Xã cấp sổ đỏ: tiện cho dân, cần quy định cụ thể

Nếu chính quyền cấp xã cấp sổ đỏ lần đầu cho cá nhân thì sẽ rất thuận tiện cho người dân. Để làm được việc này cần sớm có quy định và chuẩn bị lực lượng phù hợp nhiệm vụ cho cấp xã.

sổ đỏ - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục đất đai tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ lĩnh vực đất đai ở TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM có các đề xuất về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đáng chú ý có đề xuất chuyển thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu với cá nhân về cấp xã.

Thuận tiện hơn cho dân

Hiện nay tại TP.HCM thực hiện 304 thủ tục hành chính liên quan lĩnh vực môi trường, đất đai, tài nguyên. Trong đó cấp tỉnh thực hiện 237 thủ tục, cấp xã thực hiện 19 thủ tục, còn cấp huyện thực hiện 48 thủ tục.

Sắp tới đây, khi không còn cấp huyện, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất bỏ 6 thủ tục do trùng lặp, chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục về cấp xã. Trong số thủ tục đề xuất chuyển về cấp xã có thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho cá nhân; giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với cá nhân.

Theo sở, phương án đề xuất trên căn cứ vào mức độ liên quan đến cá nhân, hộ gia đình thì ưu tiên cấp xã hoặc đòi hỏi tính chuyên môn sâu, liên thông toàn địa bàn ưu tiên cấp tỉnh.

Theo quy định trường hợp đất đai chưa được cấp sổ đỏ, người dân sẽ đi làm thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu.

Theo Luật Đất đai 2024 hiện hành và Luật Đất đai trước đây, thẩm quyền cấp sổ đỏ (trước đây là sổ hồng) lần đầu cho cá nhân thuộc UBND cấp huyện. Để có cơ sở cấp thì UBND cấp huyện phải căn cứ vào kết quả báo cáo về nguồn gốc, pháp lý đất, quá trình sử dụng, hiện trạng đất đai và tài sản trên đất... từ UBND cấp xã.

Bởi lẽ thực tiễn quản lý đất đai là trên địa bàn của cấp xã sẽ gần gũi và chính xác hơn. Trong khi cấp huyện có thẩm quyền cấp sổ đỏ lần đầu vẫn phải dựa vào kết quả xác minh, kiểm tra của xã sẽ khó đảm bảo tính kịp thời, nhanh chóng.

Theo đánh giá của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, việc chuyển cấp xã cấp sổ đỏ lần đầu cho cá nhân sẽ "thuận tiện, đảm bảo việc giải quyết thủ tục kịp thời, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đất đai tại địa phương".

Bổ sung lực lượng chuyên môn

Dự kiến khi bỏ cấp huyện, TP.HCM (chưa tính sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) còn 102 đơn vị hành chính xã, phường với số biên chế xã, phường là 59. Trong khi đó, thực tế hiện nay UBND các xã, phường ở TP.HCM có biên chế công chức quản lý địa chính từ 2-3 người hoặc hơn và đang phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Phước Bình, chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho hay phường đang có 42 biên chế (gồm cả biên chế không chuyên trách), trong đó có 3 biên chế công chức địa chính. Theo ông Bình, chuyển thẩm quyền cấp sổ đỏ lần đầu cho UBND cấp xã thì thuận lợi cho dân vì cấp xã nắm rõ nguồn gốc, pháp lý đất sẽ giải quyết cho người dân nhanh chóng hơn.

"Tuy nhiên cần bổ sung thêm lực lượng chuyên môn cho cấp xã để thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm việc giải quyết hồ sơ cho người dân. Thực tế nhà đất thuộc diện cấp sổ lần đầu chủ yếu là chưa phù hợp quy hoạch, địa bàn phường cũng còn ít trường hợp", ông Bình nói.

Còn ông Phùng Quốc Việt, chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), cho hay xã này tiếp nhận mỗi ngày khoảng 350 hồ sơ hành chính gồm: địa chính - xây dựng, hộ tịch, sao y - chứng thực... Xã hiện có 3 công chức địa chính giải quyết hồ sơ liên quan lĩnh vực cho dân số xã hơn 153.000 dân.

Theo ông Việt, thời gian qua xã vẫn thực hiện công tác xác minh hiện trạng, báo cáo nguồn gốc, pháp lý đất đai... cho UBND huyện cấp sổ đỏ lần đầu cho người dân.

"Nếu chuyển thẩm quyền cho xã thì việc cấp sổ cho người dân sẽ thuận tiện, trực tiếp. Tuy nhiên phải bổ sung thêm lực lượng chuyên môn cho xã. Tôi có nghe phương án sẽ bổ sung các công chức, viên chức tài nguyên và môi trường từ huyện cho cấp xã. Như vậy sẽ bảo đảm công tác cấp sổ đỏ cho người dân", ông Việt nói.

Theo thống kê, tại TP.HCM số thửa đất chưa được cấp sổ hiện có khoảng 13.000 thửa, chiếm 0,7% tổng số thửa đất tại TP.HCM. Đa số các thửa đất chưa cấp sổ sẽ được cấp sổ lần đầu tập trung ở các khu vực ngoại thành hoặc khu vực đang vướng quy hoạch.

Để bảo đảm cho bộ máy chuyên môn ở cấp xã, ông Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị giữ lại phần lớn công chức, viên chức hiện đang công tác tại phòng tài nguyên và môi trường các quận huyện để bố trí về các UBND cấp xã, phường.

Đồng thời cũng đề xuất tổ chức lại 22 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận huyện hiện nay thành khoảng 9-12 khu vực cụm địa bàn, dựa trên vị trí địa lý và lưu lượng hồ sơ. Việc tổ chức theo cụm nhằm đảm bảo người dân không phải di chuyển xa, đồng thời tinh gọn đầu mối quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM):

Sớm phân công, phân cấp cụ thể

Thời hạn bỏ cấp huyện, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đang cận kề. Vì vậy rất cần cơ quan chức năng sớm rà soát để bổ sung quy định pháp lý, phân công, phân cấp lại nhiệm vụ, quyền hạn chính quyền 2 cấp.

Việc này nhằm bảo đảm hành lang pháp lý để chính quyền 2 cấp giải quyết trơn tru các thủ tục hành chính cho người dân, nhất là các thủ tục liên quan lĩnh vực nhà đất. Đây là nhóm thủ tục được quan tâm, thực hiện nhiều nhất. Nhà đất là tài sản lớn và quan trọng nhất của người dân.

Nếu không sớm bổ sung quy định, phân định rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng "khoảng trống pháp lý" hoặc tình trạng chồng chéo thẩm quyền trong giải quyết hồ sơ, gây thiệt hại quyền lợi cho người dân.

Để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân được giải quyết xuyên suốt trong giai đoạn chuyển tiếp và vận hành mô hình mới, các cơ quan chức năng cần sớm bổ sung lực lượng, cơ sở vật chất cho chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Bởi lẽ đây là cấp chính quyền gần dân nhất, trực tiếp giải quyết rất nhiều thủ tục cho người dân.

Thạc sĩ Ngô Gia Hoàng (giảng viên khoa luật thương mại Trường ĐH Luật TP.HCM):

Đề xuất phù hợp, cần quy định cụ thể

Xã cấp sổ đỏ: tiện cho dân, cần quy định cụ thể - Ảnh 4.

Thạc sĩ Ngô Gia Hoàng

Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM đã có đề xuất chuyển thẩm quyền giao đất, cho thuê, thu hồi đất cho cá nhân, cấp sổ đỏ lần đầu cho cấp xã.

Đề xuất này phù hợp với mô hình hành chính mới, giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, vì cấp xã gần dân hơn, nắm sát thực tế đất đai tại địa phương, tăng trách nhiệm của chính quyền cấp xã trong quản lý đất đai...

Tuy nhiên một số thẩm quyền cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng.

Với các thủ tục như giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất đối với cá nhân, có thể xem xét chuyển thẩm quyền cho UBND cấp xã. Các hoạt động này vốn đã được Luật Đất đai năm 2024 quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, trình tự thủ tục.

Ví dụ như phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, phần lớn trường hợp giao đất, cho thuê đất phải thông qua đấu giá hoặc đấu thầu... Nếu đi kèm với việc nâng cao năng lực về nhân sự, kỹ thuật, hoàn thiện và liên thông cơ sở dữ liệu về đất đai và tăng cường cơ chế giám sát rõ ràng thì việc giao quyền cho UBND cấp xã thực hiện là khả thi.

Với việc cấp giấy chứng nhận lần đầu, cần cân nhắc từng trường hợp cụ thể để giao cho UBND cấp xã thực hiện. Trong đó với thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng thì việc cấp giấy chứng nhận chỉ là khâu cuối cùng, còn thời điểm để xác lập quyền sử dụng đất về mặt pháp lý là thời điểm có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Lúc này nếu chuyển thẩm quyền giao đất, cho thuê với cá nhân cho UBND cấp xã thì có thể để cho cơ quan này cấp giấy chứng nhận lần đầu nhằm thống nhất thẩm quyền trong phân phối, điều chỉnh đất đai.

Đối với thửa đất đang sử dụng nhưng chưa đăng ký, thời điểm cấp giấy chứng nhận cũng chính là thời điểm Nhà nước xác lập quyền sử dụng đất hợp pháp cho người sử dụng. Việc cấp giấy chứng nhận lần đầu không chỉ là một thủ tục hành chính đơn thuần mà là hoạt động có tính chất xác lập quyền, tạo cơ sở pháp lý cho cá nhân trong các giao dịch, thừa kế, thế chấp sau này.

Thủ tục này đòi hỏi sự thẩm định toàn diện cả về pháp lý lẫn kỹ thuật. Nếu giao thẩm quyền này cho cấp xã mà thiếu cơ chế kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ phát sinh tiêu cực rất lớn, từ việc hợp thức hóa đất lấn chiếm, sai mục đích, đến việc xác nhận sai nguồn gốc sử dụng đất, làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

Theo tôi, đối với thẩm quyền cấp giấy chứng nhận lần đầu cho cá nhân đang sử dụng đất ổn định (công nhận quyền sử dụng đất) thì nên giao thẩm quyền cho Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Trong bối cảnh TP đã hoàn tất gần như toàn bộ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho cá nhân (đạt 99,6%) thì việc chuyển thẩm quyền này cho các cơ quan nói trên sẽ không gây ra nguy cơ quá tải.

Hoặc có thể thực hiện thí điểm trao thẩm quyền này cho cấp xã tại một số địa phương đáp ứng đầy đủ điều kiện về năng lực chuyên môn, cơ sở dữ liệu đất đai và cơ chế giám sát chặt chẽ.

Xã cấp sổ đỏ: tiện cho dân - Ảnh 2.TP.HCM: Đề xuất cấp xã cấp sổ đỏ lần đầu thay cấp huyện

Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất chuyển thẩm quyền giao đất, cho thuê, thu hồi đất cho cá nhân, cấp sổ đỏ lần đầu cho cấp xã.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên