Việt Nam lo ngại về căng thẳng tại biên giới Thái Lan - Campuchia

Việt Nam nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay là Thái Lan và Campuchia kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng.

Việt Nam lo ngại về căng thẳng tại biên giới Thái Lan - Campuchia - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng - Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO

Việt Nam kêu gọi Thái Lan - Campuchia không sử dụng vũ lực

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, ngày 24-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực biên giới giữa Campuchia và Thái Lan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Việt Nam bày tỏ lo ngại về những diễn biến căng thẳng hiện nay tại khu vực biên giới giữa Thái Lan và Campuchia.

Thái Lan và Campuchia là láng giềng của nhau và của Việt Nam, cũng như cùng là thành viên ASEAN. Điều quan trọng nhất hiện nay là hai bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không để căng thẳng leo thang, giải quyết hòa bình và thỏa đáng các bất đồng trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết ASEAN, vì lợi ích lâu dài của cả hai bên và của khu vực".

Căng thẳng giữa Thái Lan và Campuchia đã leo thang vào tháng 5, khi một binh sĩ Campuchia thiệt mạng trong cuộc đụng độ giữa quân đội hai nước tại khu vực biên giới tranh chấp.

Dù tuyên bố muốn hạ nhiệt, cả hai bên đều tăng cường quân đội dọc biên giới. 

Thái Lan tiến hành kiểm soát các cửa khẩu, dọa cắt điện và Internet tại các thị trấn biên giới ở Campuchia. Trong khi Phnom Penh cấm nhập khẩu nông sản và phim ảnh Thái.

Các vụ nổ mìn gần đây gây ra thương tích với nhiều binh sĩ bị thương, làm căng thẳng tiếp tục leo thang, dẫn đến việc hai quốc gia láng giềng hạ cấp quan hệ ngoại giao.

Đụng độ vũ trang đã nổ ra giữa quân đội Thái Lan và Campuchia vào sáng 24-7. Trong đó Campuchia đã phóng rocket và pháo vào Thái Lan, còn Bangkok đã điều động tiêm kích F-16 tiến hành không kích.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết một binh sĩ và ít nhất 11 dân thường đã thiệt mạng, phần lớn trong vụ tấn công rocket gần một trạm xăng ở tỉnh Sisaket. Phía Campuchia hiện chưa báo cáo trường hợp thương vong nào.

Người dân Thái Lan, Campuchia tháo chạy khỏi khu vực biên giới

Thái Lan - Ảnh 1.

Người dân bỏ chạy khi một cửa hàng tiện lợi trong trạm xăng tại huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, Thái Lan bị tấn công và bốc khói ngày 24-7 - Ảnh: REUTERS

Xung đột vũ trang leo thang tại khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia vào ngày 24-7 khiến nhiều người dân ở cả hai bên phải tháo chạy do lo ngại đến tính mạng.

Theo Đài CNN, người dân sống dọc theo khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia đang tháo chạy khỏi nhà cửa trong tình trạng hoảng loạn, khi căng thẳng giữa hai nước này leo thang thành xung đột vũ trang vào trưa 24-7.

Tại làng Sa Em, tỉnh Preah Vihear (Campuchia) - cách khu vực xảy ra xung đột khoảng 10km - ông Chhan Rorn Yon (45 tuổi) cho biết ông đã nghe tiếng nổ từ 9h sáng cùng ngày và vô cùng lo sợ cho sự an toàn của gia đình.

“Tôi rất sợ bom rơi và đạn lạc sẽ giết chết chúng tôi. Chúng tôi đang tháo chạy. Tôi lo cho dân làng, con cái, họ hàng và đặc biệt là những binh lính đang chiến đấu”, ông Yon nói.

Một số người dân trong làng đã di tản đến một ngôi chùa gần đó để trú ẩn, tuy nhiên ông Yon cho biết mình không thể rời khỏi nhà dù biết nguy hiểm đang cận kề.

Tại khu vực gần đền Preah Vihear, tài xế xe tuk tuk Noun Hean (40 tuổi) xác nhận hiện vẫn còn tiếng súng nổ và nhiều người dân đã rời khỏi làng. Ông cho biết đã chở người dân đi sơ tán đến khu vực khác cách đó 100km để vào nơi trú ẩn an toàn, dù vẫn rất sợ tiếng bom đạn.

Thái Lan - Ảnh 2.

Người dân Thái Lan ở tỉnh Surin giáp với Campuchia bỏ chạy khi nghe tiếng súng nổ - Ảnh: THE GUARDIAN

Phía Thái Lan, tại tỉnh Surin, ông Komsan Jaipeng kể rằng khi tiếng nổ đầu tiên vang lên, nhiều học sinh đã hoảng loạn bỏ chạy khỏi trường học. Ông Komsan khi đó đang mở tiệm sửa xe máy thì chủ tiệm yêu cầu toàn bộ nhân viên sơ tán khẩn cấp.

“Tôi nói với vợ rằng hôm nay chúng ta sẽ không về nhà, ít nhất phải qua đêm ở nơi trú ẩn này vì nhà chúng tôi cách biên giới khoảng 7-8 km”, ông nói.

Ông cho biết thêm ông đã chuẩn bị sẵn túi đồ khẩn cấp hơn một tháng nay vì lo sợ tình trạng sơ tán khẩn cấp, bao gồm quần áo, sạc điện thoại và các vật dụng thiết yếu.

“Chúng tôi có một nhóm trò chuyện do trưởng làng tạo để cập nhật tin tức. Họ cũng hướng dẫn chúng tôi nơi cần đến nếu xảy ra giao tranh. Vì vậy ngày nào tôi cũng mang theo túi nhỏ bên mình. Tôi hy vọng mọi chuyện sớm kết thúc. Tôi chưa từng trải qua tình huống như thế này”, ông bộc bạch.

Tình hình tại biên giới Thái Lan - Campuchia hiện vẫn rất căng thẳng. Chính quyền địa phương hai nước đang khuyến cáo người dân tránh xa khu vực giao tranh, đồng thời chuẩn bị sẵn các điểm sơ tán. Hiện chưa có thống kê chính thức về thương vong từ phía Campuchia, trong khi Thái Lan ghi nhận ít nhất 11 thường dân thiệt mạng.

Thái Lan - Ảnh 3.

Lính cứu hỏa đang nỗ lực dập lửa tại một cửa hàng tiện lợi trong trạm xăng tại huyện Kantharalak, tỉnh Sisaket, Thái Lan ngày 24-7 - Ảnh: REUTERS

Thái Lan - Ảnh 4.

Người dân sống dọc biên giới ở tỉnh Oddar Meanchey, bao gồm cả phụ nữ mang thai, chạy khỏi nhà đến nơi an toàn - Ảnh: KHMER TIMES

Việt Nam lo ngại về căng thẳng tại biên giới Thái Lan - Campuchia - Ảnh 3. Trung Quốc 'quan ngại sâu sắc' về xung đột Thái Lan - Campuchia

Trung Quốc lên tiếng khi xung đột giữa Thái Lan và Campuchia đang ngày càng leo thang vào trưa 24-7.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên