
AI Gemini, một robot điều khiển bằng AI, có khả năng vẽ tranh thủy mặc phong cảnh truyền thống Trung Quốc - Ảnh: Victor Wong
Theo CNN, Victor Wong, nghệ sĩ đa phương tiện sống tại Hong Kong, đã thu được hàng chục ngàn USD từ các tranh thủy mặc do trí tuệ nhân tạo vẽ, nhưng cũng nhận về không ít tranh cãi.
Tranh thủy mặc do trí tuệ nhân tạo sáng tác
Wong là nghệ sĩ sáng tạo có bằng kỹ sư điện và đã thực hiện nhiều tác phẩm thuộc các lĩnh vực như hiệu ứng đặc biệt cho phim ảnh, lắp đặt nghệ thuật công nghệ, và điêu khắc.
Ông sáng tạo ra "AI Gemini", một robot điều khiển bằng AI có khả năng vẽ tranh thủy mặc phong cảnh truyền thống Trung Quốc. AI Gemini không liên quan đến chatbot AI cùng tên của Google.
Phòng tranh 3812 Gallery, nơi đại diện cho Wong, gọi AI Gemini là "nghệ sĩ thủy mặc trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới".
Robot sử dụng cánh tay máy được mua trực tuyến và lập trình lại, với cây cọ vẽ gắn kèm.
Thuật toán sẽ phân tích các dữ liệu, điều khiển cánh tay máy vẽ nên các đường nét núi non để tạo thành bức tranh phong cảnh trên giấy Tuyên - một loại giấy truyền thống dùng để vẽ.
Tranh của Wong từng lấy cảm hứng từ việc Trung Quốc đưa tàu thám hiểm lên vùng tối của Mặt trăng, sử dụng thông tin từ bản đồ 3D Mặt trăng công khai của NASA. Ông cũng từng sử dụng dữ liệu như giá cổ phiếu, với các chỉ số lên xuống được diễn giải thành núi non và thung lũng.
Việc phối màu dựa trên học sâu và được huấn luyện theo phong cách tranh thủy mặc truyền thống. Lượng nước được sử dụng sẽ thay đổi tùy theo độ ẩm không khí. Để hoàn thành bức tranh có kích thước khoảng một mét vuông, AI Gemini mất khoảng 8 đến 10 tiếng đồng hồ.

Robot sử dụng cánh tay máy được mua trực tuyến và lập trình lại, với cây cọ vẽ gắn kèm - Ảnh: Victor Wong

Wong từng sử dụng dữ liệu như giá cổ phiếu, với các chỉ số lên xuống được diễn giải thành núi non và thung lũng - Ảnh: Victor Wong
Sáng tác tranh bằng AI vẫn gây tranh cãi
Từ khi ra mắt AI Gemini, Wong đã tổ chức triển lãm tại Hong Kong, Thượng Hải, Đài Bắc và London.
Ông cho biết các bức tranh của mình đã được bán với giá khoảng 20.000 USD cho các nhà sưu tập cá nhân. Wong cũng đã hợp tác trong một số dự án với các doanh nghiệp như Hãng hàng không Cathay Pacific - biểu tượng của Hong Kong.
Việc sử dụng AI để tạo ra tác phẩm nghệ thuật vẫn còn gây tranh cãi.
Đầu năm nay, hơn 6.500 người đã ký vào một bức thư ngỏ kêu gọi nhà đấu giá Christie's New York hủy bỏ một buổi đấu giá chỉ dành riêng cho các tác phẩm tạo bởi công nghệ.
Dù vậy, buổi đấu giá vẫn diễn ra và thu về 729.000 USD. Giới phê bình cho rằng nghệ thuật sáng tác bằng AI thiếu tính độc đáo, và các nghệ sĩ phàn nàn rằng nó dựa trên những hình ảnh có bản quyền.
Về phần mình, Wong cho rằng các bức tranh do ông và AI Gemini tạo ra là nguyên bản, nhưng cũng nói rằng khán giả đến triển lãm đôi khi vẫn sẽ thốt lên: "Đây không phải là nghệ thuật!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận