Trăm kiểu làm hàng giả: Thuốc, sữa, bột ngọt, nước mắm, cà phê giả

Không phải bây giờ mới có, hàng giả là vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân và gây bức xúc trong dư luận.

hàng giả - Ảnh 1.

Bị cáo trong vụ án VN Pharma - Ảnh tư liệu

Nhiều người đã bị xử lý hình sự phần nào cho thấy phương thức phạm tội rất đa dạng, trên khắp các lĩnh vực đời sống.

Từ thuốc, sữa... đến bột ngọt, nước mắm, cà phê giả

Vào những năm 2014, dư luận rúng động với vụ án buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh liên quan đến ông Trương Quốc Cường (cựu thứ trưởng Bộ Y tế) và hàng loạt cựu quan chức ngành dược trong vụ thuốc điều trị ung thư giả tại Công ty VN Pharma.

Dù bị truy quét quyết liệt song hằng năm cơ quan chức năng khắp cả nước vẫn phát hiện, truy tố, xét xử hàng loạt vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, tân dược.

Mới đây TAND TP.HCM cũng xét xử và tuyên phạt 11 bị cáo về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh khi nhóm này sản xuất thuốc giun, thuốc trị viêm âm đạo giả...

Tháng 9-2024, TAND cấp cao tại TP Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Văn K. - là một dược sĩ từng tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội - 2 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và 3 năm 6 tháng tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức khi bị cáo này làm giả nhiều loại tân dược và hồ sơ thuốc... rồi bán lại cho các bệnh viện.

K. khai chi hoa hồng cho trình dược viên khi bán thuốc vào bệnh viện là 5-7%, bác sĩ kê đơn là 10-12% tuy nhiên ngoài lời khai K. không có chứng cứ nào khác nên không đủ cơ sở xác định các bác sĩ được hưởng hoa hồng khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân nên không có căn cứ xử lý.

Bên cạnh thuốc, sữa cũng là mặt hàng bị làm giả nhiều. Tháng 7-2021 Nguyễn Trung V. đã tự nghiên cứu lập các công thức để phối trộn nguyên liệu cho ra các sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sau đó đăng ký công bố sản phẩm, chỉ đạo công nhân sản xuất ra 27.378 sản phẩm.

Tuy nhiên khi cơ quan chức năng kiểm tra thì phát hiện trong mỗi sản phẩm thu giữ có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chỉ đạt mức dưới 70% so với chỉ tiêu đã đăng ký. Tổng giá trị hàng giả là 4,4 tỉ đồng. V. bị tòa án tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù về hai tội sản xuất hàng giả là thực phẩm và làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Không chỉ vậy, đến bột ngọt, nước mắm, cà phê... những thực phẩm sử dụng hằng ngày cũng dễ dàng bị làm giả.

Năm 2022, cơ quan chức năng ở Đồng Nai đã xử lý hình sự với Ngô Văn Th. vì có hành vi bán 37 gói bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto, 34 gói hạt nêm giả nhãn hiệu Knorr và sản xuất 79 chai nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư Đệ Nhị loại 900ml (nước mắm hòa với nước muối và tương ớt) để bán ra thị trường, thu lợi 790.000 đồng.

Năm 2023 ở Đắk Lắk, khi giá cà phê nhân tăng cao Võ Nguyên V. đã nảy sinh ý định chỉ đóng gói hạt đậu nành rang xay tẩm ướp hương vị cà phê để kiếm lời, chứ không pha trộn với hạt cà phê rang xay.

Từ tháng 3-2024 đến ngày 9-4-2024, V. đã sản xuất đóng gói 109,5kg, tương đương 219 gói cà phê bột giả nhãn hiệu Chồn coffee GP BM, có giá trị tương đương với hàng thật là 104 triệu đồng và bán cho người khác để thu lợi bất chính 8,6 triệu đồng thì bị phát hiện. V. bị TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên phạt 2 năm 3 tháng tù treo.

Mua cây giống sâm Ngọc Linh nhận cây tam thất

Không chỉ thực phẩm bị làm giả, ngay cả cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng bị làm giả. Tháng 2-2024, Lưu Văn Ch. lên Facebook tạo trang "Trung tâm giống cây trồng tỉnh Kon Tum" để đăng bài bán cây giống sâm Ngọc Linh giả nhằm thu lợi bất chính từ người mua để có tiền tiêu xài cá nhân.

Ngày 25-4-2024, anh S. lên Facebook thì thấy nên hỏi mua. Ch. khẳng định với anh S. giống cây mình bán là cây giống sâm Ngọc Linh Kon Tum thật. Anh S. đồng ý mua 150 cây giống sâm Ngọc Linh của Ch. với giá 35.000 đồng/cây.

Tuy nhiên Ch. không có cây giống sâm Ngọc Linh nên đặt mua 150 cây giống tam thất - là loại cây có đặc điểm ngoại hình giống với cây sâm Ngọc Linh, với giá 15.000 đồng/cây để gửi cho anh S..

Khi gửi, Ch. lấy tên người gửi giả là "Nhà vườn Green Farm" ở xã Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc để tạo lòng tin. Sau khi nhận hàng, nghi ngờ là giống cây giả nên anh S. đã mang toàn bộ cây giống trên đến Công an phường Lê Lợi, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum giao nộp và đề nghị xử lý theo quy định.

Số cây giả mà Ch. bán cho anh S. tương đương với số lượng của hàng thật cây giống sâm Ngọc Linh 2 năm tuổi vào thời điểm tháng 5-2024 là 97,5 triệu đồng. Ngày 26-9-2024, TAND TP Kon Tum tuyên phạt Lưu Văn Ch. 13 tháng tù treo về tội buôn bán hàng giả là giống cây trồng.

Hay từ tháng 4-2022 đến tháng 5-2023, Trần Minh T. và Trần Ngọc T. biết hai loại thuốc bảo vệ thực vật Lyphoxim 41SL và Glyphosan được làm giả nhưng do ham lợi nên T. đã buôn bán thuốc bảo vệ thực vật giả với số lượng 1.740 chai thuốc trừ cỏ, tổng giá trị hàng giả là 297 triệu đồng.

Ngày 30-9-2024, TAND huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tuyên phạt Trần Minh T. 700 triệu đồng, phạt Trần Ngọc T. 500 triệu đồng về tội buôn bán hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.

Phạt nặng sao vi phạm vẫn nhiều?

Luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: "Bộ luật Hình sự có bốn tội danh liên quan đến hàng giả. Hình phạt cao nhất đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là tử hình, chung thân đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.

Còn các tội sản xuất, buôn bán hàng giả và sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi có mức án cao nhất lần lượt là 15 năm tù và 20 năm tù.

Mức án quy định như trên không phải là thấp nhưng các vụ vi phạm vẫn xảy ra tại nhiều địa phương trên nhiều lĩnh vực. Đây là vấn nạn đã nhiều năm nhưng vẫn chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu, chưa xử lý đúng với tính chất, mức độ và hậu quả của cá nhân có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát.

Thời gian gần đây cơ quan chức năng phát hiện xử lý khá nhiều vụ việc liên quan đến hàng giả, đặc biệt là thực phẩm, thuốc chữa bệnh. Đây là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Với tình trạng vi phạm hàng giả như hiện nay cần thiết phải hạ định lượng và tăng mức phạt bổ sung (trong chế tài hình sự) là hợp lý.

Trăm kiểu làm hàng giả - Ảnh 2.Chống buôn lậu, hàng giả 26-5: Qua kiểm nghiệm phát hiện thuốc giả tăng nhiều

Số lượng thuốc giả phát hiện qua kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM có xu hướng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2022 phát hiện 5 mẫu thuốc giả, năm 2023 là 12 mẫu, riêng năm 2024 con số này tăng vọt lên 40 mẫu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên