22/05/2025 18:27 GMT+7

TP.HCM mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho KOL bán hàng trên mạng

Hơn 100 KOL đăng ký lớp bồi dưỡng nghiệp vụ bán hàng trên mạng do Trung tâm Báo chí TP.HCM phối hợp với Công an TP, Cục Thuế TP, Sở Công Thương, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm tổ chức.

KOL - Ảnh 1.

Người trẻ cẩn trọng khi xem và mua hàng được quảng cáo trên TikTok - Ảnh: T.T.D.

Chiều 22-5, tại họp báo kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Khanh - phó giám đốc Trung tâm Báo chí TP.HCM - cho biết Trung tâm Báo chí TP.HCM sẽ phối hợp với Công an TP.HCM, Sở Công Thương, Cục Thuế TP, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các KOL (người có ảnh hưởng) bán hàng trên mạng.

Theo đó, các lớp này sẽ bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, quy định hiện hành về bán hàng trên mạng, kiến thức chuyên ngành về an ninh trên mạng, các biện pháp chống hàng gian, hàng giả. 

Bên cạnh đó, Cục Thuế TP.HCM cũng sẽ bồi dưỡng về trách nhiệm người kinh doanh trên môi trường mạng và hướng dẫn việc khai báo thuế.

Dự kiến lớp đầu tiên diễn ra ngày 13-6 và hiện đã có 100 KOL đăng ký. Trung tâm Báo chí TP.HCM sẽ tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng, mong muốn các KOL biết đến để đăng ký tham dự.

Thời gian qua, nhiều KOL, TikToker vướng vòng lao lý vì vi phạm pháp luật khi bán hàng trên mạng đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc kiểm soát kinh doanh qua mạng. Đáng báo động khi tình trạng bất chấp kiếm lợi bằng cách quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng dỏm… đang nhan nhản.

Có thể kể đến việc Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs, hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố liên quan đến sản xuất và bán hàng giả.

Hay vụ việc toàn bộ sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g) của công ty chồng Đoàn Di Băng bị Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy vì có chỉ số SPF ghi trên nhãn thấp hơn 20 lần so với kiểm nghiệm...

Đáng chú ý, theo số liệu từ nghiên cứu của Kantar năm 2024, Việt Nam có đến 60% thế hệ gen Z (khoảng 15 triệu người) tin vào review của KOL, KOC trên TikTok, và có khoảng 40% trong số đó từng mua sản phẩm kém chất lượng do review không trung thực.

Việc KOL/KOC bất chấp chất lượng sản phẩm để quảng cáo theo kịch bản cũng làm suy giảm chuẩn mực đạo đức trong truyền thông.

Ngoài ra nhiều KOL/KOC tự phong hợp tác với các thương hiệu không uy tín, quảng bá sản phẩm giả, kém chất lượng hoặc tham gia các mô hình đa cấp trá hình cũng góp phần trực tiếp đến việc làm tăng lừa đảo trên mạng.

Các chuyên gia cho rằng cần siết chặt trách nhiệm người có ảnh hưởng khi tham gia bán hàng.

TP.HCM mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho KOL bán hàng trên mạng - Ảnh 3.KOL quảng cáo lố: Đã nhìn thấy trước hậu quả?

Dù đã nhìn thấy trước hậu quả của việc quảng cáo lố, lừa dối fan hâm mộ, nhiều KOL vẫn bất chấp. Biếm họa đăng trên Tuổi Trẻ Cười cách đây 1 tháng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên