
Vệ tinh Thiên Đô-1 của Trung Quốc tham gia thí nghiệm đo khoảng cách bằng tia laser trong không gian giữa Trái đất và Mặt trăng vào ban ngày - Ảnh: CCTV
Nhờ tia laser hồng ngoại mới, các nhà khoa học Trung Quốc đã tìm thấy vệ tinh Thiên Đô-1 (Tiandu-1) đang ở cách Trái đất 130.000km - một vị trí xa hơn hầu hết các vệ tinh khác trong không gian. Thực tế, Thiên Đô-1 và vệ tinh song sinh Thiên Đô-2 đang quay quanh quỹ đạo Mặt trăng, được Trung Quốc dùng trong thử nghiệm liên lạc và định vị trên Mặt trăng.
Theo trang IFLScience ngày 5-5, tia laser này được gửi từ một trạm quan sát trên Trái đất, phản xạ lại một thiết bị phản xạ ngược trên Thiên Đô-1 và quay trở lại Trái đất trong chưa đầy một giây.
Nhóm khoa học gia Trung Quốc đã quan sát tia laser bằng kính viễn vọng 1,2m tại Đài quan sát Vân Nam của Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã so sánh thành tựu nói trên với việc bắn trúng một sợi tóc từ khoảng cách 10km.
Tia laser trong vũ trụ được dùng cho nhiều mục đích khác nhau. Đây là lý do khiến các nhà khoa học Trung Quốc cảm thấy hào hứng khi có thể thử nghiệm công nghệ này ở khoảng cách xa như vậy và đặc biệt là họ có thể dùng nó vào ban ngày.
Trước đó, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã từng dùng một máy phản xạ ngược có kích cỡ một chiếc bánh Oreo để tìm kiếm hai tàu vũ trụ trên bề mặt Mặt trăng: tàu đổ bộ Vikram của Ấn Độ và tàu đổ bộ nghiên cứu Mặt trăng Smart (SLIM) của Nhật Bản.
Tia laser được bắn từ tàu quỹ đạo trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA, sử dụng máy đo độ cao bằng laser (một thiết bị để lập bản đồ Mặt trăng) để tìm hai tàu đổ bộ nói trên.
"Máy đo độ cao của LRO không được thiết kế cho ứng dụng kiểu này, vì vậy khả năng xác định chính xác một máy phản xạ ngược rất nhỏ trên bề mặt Mặt trăng là rất thấp", ông Xiaoli Sun cho biết.
Ông Sun là người đứng đầu đội chế tạo máy phản xạ ngược của SLIM tại Trung tâm chuyến bay vũ trụ Goddard của NASA trong khuôn khổ quan hệ đối tác giữa NASA và Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
LRO cho thấy khả năng theo dõi bằng tia laser trên Mặt trăng song nó chỉ cách các tàu đổ bộ nói trên 100km. Trong khi đó, hệ thống theo dõi chuyên dụng mà các nhà khoa học Trung Quốc dùng đối với Thiên Đô-1 là một cách tiếp cận hoàn toàn mới, cho thấy điều này có thể được thực hiện ở khoảng cách xa hơn 1.000 lần.
Trong tương lai, tia laser đóng vai trò quan trọng trong thông tin liên lạc đường dài và một ngày nào đó có thể giúp liên lạc tốc độ cao đến sao Hỏa.
Truyền thông liên lạc, hay còn gọi là công nghệ truyền thông quang học không gian sâu (DSOC), đã được lắp đặt trên tàu vũ trụ Psyche (của NASA) và thử nghiệm thành công với khoảng cách hàng trăm triệu km, cung cấp tốc độ truyền dữ liệu cao hơn 100 lần so với sóng vô tuyến thông thường.
Tuy nhiên vẫn có những hạn chế. Một trong số đó là ánh sáng ban ngày. Do đó, các nhà khoa học Trung Quốc rất hào hứng trước một hệ thống có thể xử lý được ảnh hưởng của ánh sáng Mặt trời như ở Đài quan sát Vân Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận