Trẻ em cần gì ở thể thao?

HUY ĐĂNG 20/07/2025 10:47 GMT+7

TTCT - Jamie Miller, 13 tuổi, căm ghét phụ nữ và xã hội, bị ám ảnh tâm lý cực đoan từ những lần bị lôi ra sân bóng, sân điền kinh, võ đài bởi cha mình. Và rồi cậu phạm tội ác…

Hãy thở phào, vì đó chỉ là nội dung của Adolescence, bộ phim tâm lý trẻ vị thành niên đã gây sốt toàn cầu trên Netflix.

Không chỉ là chuyện trên phim

Nhưng John Amaechi, nhà tâm lý học từng là ngôi sao bóng rổ, khẳng định: "Tôi hy vọng rằng các phụ huynh sau khi xem xong Adolescence sẽ nhận ra rằng nỗi sợ hãi ở môi trường thể thao, môi trường đòi hỏi vận động cường độ cao - gây ám ảnh nhiều đứa trẻ, không chỉ là nội dung của một bộ phim hư cấu. Đây là câu chuyện hiện hữu trong cuộc sống".

tâm lý trẻ - Ảnh 1.

Phụ huynh thường chỉ thấy được mặt tươi sáng của thể thao. Ảnh: B.B.

Adolescence là một bộ phim tâm lý, nêu bật những vấn đề gai góc trong xã hội. Bộ phim kể về hành trình phạm tội của Jamie Miller, từ một cậu bé hiền lành, có thiên hướng nghệ thuật, trở nên ngày càng cực đoan vì bị bắt nạt ở trường học.

Một khía cạnh không thể bỏ qua trong diễn biến tâm lý méo mó của Miller, là nỗ lực đưa cậu bé đến thể thao của cha cậu. Cha Miller tìm cách đẩy con trai ra sân bóng đá, sân điền kinh và cả võ đài quyền anh với hy vọng cậu bé có thể hoạt bát, năng động hơn. 

Nhưng tất cả đều phản tác dụng, khi thứ ông không có cho con trai là thời gian. Trên sân bóng, tất cả những lời hô hào kiểu "Cố gắng lên", "Con làm được mà" trở nên vô nghĩa, và sự dè bỉu của bạn bè với những pha xử lý vụng về của Miller chỉ càng khiến tâm lý cậu bé ngày càng trở nên méo mó.

Giống như lời Amaechi, nội dung của Adolescence có thể trầm trọng và u tối, nhưng câu chuyện không chỉ là phim ảnh. 

"Có rất nhiều trẻ em đến trường với tiếng gào thét thầm lặng trong lòng: làm sao để thoát khỏi sân tập thể dục, mình không thể chịu đựng được. Đừng tin tưởng những kẻ ồn ào. Họ luôn huênh hoang rằng mỗi người đều phải cao lớn, đều phải hướng ngoại và tài giỏi ở một sân chơi thể thao. Họ chỉ là số ít, và một phần đáng kể những đứa trẻ khác chỉ muốn nói: làm ơn đi, hãy tha cho tôi".

Amaechi thừa nhận bản thân ông từng là một người hướng nội, sợ hãi đám đông, việc ông theo đuổi bóng rổ hoàn toàn chỉ vì chiều cao vượt trội - lên đến hơn 2m khi mới 17 tuổi. Và chiều cao đó chủ yếu đến từ di truyền.

Ngay sau khi giải nghệ ở tuổi 33, Amaechi theo đuổi chuyên ngành tâm lý, trở thành giáo sư tên tuổi trong chuyên ngành tâm lý học tổ chức. 

Đề tài thể thao cho trẻ em cũng luôn cuốn hút cựu vận động viên NBA này. Trước Adolescence, câu chuyện về việc "nhồi nhét trẻ em vào sân chơi thể thao" trở thành chủ đề gây tranh luận nhiều ở Tây phương.

Richard Keegan, nhà tâm lý học thể thao tại Đại học La Trobe (Úc), từng thực hiện một khảo sát trên 1.120 học sinh. Kết quả khiến nhiều người phải ngạc nhiên: có đến 80% trẻ cho biết các em không hề hứng thú với thể thao, vì phải chịu áp lực quá nhiều, và 44% nói từng ám ảnh vì vấn nạn bắt nạt trong sân chơi thể thao.

Phản tác dụng

Nhiều phụ huynh thất bại trong việc giúp con mình hòa nhập với sân chơi thể thao, và bắt đầu tìm kiếm một hướng đi khác - các trại hè thể thao. 

Đây là mô hình do chuyên gia giáo dục Luther Halsey Gulick sáng lập từ cuối thế kỷ 19, với tôn chỉ "cơ thể, trí não, tinh thần", thông qua hoạt động trại hè để kích thích tinh thần vận động của trẻ em, kết hợp những môn thể thao như đi bộ việt dã, leo núi, chèo thuyền…

Trải qua trăm năm phát triển, mô hình trại hè này bắt đầu lan tỏa sang châu Á, bùng nổ vào thập niên 2010 rồi bắt đầu… biến tướng.

Năm 2022, một em nhỏ ở Trung Quốc bị gãy chân trong lúc tìm cách leo rào, trốn khỏi một trại hè, theo Sixthtone. Vụ việc đánh động giới phụ huynh Trung Quốc. 

Và từ đó tới nay, đã có hàng loạt vụ việc gây tranh cãi xuất hiện ở các trại hè kiểu này, từ những video lan truyền trên mạng xã hội tiết lộ cảnh huấn luyện viên tại một lớp học bơi ở Giang Tây ép trẻ em nhúng đầu xuống nước nhiều lần, cho đến những vụ chấn thương liên tục vì tập luyện cường độ cao.

Theo thống kê của Sixth Tone, chỉ trong 4 năm qua đã có ít nhất 180 vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến trại hè thể thao hoặc trại hè quân đội ở Trung Quốc. Mô hình trại hè do đó đứng trước sức ép và chỉ trích dữ dội, và ngày càng nhiều người nghi vấn việc dồn ép trẻ nhỏ vào một môi trường ép buộc vận động có thực sự mang tính giáo dục?

Cả ở Tây phương, mô hình trại hè vận động cũng ngày càng hứng chịu nhiều chỉ trích. Tiến sĩ Amanda Visek (Đại học George Washington, chuyên tâm lý thể thao trẻ em) khẳng định: 

"Điều quan trọng nhất là cảm giác vui vẻ khi vận động, chứ không phải kỹ năng hay cạnh tranh. Khi niềm vui qua đi hoặc không tồn tại, trẻ chỉ cảm thấy sợ hãi trước sự cạnh tranh của thể thao. Chúng bị đưa đến một sân chơi mà bản thân không có khả năng, mọi thứ có thể trở thành cơn ám ảnh".

Một khảo sát khác của American College of Sports Medicine (ACSM) cũng chỉ ra thực trạng phụ huynh đưa trẻ vào các trại hè với mong mỏi con mình "trở nên năng động sau một mùa hè" dẫn đến rất nhiều mặt trái.

"Trẻ em không thể trở nên năng động chỉ sau 1-2 tuần lễ bị đẩy đến các trại hè. Trên thực tế, chúng chắc chắn sẽ chấn thương vì chưa quen với vận động, rồi sau đó sẽ bị ám ảnh, sợ hãi với thể thao" - tiến sĩ Avery Faigenbaum, chuyên gia về thể chất học đường tại Đại học Montclair (Mỹ), cảnh báo.

Mọi chuyện có thể càng tồi tệ hơn nếu đưa vào yếu tố thắng thua, ông Amaechi cảnh báo. 

"Thể thao là phải có thắng có thua. Những gì Miller trải qua trong Adolescence là hoàn toàn thực tế. Một cậu bé không biết làm gì trong môi trường cạnh tranh sẽ bị bạn bè chế nhạo, dè bỉu. Trong trường hợp này, thể thao không còn là thứ để hỗ trợ, để giúp đỡ, mà chỉ giết chết tâm hồn đứa trẻ", Amaechi nói.

Vậy cuối cùng, các phụ huynh phải làm gì? "Như những gì mà Adolescence phản ánh qua câu chuyện của Miller, thứ trẻ em cần thực sự là thời gian của bố mẹ, để song hành cùng mọi hoạt động của chúng một cách khéo léo. Chỉ có như vậy, thể thao mới trở thành công cụ tuyệt vời để hỗ trợ", ông Amaechi nói.

Tương tự, tiến sĩ Visek cũng đưa ra lời khuyên, thay vì "ném con trẻ vào một trại hè, hãy kiên nhẫn với những sân chơi thể thao, trang bị từng chút một, khuyến khích, tìm tòi, khơi dậy thế mạnh, sự đam mê và yêu thích với một số kỹ năng vận động, một số môn thể thao của những đứa trẻ".■

Quan trọng là sự tự nguyện

Khi chuyên gia người Mỹ Luther Gulick đặt nền móng cho các trại hè thể thao vào cuối thế kỷ 19, mục đích của ông là rất tốt đẹp. "Nền giáo dục tốt nhất không nằm trong lớp học, mà ở những cánh đồng, hồ nước và rừng cây, nơi các cô bé, cậu bé tình nguyện khám phá những hoạt động giúp các em sinh tồn, hòa mình vào thiên nhiên. Và tôn chỉ là chúng phải tự nguyện", Gulick viết. Tuy nhiên, các trại hè dần biến tướng khi người làm kinh doanh chỉ nói đến phương thức và tác dụng, mà bỏ qua tôn chỉ ban đầu mà Gulick đề ra.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận