nhất là những người từ nơi khác đến TP.HCM.
"Mong các cơ quan chức năng sớm cập nhật đồng bộ để việc đi lại thuận tiện hơn", bạn đọc này nói.
Ghi nhận ý kiến từ người dân và báo chí, Sở Xây dựng TP.HCM đã phản hồi cụ thể vấn đề này. Sở Xây dựng cho biết đã ban hành công văn số 612/SXD-BTKT ngày 11-7-2025 gửi đến các đơn vị trực thuộc, yêu cầu rà soát và cập nhật hệ thống biển chỉ dẫn giao thông trên toàn địa bàn.
Việc điều chỉnh sẽ được làm phù hợp với các địa danh hành chính mới sau khi sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã.
Theo Sở Xây dựng, trước mắt sẽ ưu tiên cập nhật các biển báo chỉ dẫn ranh giới hành chính giữa TP.HCM và các địa phương lân cận như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu để đảm bảo tính kết nối liên tỉnh.
Với các bảng chỉ hướng trong nội thành, công tác thay thế được làm từ nay đến cuối năm 2025, giúp người dân có thời gian làm quen với tên gọi mới và tránh gây xáo trộn trong đi lại.

Đường số 2B xuất hiện hai lần ở phường An Lạc, TP.HCM. Một đường ở phường An Lạc, một đường ở phường An Lạc A (quận Bình Tân cũ), cách nhau 4km - Ảnh: TTO
Nhiều tuyến đường trùng tên
Cùng với việc điều chỉnh biển chỉ dẫn, TP.HCM đang có tình trạng trùng tên đường sau sáp nhập.
Số lượng đường trùng tên được dự báo tiếp tục tăng. Các tên đường phổ biến như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Nguyễn Văn Trỗi… hiện xuất hiện ở nhiều địa phương mới.
Một số chuyên gia đề xuất phương án giữ nguyên tên hiện tại nhưng bổ sung địa danh hoặc đánh số thứ tự để phân biệt, thay vì đổi tên hàng loạt nhằm hạn chế xáo trộn và phát sinh chi phí không cần thiết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận